25/04/2025 10:59

ĐHĐCĐ Kienlongbank: Chưa chia cổ tức, thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu

Đại hội đồng cổ đông đã chốt kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.300 tỷ, tăng 24% so với năm trước, thông qua phương án phân phối lợi nhuận và niêm yết cổ phiếu.

 Đại hội đồng cổ đông thường niên Kienlongbank sáng 25/4. (Ảnh: H.T).

Sáng nay (25/4), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - Mã: KienlongBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông theo hình thức trực tuyến. Báo cáo trước khi bắt đầu đại hội, sổ cổ đông tham dự (bao gồm cả uỷ quyền) là 69 cổ đồng, đại diện cho gần 335 triệu cổ phiếu, tương đương 92,62% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện để tiến hành.

Mục tiêu lợi nhuận tăng 24% trong năm 2025

Tại đại hội, Quyền Tổng Giám đốc Trần Hồng Minh đã trình bày kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 1.112 tỷ đồng, tăng 54,75% so với năm trước và hoàn thành 139% kế hoạch đề ra. Dư nợ tín dụng đạt 61.432 tỷ đồng, tăng 16,84%,tổng vốn huy động đạt 82.575 tỷ đồng, tăng 5,22% so với cuối năm 2023.

 Quyền Tổng Giám đốc KienlongBank Trần Hồng Minh. (Ảnh: H.T).

Trong năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.379 tỷ, tăng 24% so với mức thực hiện năm 2024. Cùng với đó, tín dụng mục tiêu tăng 15,57%, tổng huy động tăng 12,62%, tổng tài sản tăng 10,66% lần lượt đạt 71.000 tỷ, 93.000 tỷ và 102.000 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, ông Trần Hồng Minh cho biết Kienlonbank sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, kiểm soát nội bộ, hiện đại hoá công nghệ ngân hàng, tăng tín dụng an toàn hiệu quả trên cơ sở đảm bảo rủi ro, phát triển đa dạng sản phẩm phi tín dụng, tăng trưởng kiểm soát rủi ro, hướng lĩnh vực vào các lĩnh vực ưu tiên,...

(Nguồn: Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 ngân hàng Kienlongbank)

Năm 2025, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.379 tỷ, tăng 24%.

Chia cổ tức tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu, tăng vốn lên gấp đôi

Một trong những nội dung đáng chú ý là phương án phân phối lợi nhuận và kế hoạch tăng vốn điều lệ. HĐQT ngân hàng đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% từ nguồn lợi nhuận giữ lại (1.807 tỷ đồng). Ước tính số cổ phần phát hành là hơn 180 triệu cổ phiếu.

Cùng với đó, chào bán một lượng cổ phiếu tương đương cho cổ đông hiện hữu, thời gian dự kiến trong năm 2025 - 2026. Giá bán dự kiến 10.000 đồng/cp hoặc giá khác cao hơn do HĐQT quyết định.

Vốn điều lệ sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ dự kiến trong năm 2025 tối đa là 7.268 tỷ đồng.

Toàn bộ số vốn thu về sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh của KienlongBank (1.750 tỷ) và đầu tư tài sản cổ định, hệ thống công nghệ,.... (57,4 tỷ đồng).

 Chủ tịch Trần Ngọc Minh trình bày các nội dung trình đại hội đồng cổ đông. (Ảnh: H.T).

Niêm yết cổ phiếu lên sàn

Ngân hàng cũng dự kiến trình đại hội đồng cổ đông tờ trình kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Kienlongbank (Mã: KienlongBank) tại sở giao dịch chứng khoán. Hiện tại cổ phiếu KienlongBank đã đăng ký lưu ý tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch UPCOM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Ngân hàng cho biết việc niêm yết thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu Kienlongbank là điều cần thiết chứng minh ngân hàng ngày càng minh bạch trong hoạt động với vai trò là công ty đại chúng quy mô lớn, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh.

Ngoài những nội dung trên, đại hội cũng sẽ xem xét thông qua việc chi trả thù lao Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) năm 2024 và đề xuất thù lao HĐQT, BKS năm 2025; Ban hành thay thế điều lệ ngân hàng; phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm, ...

THẢO LUẬN

- Lợi nhuận năm 2024 đã hoàn thành 139% kế hoạch. Động lực chính nào tạo nên kết quả kinh doanh năm 2024, liệu động lực này còn duy trì trong năm 2025?

Chủ tịch Trần Ngọc Minh:  Lợi nhuận năm 2024 lần đầu tiên đạt mốc mới là vượt 1.110 tỷ và vượt 139% so với kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao năm ngoái. Góp phần cho kết quả đó một phần đến từ thu nhập lãi thuần đạt 3.191 tỷ, tăng 56% so với năm trước, là mức tăng cao so với các ngân hàng.

Bên cạnh đó, thu từ phí dịch vụ và hoạt động phi tài chính khác đạt 746 tỷ đồng, đóng góp gần 20% thu thuần từ hoạt động kinh doanh. Cho thấy rằng trong năm 2024, KienlongBank đã duy trì được cơ cấu kinh doanh đa dạng bền vững chứ không đơn thuần là phụ thuộc vào tín dụng.

Với kết quả đặt ra của năm 2024, chúng tôi rất tự tin với nền tảng đó chúng tôi sẽ là bệ phóng cho KienlongBank năm 2025. Với kế hoạch đã đề xuất tới đại hội, thì mục tiêu 2025 đặt ra rất nhiều con số mà chúng ta phải rất nhiều quyết tâm mới hoàn thành được. 

Trong năm 2025, ngay từ đầu năm, NHNN đã phân bổ toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, đây là chủ trương giúp cho hoạt động của KienlongBank chủ động hơn....

- Tỷ lệ CIR đang trên 50% thì KienlongBank có kế hoạch giảm như thế nào?

Q. Tổng Giám đốc Trần Hồng Minh: Chi phí hoạt động của KienlongBank tập trung nhân sự và đầu tư công nghệ, ngân hàng xác định đó là động lực, là yêu cầu để đón đầu nhu cầu của khách hàng, là hai chi phí cần được ưu tiên. Trong giai đoạn vừa qua KienlongBank có đầu tư nhiều công nghệ core bank, core thẻ, tích hợp Icloud, trí tuệ nhân tạo (AI),... để tăng năng suất lao động cho toàn hệ thống

Kienlongbank đang tăng cường thu hút nhân tài và đẩy mạnh công tác đào tạo nhân sự nên chi phí phát sinh phù hợp với chiến lược. Tuy nhiên, chi phí hoạt động năm 2024 giảm gần 10% thể hiện nỗ lực của quản trị và cán bộ NV.

Với chi phí đầu tư về công nghệ đã được phân bổ trong năm 2024 bắt đầu mang lại giá trị vượt trội trong thời gian tới. Chắc chắn CIR của KienlongBank sẽ được cải thiện và đưa về mức trung bình ngành.

- Theo BCTC năm 2024 của KienlongBank có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, điều này có ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán của ngân hàng hay không?

Q. Tổng Giám đốc Trần Hồng Minh: Tôi xin khẳng định là KienlongBank đã và đang tuân thủ quy định của NHNN và các luật các TCTD về các chỉ tiêu an toàn vốn bắt buộc và tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần lượt là 12,3% và 18,3%. Đây là những tỷ lệ vượt quy định pháp luật đề ra. Năm 2024, KienlongBank đã hoàn thành mục tiêu kép là vừa tăng trưởng lợi nhuận vừa đảm bảo an toàn bền vững. 

Về dòng tiền âm trong năm 2024. Chỉ tiêu này thường phát sinh tại các TCTD có sự tăng đột biến về mặt quy mô, lý do chủ yếu là do KienlongBank đẩy mạnh cấp tín dụng và cơ cấu lại nguồn vốn huy động.

Cụ thể, năm 2024, KienlongBank đã có giải pháp và chính sách để tăng trưởng tín dụng, hơn 9.600 tỷ trong năm 2024. Về huy động vốn, KienlongBank có một số chính sách định hướng huy động bền vững, giảm chi phí lãi suất huy động bình quân, cơ cấu lại nguồn thị trường 2 và thị trường 1, giảm thị trường 2 và tăng thị trường 1.

Dòng tiền kinh doanh âm không ảnh hưởng tới an toàn hiệu quả của KienlongBank mà góp phần sử dụng vốn hiệu quả của ngân hàng, giúp KienlongBank hoàn thành được kế hoạch năm 2024.

- Định hướng phát triển tín dụng của KienlongBank năm 2025?

Q.Tổng Giám đốc Trần Hồng Minh: KienlongBank sẽ đi vào ba tệp khách hàng mục tiêu:

Khách hàng khu vực nông thôn (khách hàng hiện hữu của KienlongBank): phát triển tín dụng; thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm giải quyết hai vấn đề là gia tăng giá trị và tăng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Khách hàng thành thị thì tập trung vào nhóm khách hàng trẻ dưới 35 tuổi, sản phẩm vay tiêu dùng; phát triển khách hàng ưu tiên. 

Khách hàng từ kênh số: Đưa các sản phẩm tín dụng trên nền tảng số, đưa các chuỗi sản phẩm số có giá trị.

Với ba định hướng này KienlongBank hy vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tín dụng và có một số điểm mới, tệp khách hàng mới trong 2025.

- Quý I/2025 KienlongBank đạt được kết quả ra sao?

Q.Tổng Giám đốc Trần Hồng Minh: Năm 2025, chúng ra dự kiến đạt LNTT đạt 1379 tỷ đồng, trong quý I/2025 lợi nhuận của KienlongBank đạt 356 tỷ đồng, tăng 66% so với mức 214 tỷ của cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu, một con số khẳng định là chúng ta có thể tự tin đạt được kế hoạch.

Lý do để có thể tăng 66% so với năm trước là: Giảm lãi suất đầu vào, trong quý I KienlongBank giảm được chi phí giá vốn đầu vào, giảm chi phí hoạt động so với năm 2024. Về mặt doanh thu thì hoạt động tín dụng đi theo định hướng và có sự tăng trưởng, tăng về thu dịch vụ chiếm từ 18 - 20% trong cơ cấu lợi nhuận.

Nếu quý II và các quý sau vẫn bám sát như vậy thì chúng ta có thể tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2025.

- Lộ trình dự kiến của việc phát hành cổ phiếu của KienlongBank trong năm 2025? Kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Kienlongbank ?

Chủ tịch Trần Ngọc Minh: Tại tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ thì HĐQT cũng đã trình ĐHĐCĐ về phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 50% và phát hành chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50%. Trường hợp được thông qua thì HĐQT sẽ tiến hành ngay các thủ tục tuỳ thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền (NHNN, UBCK) và tình hình hình thực tiễn của thị trường chứng khoán thì HĐQT dự kiến là có thể hoàn thành trong năm 2025, dự kiến trong quý IV/2025.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu là nhiệm vụ rất quan trọng và cũng đã đưa vào nội dung để ĐHĐCĐ xem xét. Trong trường hợp được ĐHĐCĐ chấp thuận thì HĐQT sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục để đẩy nhanh việc niêm yết. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu là sẽ hoàn thành trong quý IV/2025.

Chúng tôi sẽ khẩn trương để hoàn tất nhưng về thủ tục sẽ cần sự chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mục tiêu là sẽ hoàn thành trong quý IV/2025.

- Trường hợp không được ĐHĐCĐ chấp thuận tăng vốn thì KienlongBank có ảnh hưởng gì không?

Chủ tịch Trần Ngọc Minh: Chúng ta có nhiều thành tựu trong thời gian qua nhưng vẫn có điểm được xem là vùng trũng của KienlongBank là câu chuyện vốn. Với mức vốn 3.600 tỷ thì KienlongBank đang nằm trong Top các ngân hàng có quy mô vốn điều lệ thấp.

Tăng vốn sẽ giúp KienlongBank nâng cao năng lực tài chính, nâng cao quy mô tài sản, khả năng quản trị rủi ro, tuân theo và đáp ứng tốt hơn các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của KienlongBank. Trong giai đoạn vừa qua KienlongBank đã triển khai các tiêu chuẩn theo Basel III và các chỉ tiêu tối thiểu của NHNN đề ra.

Tăng vốn là một trong mực tiêu mà KienlongBank sẽ phải làm, đáp ứng các chỉ đạo của Thủ tướng và chủ trương định hướng của NHNN, theo đề án cơ cấu lại KienlongBank giai đoạn 2020 - 2025.

Do đó HĐQT đề xuất chia cổ tức tỷ lệ 50%, mức top đầu trong các ngân hàng, và phát hành thêm cổ phiếu thể hiện cam kết của KienlongBank với các cổ đông.

Việc thông qua hay không thông qua là quyền của các cổ đông, chúng tôi tôn trọng quyền của các cổ đông. Nếu không thông qua sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của KienlongBank, tuy nhiên chúng tôi sẽ chủ động linh hoạt sử dụng các nguồn lực hiện có để đảm bảo hoạt động của KienlongBank, tuân thủ quy định của NHNN,...

Trong bối cảnh nào thì ban lãnh đạo KienlongBank cũng sẽ cố gắng để 2025 là một năm bứt phá, là năm dấu ấn cột mốc 30 năm của KienlongBank.

- Việc phát hành chia cổ tức với tỷ lệ lớn (50%) có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu hay không? Có đảm bảo lợi ích cho cổ đông hay không

Chủ tịch Trần Ngọc Minh: Về lý thuyết, chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, như các thông tin đã chia sẻ với các cổ đông, xuyên suốt trong 4 năm nay KienlongBank đã có mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Tăng trưởng kép lợi nhuận trước thuế đạt 75%. ROE liên tục cải thiện và duy trì cao hơn trung bình ngành.

Với kế hoạch 2025 thì nếu giả thiết là ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn thì so giá trị sổ sách của KienlongBank thì chúng tôi có thể nhìn thấy mức giá là 13.000 đồng/cp, đây là mức cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay.

Như vậy cổ đông có thể yên tâm rằng tại thời điểm chia thì giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng nhưng về lợi ích lâu dài thì cổ đông hoàn toàn yên tâm. Do đó chúng tôi cũng tự tin về việc trình phương án tăng vốn lần này.

- KienlongBank có dự kiến mở rộng mạng lưới không? Việc sáp nhập các tỉnh thành có ảnh hưởng gì hoạt động này hay không?

Chủ tịch Trần Ngọc Minh: Hiện KienlongBank có 134 điểm kinh doanh là chi nhánh và phòng giao dịch. Trong thời gian qua thì chúng ta đang triển khai mở rộng quy mô thông qua chuyển đổi số thay vì mở rộng điểm kinh doanh vật lý. 

Kết quả mang lại thì có thể nhìn thấy từ các con số, hiện 95% giao dịch được thực hiện qua kênh số. Trong thời gian qua, KienlongBank không mở rộng điểm kinh doanh vật lý nhưng vẫn đạt được kết quả tốt.

 134 điểm giao dịch của KienlongBank nằm ở 28/63 tỉnh thành với mức độ phân bố chưa đồng đều, nếu so với TCTD có quy mô dưới 200.000 tỷ thì số lượng này là con số nhiều chứ không ít.

 Việc sáp nhập có lợi cho KienlongBank, ở những tỉnh thành chưa có địa điểm thì chúng ta có thể tăng thị phần, địa bàn.

 

Tỷ lệ thông qua các tờ trình

Đại hội đồng cổ đông đã không thông qua hai tờ trình (1) Phương án tăng vốn điều lệ (Tỷ lệ đồng ý 55,06%; tỷ lệ không đồng ý là 44,28%) và (2) Phương án sửa đổi, bổ sung điều lệ của ngân hàng (tỷ lệ đồng ý là 55,07%; tỷ lệ không đồng ý là 44,27%).

Hai nội dung được thông qua với tỷ lệ đồng ý 55,07% (tỷ lệ không có ý kiến là 44,27%) là Tờ trình về việc niêm yết cổ phiếu KienlongBank trên sở giao dịch chứng khoán và Tờ trình Ủy quyền, giao nhiệm vụ cho HĐQT quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Các tờ trình còn lại đều được thông qua với tỷ lệ chấp thuận cao.

H.T
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO