Báo cáo của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 12,2 triệu bao trong tháng 2, tăng hơn 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu niên vụ 2024-2025 (từ tháng 10/2024 đến tháng 2/2025), xuất khẩu vẫn giảm 2,7%, xuống còn 54,9 triệu bao so với 56,4 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2023-2024.
ICO cho biết, cà phê nhân xanh chiếm 91% tỷ trọng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2, với khối lượng đạt 11,1 triệu bao, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cả bốn nhóm cà phê nhân đều ghi nhận mức tăng trong tháng 2, nhưng phần lớn sự gia tăng đến từ arabica Colombia và robusta. Hai nhóm cà phê này đóng góp lần lượt 20% và 66% vào tổng mức tăng ròng xuất khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu cà phê arabica Colombia tăng 12,5% trong tháng 2 lên hơn 1,2 triệu bao. Đây là tháng tăng trưởng dương thứ bảy liên tiếp của nhóm cà phê này và Colombia là động lực chính, với xuất khẩu đã tăng 12,7% và đạt hơn 1,1 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê arabica khác tăng 0,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ, đạt gần 1,9 triệu bao. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên nhóm cà phê này tăng trưởng dương trong niên vụ 2024-2025.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 5 tháng đầu niên vụ 2024-2025 (Tháng 10/2024 đến tháng 2/2025)
Nguồn: ICO
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê nhân xanh arabica Brazil tăng 2,5% trong tháng 2, đạt 3,3 triệu bao. Đồng thời, xuất khẩu cà phê nhân xanh robusta tăng 10,7% lên 4,7 triệu bao.
Với các dạng cà phê khác, xuất khẩu cà phê hòa tan tăng vọt 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,05 triệu bao vào tháng 2. Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất với 0,3 triệu bao được ghi nhận trong tháng vừa qua.
Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng lượng xuất khẩu cà phê từ đầu niên vụ 2024-2025 đến tháng 2 tăng lên mức 9,9% từ 9,1% cùng kỳ niên vụ 2023-2024.
Tương tự, cà phê rang xay đạt 63.658 bao trong tháng 2, tăng 23,8% so với mức 51.403 bao của cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 5 tháng đầu niên vụ 2024-2025
Nguồn: ICO
Xuất khẩu cà phê của 3/4 khu vực sản xuất chính đều tăng trong tháng 2, ngoại trừ Nam Mỹ – nơi xuất khẩu giảm 6,9%, xuống còn 4,58 triệu bao. Đây cũng là tháng giảm thứ ba liên tiếp của khu vực này, sau 14 tháng tăng trưởng dương.
Trong đó, xuất khẩu của Brazil giảm 9,6% còn 3,3 triệu bao, do hiệu ứng mức nền cao của cùng kỳ và tồn kho thấp. Dù vậy, trong 11 tháng đầu niên vụ 2024-2025, Brazil vẫn xuất khẩu tới 45 triệu bao – mức cao thứ hai từ trước đến nay cho giai đoạn này, chỉ sau 46,2 triệu bao của niên vụ 2020-2021.
Ngược lại, xuất khẩu cà phê các loại của khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng ròng gần 0,9 triệu bao trong tháng 2, tương ứng 21,7% lên 4,8 triệu bao.
Sự thay đổi trái chiều giữa hai khu vực đã giúp châu Á và châu Đại Dương chiếm thị phần lớn nhất trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu với 39,3% trong tháng 2, vượt mức 37,5% của Nam Mỹ. Hai khu vực này thường thay đổi vị trí cho nhau, nhưng lần cuối cùng Nam Mỹ rơi xuống vị trí thứ hai là vào tháng 6/2023.
Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi Indonesia và Việt Nam, hai quốc gia này cùng nhau đóng góp hơn 1 triệu bao vào mức tăng chung của khu vực.
Đối với Việt Nam, xuất khẩu đã tăng 22,8% lên 3,36 triệu bao, sau 12 tháng hoạt động xuất khẩu yếu kém với mức sụt giảm trung bình hàng tháng 25%. Sự phục hồi này cho thấy vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 cuối cùng cũng bắt đầu được đưa ra thị trường quốc tế.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của Indonesia tăng tới 126,9%, đạt 0,7 triệu bao trong tháng 2. Tốc độ tăng trưởng này phần lớn là do hiệu ứng nền thấp và sản lượng cải thiện so với năm trước. Bên cạnh đó, giá cà phê cao kỷ lục, đặc biệt là robusta cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Ấn Độ là yếu tố kéo giảm tăng trưởng của khu vực, với xuất khẩu giảm 19,6% xuống còn 0,6 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 5 tháng đầu niên vụ 2024-2025
Nguồn: ICO
Xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực châu Phi cũng tăng mạnh 20,6% trong tháng 2, lên 1,3 triệu bao. Đây đã là tháng tăng trưởng thứ 15 liên tiếp của khu vực và khối lượng xuất khẩu trong tháng 2 là mức cao nhất kể từ năm 1997.
Tính từ đầu niên vụ đến nay, châu Phi đã xuất khẩu gần 6 triệu bao cà phê, khởi đầu tốt nhất kể từ niên vụ 1996-1997. Ethiopia và Uganda là hai nước đóng góp chính vào tăng trưởng khu vực, với mức tăng lần lượt là 41,9% (đạt 0,4 triệu bao) và 27,9% (đạt 0,56 triệu bao).
Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda cho rằng mức tăng hai con số là do giá quốc tế cao đang thúc đẩy các nhà xuất khẩu tung hàng ra thị trường. Đối với Ethiopia, vụ mùa bội thu trong “năm được mùa”, dường như là lý do cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu của nước này.
Còn tại Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê của khu vực đã tăng 10,6%, lên 1,5 triệu bao trong tháng 2.
Guatemala là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của khu vực, với xuất khẩu tăng 24,6% lên 0,3 triệu bao. Ngoài ra, Costa Rica, Honduras và Nicaragua cũng góp phần vào tăng trưởng chung với tổng cộng 0,07 triệu bao. Trái lại, xuất khẩu của Mexico giảm 9,2% còn 0,2 triệu bao.
Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT ngày 21/4/2025 thu hồi quyền cấp C/O, CNM và mã số REX từ VCCI.
Theo dự báo của các chuyên gia, heo hơi tại khu vực miền Nam sẽ tiếp tục tăng giá trong ngày mai do thị trường này đang có xu hướng đi lên.
Nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Mỹ của Trung Quốc trong tháng 3 phần lớn đều giảm, thậm chí ngừng hẳn, khi cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày một leo thang, theo Bloomberg.
Giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều trong ngày đầu tuần. Cám gạo, cám gạo chiết ly là một trong 4 mặt hàng nông sản vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).