ICO: Thị trường cà phê toàn cầu có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022 – 2023

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 dự báo đạt khoảng 171,3 triệu bao trong khi nhu cầu tiêu thụ lên đến 178,5 triệu bao. Do đó, thị trường cà phê toàn cầu sẽ chứng kiến mức thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Thế giới sẽ thiếu hụt 7,3 triệu bao cà phê trong niên vụ 2022-2023

Trong báo cáo tháng 3, ICO cho biết sản lượng cà phê toàn cầu đã giảm 1,4% xuống còn 168,5 triệu bao trong niên vụ 2021-2022, do cây cà phê bước vào năm mất mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần và khí hậu khắc nhiệt ở một số quốc gia sản xuất chủ chốt. 

Tuy nhiên, sản lượng dự kiến sẽ phục hồi và tăng 1,7% lên mức 171,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu do sản lượng của Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới tăng theo chu kỳ hai năm một, mặc dù giá phân bón tăng cao và điều kiện thời tiết bất lợi tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất cà phê toàn cầu.

Sau khi giảm 7,2% trong niên vụ trước, sản lượng cà phê arabica toàn cầu dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tỷ trọng cà phê arabica trong tổng sản lượng cà phê toàn cầu dự kiến tăng lên mức 57,5% từ mức 55,9% của niên vụ 2021-2022.

Sản lượng robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao. Điều này kéo theo sản lượng của khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 4,6% so với vụ trước, ở mức 49,7 triệu bao.

Trong khi đó, Nam Mỹ vẫn là khu vực sản xuất cà phê lớn nhất thế giới với sản lượng dự báo vào khoảng 82,4 triệu bao, tăng 6,2% so với niên vụ 2021-2022. Trước đó, sản lượng của khu vực đã giảm 7,6% trong niên vụ 2021-2022, mức sụt giảm lớn nhất trong gần 20 năm.

Về tiêu thụ, sau mức tăng trưởng khiêm tốn 0,6% của niên vụ 2020-2021, tiêu thụ cà phê toàn cầu đã tăng 4,2% trong niên vụ 2021-2022 lên 175,6 triệu bao. Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới cùng với nhu cầu bị dồn nén trong những năm đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong niên vụ 2021-2022.

Trong niên vụ 2022-2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc cùng với lạm phát tăng cao được cho là sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới. 

Do đó, ICO dự báo tăng trưởng tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ chậm lại trong niên vụ 2022-2023, với mức tăng 1,7% lên 178,5 triệu bao. Trong đó, tiêu thụ cà phê của châu Âu được dự báo chỉ tăng 0,1% trong niên vụ 2022-2023 sau khi tăng 6% trong niên vụ trước.

Mặc dù vậy, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Sản xuất và tiêu thụ cà phê toàn cầu qua các niên vụ

 Nguồn: ICO

Xuất khẩu cà phê toàn cầu sụt giảm mạnh

Theo số liệu của ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm tới 18% trong tháng 2 xuống còn 8,9 triệu bao (loại 60 kg/bao). Lũy kế trong 5 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 2/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu chỉ đạt 48,6 triệu bao, giảm 8,7% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 7,9 triệu bao trong tháng 2, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đã giảm 8,5% (tương ứng hơn 4 triệu bao) xuống mức 43,8 triệu bao.

Sự sụt giảm được ghi nhận ở hầu hết nhóm cà phê nhân, với arabica Brazil giảm 33% trong tháng 2 xuống 2,3 triệu bao. Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, xuất khẩu cà phê arabica Brazil đã giảm 7% so với niên vụ trước, chỉ đạt 15,4 triệu bao.

Xuất khẩu nhóm cà phê arabica Colombia cũng giảm 6,8% trong tháng 2 và giảm 14,1% trong 5 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuống còn 4,7 triệu bao.

Xuất khẩu các lô hàng arabica khác giảm 16% trong tháng 2 và đánh dấu sự sụt giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu niên vụ mới. Do đó, khối lượng xuất khẩu lũy kế của nhóm cà phê này trong 5 tháng đầu niên vụ hiện tại đã giảm 18,5% xuống 6,7 triệu bao.

Không nằm ngoài xu hướng chung, xuất khẩu cà phê robusta đạt 2, 9 triệu bao trong tháng 2, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu vụ 2022-2023, xuất khẩu robusta đạt 16,9 triệu bao, giảm 13,6% so với cùng kỳ niên vụ trước.

 Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 5 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 2)

Nguồn: ICO

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan tăng 5,8% trong tháng 2 lên mức 0,92 triệu bao so với 0,87 triệu bao của cùng kỳ. Trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023, tổng cộng đã có gần 4,6 triệu bao cà phê hòa tan đã được xuất khẩu, giảm 11,2% so với 5,1 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước. 

Cà phê hòa tan hiện chiếm 10,2% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, tăng so với mức 10,1% của tháng 2/2022. Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, với 0,3 triệu bao được vận chuyển vào tháng 2 vừa qua.

Xuất khẩu cà phê đã rang tăng 6,2% trong tháng 2 lên 50.140 bao. Tổng cộng 5 tháng đầu niên vụ 2022-2023 đã có 292.247 bao được giao dịch trên toàn cầu, giảm so với 336.790 bao của cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu giảm ở hầu hết các nhà sản xuất lớn

Xuất khẩu cà phê các loại của khu vực Nam Mỹ đã giảm 29,8% trong tháng 2 xuống còn 3,5 triệu bao, do tổng khối lượng xuất khẩu của ba quốc gia sản xuất chính trong khu vực là Brazil, Colombia và Peru giảm 30,7%. 

Hai quốc gia sản xuất lớn nhất là Brazil và Colombia giảm lần lượt 32,5% và 5,1%, xuống còn 2,4 triệu bao và 0,9 triệu bao. Xuất khẩu của Peru chứng kiến ​​sự sụt giảm mạnh hơn, lên tới 44,6%.

Sự sụt giảm xuất khẩu cũng được ghi nhận ở khu vực châu Á và châu Đại Dương, khi xuất khẩu của khu vực cũng giảm 15,3% trong tháng 2 xuống còn gần 3 triệu bao và giảm 5,6% xuống 17,4 triệu bao trong 5 tháng đầu niên vụ 2022-2023. 

Trong tháng 2, hai quốc gia sản xuất hàng đầu khu vực là Việt Nam và Ấn Độ có khối lượng xuất khẩu giảm 25,3% và 9,5%, xuống 1,8 triệu bao và 0,5 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 5 tháng đầu niên vụ 2022-2023

Nguồn: ICO 

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi tăng nhẹ 2,2% lên 1 triệu bao trong tháng 2. Sau 5 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi đạt 5,2 triệu bao, tăng 1,4% so với niên vụ trước.

Uganda, nước sản xuất cà phê lớn nhất khu vực đã xuất khẩu 0,5 triệu bao trong tháng 2, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê của Burundi, Bờ Biển Ngà và Congo tăng mạnh lần lượt là 62,5%, 18,1% và 30%. Tuy nhiên, một trong những nước xuất khẩu hàng đầu khu vực khác là Kenya lại giảm 43,5%.

Xuất khẩu cà phê của khu vực Trung Mỹ và Mexico tăng 2,4% trong tháng 2 lên 1,4 triệu bao, qua đó chấm dứt chuỗi 4 tháng tăng trưởng âm liên tiếp. Nhưng tính chung 5 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại, xuất khẩu của khu vực vẫn giảm 10,1%, đạt hơn 4 triệu tấn. Trong khu vực, xuất khẩu cà phê tháng 2 tăng ở nhiều nước như Costa Rica (tăng 6,2%), Cộng hòa Dominica (tăng 95,6%), El Salvador (tăng 12,9%) và Nicaragua (tăng 35,1%).

Giá cà phê thế giới biến động nhẹ trong tháng 3

Chỉ số giá cà phê toàn cầu được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) đảo chiều giảm 2,7% trong tháng 3 xuống còn bình quân 170 US cent/pound, tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 164,36 đến 175,93 US cent/pound.

Giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP)

 Nguồn: ICO 

So với tháng trước, giá cà phê arabica Colombia và cà phê arabica khác lần lượt giảm 5,5% và 3,2% xuống 225,2 và 222,4 US cent/pound. Giá cà phê arabica Brazil giảm 4,2% xuống còn 187 US cent/pound. Riêng robusta tăng 2,5% lên mức 106,49 US cent/pound. 

Trên thị trường kỳ hạn London giá robusta cũng tăng 2,5% trong khi arabica trên sàn New York giảm 2,6%.

Chênh lệch giá cà phê arabica và robusta trên sàn New York và London theo đó thu hẹp xuống còn 79,6 US cent/pound, giảm 8,2% so với mức 86,7 US cent/pound của tháng trước.

Tính đến cuối tháng 3, tồn kho arabica được chứng nhận trên sàn New York giảm 6,7% so với tháng trước xuống 0,8 triệu bao. Ngược lại, tồn kho cà phê robusta tăng 7,2% lên mức 1,3 triệu bao.

Hoàng Hiệp
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cục PVTM: Sẽ cân nhắc thiệt hại của ngành tôn mạ, ống thép khi điều tra thép HRC nhập khẩu

Theo Cục Phòng Vệ Thuơng mại cho biết sẽ cân nhắc các thiệt hại đối với ngành tôn mạ, ống thép trong quá trình điều tra thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ

So sánh giá vàng hôm nay 29/3: Vàng 24K vượt ngưỡng 70 triệu đồng/lượng

Tại thời điểm 11h10 trưa nay, giá vàng SJC bất ngờ lao dốc, nhiều nơi rời khỏi mốc 81 triệu đồng/lượng sau khi bật tăng mạnh vào trưa hôm qua. Trong khi đó, giá vàng nhẫn 24K tiếp tục tăng mạnh, vượt ngưỡng 70 triệu đồng/lượng.

Giá lúa gạo hôm nay 29/3: Thị trường gạo biến động trái chiều

Ghi nhận thị trường giá lúa gạo hôm nay (29/3) tăng giảm trái chiều ở các sản phẩm gạo. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được xuất khẩu với giá 590 - 595 USD/tấn, tăng thêm 5 - 10 USD so với tuần trước.

Giá phân bón hôm nay 29/3: Thị trường lặng sóng, phân supe lân thấp nhất miền Bắc

Khảo sát cho thấy, giá phân bón hôm nay (29/3) duy trì ổn định trên diện dộng. Trong đó, phân supe lân giao dịch thấp nhất ở mức 260.000 - 290.000 đồng/bao.