Vĩ Mô 05/05/2025 15:44

'Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế'

Với việc khẳng định 'Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế', Nghị quyết 68 mà Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 4/5, được đánh giá là 'tuyên ngôn cải cách mới" cho kinh tế tư nhân Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết 68 ngày 4/5 về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây cũng là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, Nghị quyết 68 xác định kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việc này giúp đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Bộ Chính trị cũng khẳng định phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài. Do đó, định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước. Việc này nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ nguồn lực, nhất là trong nhân dân, cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết 68, Bộ Chính trị cũng yêu cầu xóa bỏ triệt để "định kiến về kinh tế tư nhân", đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với phát triển đất nước. Cùng với đó, nhà điều hành phải nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân.

"Doanh nghiệp, doanh nhân phải được bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Họ được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực như vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác", Nghị quyết nêu rõ.

Tuyên ngôn cải cách của kinh tế tư nhân

Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch hệ sinh thái DVL Ventures. (Ảnh: NVCC).

Đánh giá về Nghị quyết này, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch hệ sinh thái DVL Ventures, cho rằng Nghị quyết 68 là "Tuyên ngôn cải cách mới" cho kinh tế tư nhân Việt Nam.

Nghị quyết này không chỉ đặt ra những mục tiêu định lượng táo bạo, mà quan trọng hơn, thể hiện một chuyển hóa mang tính lịch sử trong tư duy quản trị và xây dựng thể chế kinh tế tại Việt Nam. Ông Chung đánh giá Nghị quyết 68 đột phá ở 6 điểm.

Thứ nhất, lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là “một động lực quan trọng nhất”. Không còn là “một trong những động lực” như các văn kiện trước đây, Nghị quyết 68 xác lập kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

"Đây là một sự chuyển dịch rõ ràng về mặt tư tưởng và chính trị", Chủ tịch hệ sinh thái DVL Ventures đánh giá và cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, khu vực tư nhân hiện chiếm 50% GDP, 30% thu ngân sách và tạo việc làm cho 82% lực lượng lao động cả nước . Việc đặt khu vực tư nhân vào vị trí trung tâm, đồng hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, không chỉ là sự công nhận mà còn là một cam kết chính trị về thúc đẩy phát triển toàn diện.

Thứ hai, Nghị quyết 68 là Nghị quyết của sự “tự phê bình cấp cao” và dũng cảm xóa bỏ định kiến.Nghị quyết 68 thẳng thắn chỉ ra những rào cản đã và đang kìm hãm khu vực tư nhân, bao gồm định kiến, cơ chế “xin – cho”, chi phí tuân thủ cao, và sự bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực, công nghệ. Đây là lần hiếm hoi mà một văn kiện cấp cao của Đảng thừa nhận đầy đủ trách nhiệm từ phía thể chế và bộ máy quản lý.

Lần đầu tiên, Đảng nêu rõ yêu cầu “xóa bỏ triệt để định kiến”, “xem doanh nhân là chiến sĩ mặt trận kinh tế”, và “trao quyền sở hữu, quyền cạnh tranh thực chất cho kinh tế tư nhân” . Những cụm từ này không chỉ là ngôn từ chính trị, mà là lời hiệu triệu mạnh mẽ với chính hệ thống chính quyền và công luận.

Thứ ba, chuyển dịch từ “quản lý” sang “kiến tạo và phục vụ” – bước ngoặt tư duy về nhà nước. Nghị quyết 68 khẳng định vai trò “kiến tạo và phục vụ” của nhà nước, thay cho mô hình quản lý hành chính nặng nề trước đây.

Cụ thể, nghị quyết yêu cầu: Cắt giảm ít nhất 30% thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong năm 2025; Hoàn thiện cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm để khuyến khích sáng tạo và giảm can thiệp hành chính; Thực hiện nguyên tắc “kinh doanh mọi thứ mà pháp luật không cấm”, thay cho tư duy “không quản được thì cấm”.

Đây là bước cải cách thể chế quan trọng, giúp thiết lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thực sự bình đẳng, LS Nguyễn Hồng Chung đánh giá.

Thứ tư, mục tiêu đột phá. Nghị quyết 68 đã đặt mục tiêu: Đến năm 2030, có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực tư nhân đóng góp 55 – 58% GDP.

Đến năm 2045, có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% GDP, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đây không chỉ là tham vọng tăng trưởng về số lượng mà còn là một chiến lược chất lượng và hội nhập sâu của khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ năm, Nghị quyết 68 đi kèm với các giải pháp thực thi cụ thể và mạnh mẽ. Khác với một số văn kiện trước đây, Nghị quyết 68 đưa ra một hệ thống giải pháp toàn diện, gồm: Thúc đẩy tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp tư nhân; Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp chính danh.

Đồng thời, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và FDI; Bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, xử lý các hành vi “lạm dụng thanh tra, kiểm tra” gây cản trở hoạt động doanh nghiệp.

Cũng như, cải cách pháp luật dân sự, hình sự theo hướng ưu tiên xử lý kinh tế trước hình sự, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế một cách không cần thiết .

Cuối cùng là một cuộc cách mạng thể chế từ nội tại bộ máy. Nếu như Đổi Mới 1986 là bước ngoặt tư duy kinh tế vĩ mô thì Nghị quyết 68 chính là “cuộc cách mạng thể chế từ bên trong” – nơi bộ máy nhà nước tự nhận trách nhiệm, tự cam kết thay đổi và xác lập một quan hệ mới giữa nhà nước và doanh nghiệp: đồng hành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

Theo LS. Chung, Nghị quyết 68 không đơn thuần là một chính sách kinh tế, mà là một bản tuyên ngôn cải cách mới của Việt Nam trong thời đại hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Dù vậy, để hiện thực hóa tinh thần này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp tư nhân cũng phải đổi mới tư duy, minh bạch hóa quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nếu được thực thi đúng tinh thần và đến nơi đến chốn, Nghị quyết 68 sẽ trở thành một cột mốc quan trọng, đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển bền vững và tự chủ của kinh tế tư nhân Việt Nam, ông Chung nhìn nhận.

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 05/05/2025 18:34
Chính phủ muốn cấm hoàn toàn mua bán dữ liệu cá nhân

Trước tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan gây nguy cơ lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, Chính phủ đề xuất luật hóa việc cấm hoàn toàn hành vi mua bán này.

Vĩ Mô 05/05/2025 17:43
Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa Hiến pháp năm 2013

Với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Vĩ Mô 05/05/2025 14:15
Quốc hội nhất trí đề xuất bổ sung 44.000 tỷ đồng chi trả chế độ khi sắp xếp bộ máy

Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung 44.000 tỷ đồng vào dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy.

Vĩ Mô 05/05/2025 13:32
Hà Nội thu ngân sách Nhà nước vượt 310.000 tỷ đồng sau 4 tháng đầu năm

Bên cạnh việc tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 310.200 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế khác của Hà Nội cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm.