ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng tháng thứ hai liên tiếp

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3 tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng tăng trưởng thứ hai liên tiếp, sau ba tháng sụt giảm.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng nhẹ

Báo cáo của ICO cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3 đạt 13 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng nhẹ 0,6% so với 12,9 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng tăng trưởng thứ hai liên tiếp, sau ba tháng sụt giảm liên tục.

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu tiên của niên vụ 2024-2025 (từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025), tổng lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 1,9%, xuống còn 67,9 triệu bao, so với 69,2 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2023-2024.

Tính riêng trong tháng 3, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt 11,6 triệu bao, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Đánh dấu tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp trong niên vụ 2024–2025, khiến tổng lượng xuất khẩu lũy kế từ đầu niên vụ đến nay giảm 3,2%, chỉ còn 60,6 triệu bao.

Chủ yếu là do xuất khẩu của nhóm cà phê nhân xanh robusta giảm 8,4% so với cùng kỳ, xuống còn 4,5 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu của Brazil giảm mạnh 83,6%, chỉ đạt 0,14 triệu bao. Mức giảm sâu này phản ánh sự điều chỉnh trở lại bình thường của hoạt động xuất khẩu của Brazil, sau một thời gian dài xuất khẩu cao bất thường từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2024.

Xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh arabica Brazil cũng giảm 2,4% trong tháng 3, xuống còn 3,5 triệu bao. Brazil vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này, khi lượng xuất khẩu của quốc gia sản xuất arabica lớn nhất thế giới giảm 9,4%, chỉ còn 2,8 triệu bao.

ICO cho biết, sự sụt giảm này là do hiệu ứng cơ sở cao của cùng kỳ năm trước và tính chu kỳ của cây cà phê arabica tại Brazil. Niên vụ 2023–2024 được xem là “năm được mùa” của arabica Brazil, với sản lượng xuất khẩu tăng mạnh 21,4% trong cả năm và riêng tháng 3 tăng 16,1%.

Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm cà phê này được bù đắp phần nào nhờ sự gia tăng đáng kể từ Ethiopia. Tính riêng trong tháng 3, Ethiopia đã xuất khẩu 0,4 triệu bao cà phê, tăng tới 65,4% so với cùng kỳ.

Mức tăng hai con số này nhiều khả năng đến từ việc đẩy mạnh xuất khẩu nguồn cung mới của niên vụ 2024–2025, đồng thời giải phóng lượng tồn kho lớn khi Ethiopia tận dụng mức giá cà phê quốc tế đang ở ngưỡng cao.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2024-2025 (Tháng 10/2024 đến tháng 3/2025)

 

Nguồn: ICO  

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu tháng 3 của nhóm cà phê nhân xanh arabica Colombia đạt 1,3 triệu bao, tăng mạnh 25,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tám liên tiếp nhóm cà phê này. Trong đó, Colombia là động lực chính với lượng xuất khẩu tăng 25,2%, đạt 1,2 triệu bao.

Xuất khẩu của nhóm cà phê arabica loại khác cũng tăng 5,9% trong tháng 3, lên mức 2,3 triệu bao. Trong nhóm này, xuất khẩu tăng ở Costa Rica, Ethiopia và Honduras đã bù đắp cho sự sụt giảm tại Mexico, Papua New Guinea và Peru.

Ở các dạng cà phê khác, xuất khẩu cà phê hòa tan ghi nhận mức tăng mạnh 15,6% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 1,3 triệu bao trong tháng 3. Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2024-2025 cũng tăng lên mức 9,9% so với 9% trong cùng kỳ niên vụ 2023-2024.

Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất trong tháng, với hơn 0,3 triệu bao được vận chuyển ra thị trường quốc tế.

Ngoài ra, xuất khẩu cà phê đã rang cũng tăng tới 27,3% vào tháng 3, đạt 82.684 bao.

Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2024-2025

Nguồn: ICO 

Xuất khẩu tăng ở tất cả các khu vực, ngoại trừ Nam Mỹ

Báo cáo của ICO cho thấy, trong tháng 3, ba trong bốn khu vực xuất khẩu cà phê chính ghi nhận sự tăng trưởng, chỉ riêng Nam Mỹ suy giảm. Điều này kéo theo thị phần của khu vực trong tổng xuất khẩu toàn cầu giảm xuống còn 35,7% vào tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Cụ thể, xuất khẩu cà phê từ khu vực Nam Mỹ trong tháng 3 chỉ đạt 4,6 triệu bao, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp khu vực này ghi nhận tăng trưởng âm, sau 14 tháng tăng trưởng liên tiếp.

Sự suy giảm chủ yếu đến từ Brazil, với lượng xuất khẩu giảm 15,9%, xuống còn 4,6 triệu bao. Nguyên nhân chính là do hiệu ứng nền cao của cùng kỳ năm ngoái. Trong niên vụ 2023-2024, Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 49 triệu bao cà phê - mức cao nhất từng được ghi nhận và tăng 12,5 triệu bao (tương đương 34,3%) so với niên vụ trước đó. 

Phần lớn mức tăng này nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam do vụ thu hoạch kém, khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 11,7%, tương đương mức sụt giảm ròng 3,3 triệu bao trong niên vụ 2023-2024. Tuy nhiên, nhu cầu thay thế này hiện không còn, do Việt Nam đang có nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch 2024-2025, dẫn đến xuất khẩu từ Brazil giảm theo. 

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 6 tháng đầu niên vụ 2024-2025

Nguồn: ICO 

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê tháng 3 từ khu vực châu Á và châu Đại Dương đạt 4,8 triệu bao, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi Indonesia, nơi chứng kiến xuất khẩu tăng vọt 125,4%, lên gần 0,9 triệu bao. Đà tăng mạnh phản ánh hiệu ứng nền thấp của cùng kỳ năm trước, cũng như tác động của chu kỳ sản xuất “năm được mùa” và “năm mất mùa”.

Bên cạnh đó, sự gia tăng cũng có thể do lượng tồn kho bổ sung được tung ra thị trường nhằm tận dụng mức giá kỷ lục, đặc biệt là đối với cà phê robusta. Điều này giải thích cho khối lượng xuất khẩu trong tháng 3 ở mức cao nhất từng được ghi nhận so với cùng kỳ các năm.

Tuy nhiên, Việt Nam - quốc gia xuất khẩu lớn nhất khu vực, lại ghi nhận mức giảm 4%, chỉ đạt 3,1 triệu bao, trở thành yếu tố kéo giảm đà tăng chung của toàn khu vực.

Tại châu Phi, xuất khẩu cà phê của khu vực tăng vọt 36,3% trong tháng 3, đạt 1,6 triệu bao – đánh dấu tháng thứ 16 liên tiếp khu vực này duy trì tăng trưởng dương.

Ethiopia và Uganda là hai động lực chính thúc đẩy đà tăng, với mức tăng lần lượt 65,8% và 72,9%, tương ứng đạt 0,63 triệu bao và 0,57 triệu bao. Một vụ thu hoạch bội thu đã mang đến nguồn cung dồi dào, cùng với giá cà phê quốc tế cao và xu hướng bán sớm dường như được cho là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của Ethiopia và Uganda .

Còn với Bờ Biển Ngà, xuất khẩu của nước này giảm mạnh 80,6%, chỉ còn 0,04 triệu bao trong tháng 3, do vụ mùa nhỏ hơn.

Trong tháng 3, xuất khẩu cà phê từ khu vực Trung Mỹ và Mexico cũng tăng mạnh 15,3% so với mức nền thấp của cùng kỳ, lên hơn 1,9 triệu bao. Kể từ niên vụ 2010-2011, xuất khẩu cà phê của khu vực cho thấy một chu kỳ luân phiên 3–4 năm tăng trưởng, tiếp theo là 3–4 năm suy giảm.

Nếu không tính niên vụ 2019-2020 bị gián đoạn do COVID-19, thì niên vụ 2023-2024 sẽ là năm thứ tư liên tiếp tăng trưởng âm. Nếu mô hình này vẫn giữ nguyên, niên vụ 2024-2025 nhiều khả năng sẽ mở đầu cho một giai đoạn tăng trưởng mới kéo dài 3–4 năm tiếp theo.

Honduras và Mexico là hai quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong đà phục hồi của khu vực, với xuất khẩu trong tháng 3 lần lượt tăng 12,7% và 33,6%, đạt 0,8 triệu bao và 0,3 triệu bao.

Hoàng Hiệp
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá phân bón ngày 15/5: Lặng sóng, phân kali bột duy trì đi ngang

Theo khảo sát, giá phân bón hôm nay (15/5) không ghi nhận điều chỉnh mới ở cả khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ. Theo đó, phân urê Phú Mỹ, Ninh Bình có giá bán lần lượt là 620.000 - 650.000 đồng/bao và 610.000 - 640.000 đồng/bao.

Giá thịt heo hôm nay 15/5: Duy trì ổn định tại hệ thống cửa hàng WinMart

Theo khảo sát, giá thịt heo hiện duy trì xu hướng đi ngang trong khoảng 119.922 - 163.122 đồng/kg tại hệ thống cửa hàng WinMart.

Giá cao su hôm nay 15/5: Nhật Bản vượt mốc 320 yen/kg

Giá cao su tiếp tục tăng đáng kể ở các thị trường chính, thể hiện sự kỳ vọng về khả năng đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung.

Giá thép hôm nay 15/5: Giằng co nhẹ, ngược chiều quặng sắt

Giá thép xây dựng Trung Quốc bất ngờ đảo chiều đi xuống trong phiên nhưng mức giảm không nhiều, trong khi đó quặng sắt vẫn trên đà tăng mạnh.