Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay

Indonesia sẽ ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, nhờ sản lượng tăng vọt và kho dự trữ dồi dào, theo Bloomberg.

Năm nay có thể là lần đầu tiên sau hàng chục năm, Indonesia sẽ ngừng nhập khẩu gạo. Quyết định này được đưa ra nhờ sản lượng nội địa tăng mạnh và kho dự trữ gạo dồi dào, giúp nước này tự tin đảm bảo nguồn cung trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Sudaryono, sản lượng gạo trong nước dự kiến đạt ít nhất 33,8 triệu tấn vào năm 2026, cao hơn so với mục tiêu 32,8 triệu tấn trong năm nay.

 Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ, Bloomberg (H.Mĩ tổng hợp)

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy, dự trữ gạo quốc gia đã tăng hơn gấp đôi, từ 1,7 triệu tấn vào tháng 1 lên 4 triệu tấn vào tháng 5, nhờ sản xuất phục hồi sau đợt suy giảm do hạn hán năm ngoái.

Quyết định này là một phần trong kế hoạch thực hiện tham vọng của Tổng thống Prabowo Subianto nhằm giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10, ông đã thúc đẩy chiến dịch tự chủ lương thực tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới, nơi 280 triệu người tiêu thụ khoảng 30 triệu tấn gạo mỗi năm.

Chiến dịch của Tổng thống Prabowo càng được đẩy mạnh trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Indonesia đã nhập khẩu 4,65 triệu tấn gạo trong giai đoạn 2023-2024, mức cao nhất kể từ năm 1997-1998, do mùa màng bị thiệt hại bởi hiện tượng El Nino, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Nước này đã nhập khẩu gạo đều đặn từ ít nhất những năm 1960.

"Đảm bảo an ninh lương thực cũng giống như ngăn ngừa bệnh tật," ông Sudaryono chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư. "Phòng bệnh bao giờ cũng rẻ hơn chữa bệnh."

Kho dự trữ gia tăng thậm chí có thể giúp Indonesia xuất khẩu gạo, điều vốn hiếm thấy tại quốc gia này. Ông Sudaryono cho biết ít nhất hai nước láng giềng là Malaysia và Philippines đã ngỏ ý muốn mua gạo của Indonesia. Hiện tại, khoảng 1.000 tấn gạo đang được chuẩn bị để xuất khẩu sang Sabah và Sarawak của Malaysia.

Sản lượng gạo của Indonesia đạt 8,61 triệu tấn trong quý đầu năm, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, nhờ thời tiết thuận lợi trong mùa mưa. Với các biện pháp tăng cường sản xuất trong mùa khô từ tháng 5 đến tháng 7, sản lượng có thể vượt mục tiêu. Theo số liệu từ cơ quan thống kê, sản lượng gạo của Indonesia trong nửa đầu năm dự kiến tăng 11%.

Bộ Nông nghiệp đã triển khai khoảng 37.000 nhân viên khuyến nông trên khắp cả nước để hỗ trợ nông dân tăng năng suất. Bộ cũng huy động quân đội tham gia hỗ trợ trong quá trình này.

"Mỗi nhân viên phụ trách hai hoặc ba làng, theo dõi tình hình và xác định những gì cần làm để hỗ trợ người dân tăng sản lượng. Mỗi ngày, họ báo cáo về Jakarta để lãnh đạo có hướng xử lý phù hợp," ông Sudaryono nói.

Chính phủ cũng dự kiến chuyển đổi thêm diện tích đầm lầy thành ruộng lúa trong năm nay bằng cách lắp đặt hệ thống thoát nước để phân phối nước đồng đều hơn. Các khu vực đầm lầy thường bị ngập nước và chỉ phù hợp canh tác vào mùa khô, khi mực nước giảm. Mục tiêu là chuyển đổi 500.000 ha đầm lầy thành đất nông nghiệp trong năm nay, tăng từ 350.000 ha vào năm 2024.

 

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Bộ trưởng Công Thương: Cần nhanh chóng gỡ bỏ rào cản kỹ thuật để nhập khẩu nông sản Mỹ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần khẩn trương gỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa cho các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của Mỹ, đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có điều kiện gia tăng giao thương với thị trường này.

Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc suy giảm do căng thẳng thương mại

Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã giảm trong tháng 4 sau khi chính phủ nước này siết chặt quy định cấp phép nhằm kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng cho Mỹ.

Giá sầu riêng hôm nay 9/5: Giảm hơn 50% so với năm ngoái

Giá sầu riêng hôm nay phổ biến ở 50.000 - 53.000 đồng/kg đối với loại A, trong khi loại C và D chỉ từ 25.000 - 28.000 đồng/kg.

Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 10 năm qua

Lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, do tình trạng kéo dài thời gian thông quan và các lô hàng từ Brazil đến trễ vì thu hoạch chậm cùng những vấn đề về logistics, theo Reuters.