Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều ngày 5/5, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Theo kết quả biểu quyết bằng điện tử, có 452/452 đại biểu biểu quyết tán thành. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 với tỷ lệ tán thành tuyệt đối.
Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Đồng thời, Quốc hội cũng thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).
Cũng tại phiên họp, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Kết quả có 446/446 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ tán thành tuyệt đối.
Theo đó, Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có 15 thành viên. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Uỷ ban và các Phó Chủ tịch Uỷ ban gồm: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Thủ tướng Lê Thành Long.
Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và tổ chức lấy ý kiến người dân, các ngành, các cấp.
Sau khi lấy ý kiến, Uỷ ban sẽ giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Nghị quyết giao Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp là cơ quan thường trực trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội phối hợp với Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Chiều 5/5, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, đề xuất ưu tiên nguồn lực quốc gia cho phát triển công nghệ chiến lược lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Trước tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan gây nguy cơ lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, Chính phủ đề xuất luật hóa việc cấm hoàn toàn hành vi mua bán này.
Với việc khẳng định 'Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế', Nghị quyết 68 mà Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 4/5, được đánh giá là 'tuyên ngôn cải cách mới" cho kinh tế tư nhân Việt Nam.
Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung 44.000 tỷ đồng vào dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy.