Kinh tế Quốc tế 29/04/2025 14:09

Kiên trì 15 năm, tỷ phú John Paulson cuối cùng cũng lãi lớn với kim loại quý nóng nhất hiện nay

Sự kiên nhẫn đã giúp tỷ phú John Paulson gặt hái quả ngọt với vàng.

Tỷ phú đầu tư John Paulson. (Ảnh: Getty Images). 

Nhà quản lý quỹ John Paulson kiếm được hàng chục tỷ USD nhờ đặt cược chống lại thị trường nhà đất Mỹ gần hai thập kỷ trước. Nước đi của ông trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được ca ngợi là “thương vụ vĩ đại nhất trong lịch sử”.

Và hiện tại, canh bạc kéo dài hơn 15 năm của "phù thuỷ thị trường" này với vàng cũng đang trở thành một thương vụ vĩ đại khác.

Việc Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại toàn cầu và đe dọa Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã làm xói mòn niềm tin vào đồng USD và kéo giá vàng vượt mốc 3.500 USD/ounce vào tuần trước.

Tính chung từ đầu năm 2025 đến nay, vàng tăng giá mạnh mẽ trong khi chứng khoán Mỹ đang trượt dốc. Thay vì chốt lãi, ông Paulson quyết định tất tay hơn nữa, gần đây vừa trả 800 triệu USD để sở hữu 40% mỏ vàng ở một vùng hiểm trở phía tây nam Alaska.

Ông tuyên bố: “Trên thế giới, vàng là loại tài sản có dạng vật chất hữu hình duy nhất sẽ bảo vệ nhà đầu tư khỏi mọi mối nguy trong hàng thiên niên kỷ”.

Ông liệt kê một loạt rủi ro kinh tế, từ lạm phát cao cho đến việc các chính phủ tịch thu tài sản.

Vàng đã được coi là tài sản quý giá từ thuở xa xưa. Những người theo chủ nghĩa sinh tồn và các nhà quản lý quỹ lớn đều khẳng định vàng là công cụ phòng vệ đáng tin cậy trước mọi cú sốc, bao gồm lạm phát, chiến tranh, thảm họa và tiền tệ bị phá giá.

Hiện Mỹ chưa phải đương đầu với hầu hết những khủng hoảng trên. Nhưng căng thẳng địa chính trị toàn cầu kết hợp với sự sụt giảm của đồng USD và xu hướng đẩy mạnh mua vàng của các ngân hàng trung ương đã củng cố niềm tin của Paulson vào kim loại này.

Tuy nhiên, đầu tư vào vàng không phải lúc nào cũng lãi. Kim loại này tốn chi phí để cất trữ và cũng không trả lãi như trái phiếu. Lịch sử cũng có nhiều giai đoạn tỷ suất sinh lời của cổ phiếu và trái phiếu vượt xa vàng.

Ván cược không dễ dàng

Paulson bắt đầu có niềm tin mãnh liệt vào vàng khi ông đang “ngập” trong tiền nhờ đặt cược vào sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ. Quỹ đầu cơ của ông kiếm được 15 tỷ USD vào năm 2007, trong đó ông bỏ túi gần 4 tỷ USD - tương đương với thu nhập hơn 10 triệu USD mỗi ngày.

Để phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính năm xưa, Fed đã tiến hành chương trình nới lỏng định lượng, tăng cung tiền và cấp thanh khoản cho các ngân hàng. Khi đó, Paulson lo ngại chính sách của Fed sẽ khiến lạm phát tăng vọt.

Ông mạnh tay gom vàng khi giá chỉ khoảng 900 USD/ounce. Ban đầu, ván cược khá thành công. Trong các kế hoạch chiến lược gửi cho khách hàng, có lúc ông còn quy đổi giá trị các khoản đầu tư ra vàng thay vì USD.

Song, dự đoán về cú sốc lạm phát của Paulson không trở thành hiện thực. Hệ quả là một số chiến lược đầu tư vào vàng của ông sụp đổ, bao gồm việc sở hữu cổ phiếu các công ty khai thác mỏ. Các khoản đầu tư sai lầm vào cổ phiếu dược và ngân hàng cũng khiến lợi nhuận quỹ của ông giảm mạnh.

Tới năm 2020, Paulson chuyển đổi quỹ đầu cơ thành công ty quản lý đầu tư tư nhân, chỉ phục vụ cho cá nhân ông, các nhân viên và một số tổ chức liên quan.

Trong những năm sau đó, ông tiếp xúc với chính trường, tổ chức một buổi gây quỹ cho ông Trump tại Florida và có lúc từng được coi là ứng viên cho chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ.

Dần dần, vàng trở nên có sức hút trở lại, một phần nhờ vào lạm phát, cuộc chiến Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

John Paulson và vị hôn thê Alina de Almeida gặp gỡ Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump tại buổi gây quỹ ở Florida năm 2024. (Ảnh: WSJ). 

“Của để dành” cho 50 năm?

Paulson không tiết lộ với tờ Wall Street Journal (WSJ) tổng giá trị các khoản đầu tư vào vàng của ông. Vị tỷ phú đặt cược vào kim loại này chủ yếu qua các công ty khai thác mỏ và một số vị thế phái sinh. Ông không sở hữu vàng miếng.

Ông Marcelo Kim, đối tác chịu trách nhiệm quản lý các khoản đầu tư vào vàng tại công ty đầu tư của Paulson, cung cấp một số thông tin đáng chú ý. Cụ thể, Paulson nắm giữ cổ phiếu của 8 công ty khai thác mỏ niêm yết trên sàn với trị giá khoảng 840 triệu USD. Tất cả đều đi lên trong năm nay, một số tăng hơn 30%.

Theo quan sát của Paulson, lợi nhuận của công ty mỏ đi lên khi giá vàng tăng - thậm chí có lúc còn tăng hơn giá vàng gấp vài lần. Trong khi đó, chi phí của hoạt động khai thác thường khá ổn định. Do đó, ông dự kiến sẽ tiếp tục thu được lời nhuận kể cả trong trường hợp giá vàng hạ nhiệt.

Vị tỷ phú giải thích: “Chúng tôi chuyển trọng tâm sang việc phát triển mỏ vàng bởi đó là cách tạo ra nhiều tiền nhất từ số vốn bỏ ra. Nếu làm vậy, bạn không cần chờ giá vàng tăng để thu về lợi nhuận cao hơn”.

Ông Kim đã đến thăm hơn 150 mỏ tại châu Phi, Australia, Áo, châu Âu và Bắc Mỹ, bao gồm mỏ vàng ở Alsaska mà Paulson đồng ý đầu tư vào tuần trước.

Vị tỷ phú chấp nhận trả 800 triệu USD để nắm 40% tỷ lệ sở hữu của mỏ vàng chưa được khai thác này. Trữ lượng của khu mỏ ước tính vào khoảng 39 triệu ounce vàng.

Dự án khai thác vàng ở khu mỏ Alaska sẽ rất tốn kém. Báo cáo kỹ thuật năm 2021 gợi ý chi phí phát triển sẽ lên đến 7,4 tỷ USD, ngoài ra còn phải tính đến 1,7 tỷ USD nữa cho vòng đời của mỏ. Những người trong ngành cho biết dù mọi chuyện diễn ra suôn sẻ như kế hoạch thì sớm nhất là vào đầu thập niên 2030 mỏ này mới có thể bắt đầu sản xuất ra vàng.

Tuy nhiên, Paulson vẫn tự tin. Ông khẳng định: “Mỏ này sẽ là một con quái vật nhả ra tiền trong hơn 50 năm”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 30/04/2025 00:40
Cảnh báo rủi ro của một thế giới phân mảnh

Nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phân mảnh – xu hướng rủi ro lớn nhất đối với thị trường hiện nay, khi kéo theo tăng trưởng thấp và lạm phát cao hơn.

Kinh tế Quốc tế 29/04/2025 21:25
Đồng euro tăng mạnh sau thuế quan Mỹ, lợi nhuận doanh nghiệp châu Âu lao dốc

Đồng euro đã bất ngờ tăng giá mạnh kể từ sau thông báo áp thuế quan quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kinh tế Quốc tế 29/04/2025 17:20
Các nhà máy dệt may Trung Quốc lùng sục khắp nơi, tìm kiếm thị trường thay thế Mỹ

Các công ty dệt may Trung Quốc đang đổ xô đến những quốc gia như Indonesia để tìm kiếm thị trường mới thay thế cho Mỹ.

Kinh tế Quốc tế 29/04/2025 16:09
100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump qua những con số

Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai, có thể nói Tổng thống Donald Trump đã tạo ra tác động sâu rộng hơn hầu hết người tiền nhiệm nào gần đây.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO