Tài chính Doanh nghiệp 25/04/2025 16:44

CEO Vinamilk: Cải tổ đội ngũ kinh doanh nội địa là cải tổ quan trọng nhất của Vinamilk

Tổng Giám đốc Vinamilk đánh giá việc cải tổ đội ngũ kinh doanh nội địa là cải tổ quan trọng nhất của Vinamilk và cho rằng doanh nghiệp đã đi đúng hướng.

Chiều 25/4, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 theo hình thức trực tuyến.

Tính tới 14h00, đại hội có sự tham gia của 503 cổ đông, đại diện cho 80,83% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên của Vinamilk. (Ảnh: Vinamilk).

Năm 2025, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu 64.505 tỷ đồng, lãi sau thuế 9.680 tỷ; tăng lần lượt 4,3% và 2,4% so với năm 2024.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2025.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2025.

Ông lớn số 1 ngành sữa đề xuất mức cổ tức bằng tiền năm 2025 tối thiểu bằng 50% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2025. Đồng thời giao cho HĐQT quyết định mức cổ tức và thời gian tạm ứng cổ tức cho từng đợt phù hợp với kế hoạch cổ tức ở trên.

Căn cứ theo kết quả kinh doanh năm 2025, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ tổng mức cổ tức bằng tiền chính thức của năm 2025 tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2026.

Đối với kế hoạch trả cổ tức năm 2024, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 đã phê duyệt kế hoạch chi cổ tức bằng tiền năm 2024 là 38,5% mệnh giá, tương đương 3.850 đồng/cp. HĐQT đã thực hiện tạm ứng cổ tức với tổng tỷ lệ 20% cho cổ đông.

Căn cứ tình hình tài chính của công ty hiện nay, HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt mức chi cổ tức bằng tiền năm 2024 là 43,5% mệnh giá, tương đương 4.350 đồng/cp, tăng 5% so với mức phê duyệt tại ĐHĐCĐ năm 2024.

Theo đó, cổ tức còn lại của năm 2024 là 23,5% và giao cho HĐQT quyết định mức cổ tức và thời gian chi trả cổ tức từng đợt còn lại của năm 2024 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp thường niên.

Buổi họp cũng trình cổ đông về vấn đề hoàn nhập số dư của quỹ đầu tư phát triển về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Quỹ đầu tư phát triển thuộc vốn chủ sở hữu. Để linh động trong việc sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính của công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp, HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt việc hoàn nhập toàn bộ số dư hiện tại của quỹ này trên báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2024 về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty.

Đồng thời, Vinamilk sẽ ngừng trích lập quỹ đầu tư phát triển kể từ năm 2025.

Căn cứ báo cáo tài chính riêng, tính tới cuối năm 2024, khoản mục quỹ đầu tư phát triển của Vinamilk ghi nhận 6.998 tỷ đồng.

Vinamilk cũng tiến hành sửa đổi điều lệ số 38 về trích lập quỹ. Công ty sẽ tiến hành bỏ quy định trích 10% từ lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển.

Bổ sung hai nhân sự vào HĐQT

Đại hội cũng tiến hành miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT với ông Lee Meng Tat và ông Hoàng Ngọc Thạch.

Hai ứng viên được đề cử vào HĐQT do hai cổ đông lớn đề xuất. Ông Vũ Trí Thức do cổ đông lớn Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 36% đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2026 của Vinamilk. Còn cổ đông lớn F&N Dairy Investments và F&N Bev Manufacturing nắm giữ 20,39% vốn đề cử bà Tongjai Thanachanan.

Ông Vũ Trí Thức (sinh năm 1976) có bằng Cử nhân Kinh tế Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính), bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Trung tâm Pháp - Việt về đào tạo quản lý.

Ông từng làm việc tại Ban Tin Kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam, Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam từ năm 1999 - 2007. 

Từ tháng 4/2007 đến nay, ông Vũ Trí Thức làm việc tại SCIC và kinh qua các vai trò như Chuyên viên tài chính, Phó Trưởng Ban Tài chính, Phó Trưởng ban Tài chính kế toán, Kế toán trưởng. Hiện tại, ông Thức đang là Phó Tổng Giám đốc SCIC và là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC.

Ngoài ra, ông Vũ Trí Thức còn từng là Thành viên HĐQT tại các đơn vị: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền, CTCP Khoáng sản Hà Giang, CTCP Traphaco.

Còn bà Tongjai Thanachanan sinh năm 1968, quốc tịch Thái Lan, có trình độ chuyên môn Thạc sỹ.

Hiện bà đang là Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Phát triển bền vững và Chiến lược tại Công ty TNHH Thai Beverage; thành viên HĐQT Fraser và Neave Holdings Bhd, thành viên HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Amarin. Bà cũng đang đại diện vốn tại nhiều doanh nghiệp do tập đoàn Thai Beverage sở hữu. 

Ngoài ra, bà Tongjai Thanachanan còn đang là Thư ký Quỹ Viện Phát triển Doanh nghiệp Xã hội (Thái Lan) và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Siam Able Innovation (Doanh nghiệp xã hội).

Thảo luận

Tới 15h35, đại hội bước vào phiên thảo luận. 

Ngoài phân khúc sữa hạt đã thành công thì phân khúc sữa nào đang ghi nhận tăng trưởng doanh thu cao nhất, thấp nhất sau giai đoạn tái định vị thương hiệu?

Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc: Ngoài sữa hạt, sữa chua uống men sống và sữa chua Green Farm có mức tăng trưởng tốt trong 2024. Bên cạnh đó, sữa đặc cũng tăng trưởng hai chữ số dù không thuộc danh mục tái định vị nhờ cải tiến về dung tích và quy cách bao bì tiện lợi. Sữa bột trẻ em chưa tăng trưởng như các ngành hàng khác vì Vinamilk mới tiến hành tái định vị thương hiệu vào cuối 2024 và đầu 2025. 

Sau tái định vị nhận thấy các sản phẩm sữa bột có nhiều tín hiệu khả quan, có tăng trưởng tích cực.

Tình hình cạnh tranh ngành sữa nói chung và ngành sữa bột nói riêng trong trường hợp Việt Nam đưa thuế nhập nhẩu các sản phẩm từ Mỹ về 0% hay không?

Tổng Giám đốc: Theo chủ quan của chúng tôi thì ảnh hưởng không đáng kể. Sữa nước hiện nay chịu thuế 2-15%. Nếu về 0%, tuy có thay đổi nhưng sữa nước nhập khẩu rất khó cạnh tranh với các sản phẩm nội địa thì tươi hơn, logistics thuận lợi hơn. 

Về sữa bột, hiện thuế nhập khẩu là 10%, nếu về 0% dù có thay đổi tương đối thì hiện nay giá bán chênh lệch giữa các phân khúc khác nhau là rất lớn. Nếu sữa Mỹ nhập khẩu thuộc phân khúc cao cấp thì so với các sản phẩm khác, phân khúc khác thì không rẻ hơn nhiều.

Cạnh tranh sữa bột trên thị trường đã định hình từ lâu với sự thay đổi thuế nhập khẩu như vậy sẽ không ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, tình hình sức mua cũng chưa cải thiện đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động như hiện nay nên các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ từ cao cấp tới siêu cao cấp khó thay đổi cục diện chung của thị trường. 

Xu hướng già hoá dân số tại Việt Nam, Vinamilk có kế hoạch gì phát triển các sản phẩm không?

Tổng Giám đốc: Tái cấu trúc danh mục lĩnh vực sữa người lớn phần cuối cùng trong quá trình tái định vị thương hiệu.

Chúng tôi sẽ khai thác phân khúc nhu cầu mới của nhóm người cao tuổi, phát triển các sản phẩm mới tương ứng, có thể giới thiệu ra thị trường thời gian tới. Kết hợp với các cơ quan y tế và các chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu phát triển giải pháp dinh dưỡng chuyên biệt cho người bệnh, người cao tuổi. Mỗi lần đưa sản phẩm mới phải thông qua Viện dinh dưỡng để thực hiện lâm sàng. 

Khi chiến tranh thương mại xảy ra, ảnh hưởng ra sao tới Vinamilk?

Tổng Giám đốc: Ở Vinamilk thị trường nội địa là chủ yếu, xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng doanh số chiếm tỷ trọng nhó nên ảnh hưởng không lớn.

Thế giới là bình thông nhau, mọi cái chỉ là tạm thời. Ai cũng muốn đất nước mình ổn định nên sẽ có thoả thuận hợp tác. Chúng tôi nghĩ biến động hiện nay sẽ chấm dứt rất nhanh. Hiện tất cả các nước đang đàm phán.

Thay vì thực hiện ngay thì việc áp thuế cũng hoãn lại trong 90 ngày. Riêng bản thân tôi thấy tươi sáng.

Ảnh hưởng này chủ yếu đánh vào tâm lý, nếu thuế quan áp dụng thì hàng loạt vấn đề như công ăn việc làm, xuất khẩu gỗ may mặc,.. sẽ ảnh hưởng. Xu hướng là tiết kiệm, chọn lọc sản phẩm ản phẩm cần thiết để tiêu dùng.

Đóng góp nhà máy tại Mỹ vào Vinamilk là bao nhiêu?

Tổng Giám đốc: Doanh số Vinamilk khoảng 2,5 -2,6 tỷ USD thì nhà máy ở Mỹ đem về khoảng 120 triệu, tức chiếm tỷ trọng 5%.

Với sữa nguyên liệu, Vinamilk đã ký hợp đồng tới thời điểm nào?

Tổng Giám đốc: Về nguyên vật liệu nhập từ vitamin, khoáng chất và tất cả nguyên liệu nhập từ châu Âu về, Vinamilk tính sơ bộ giá nguyên vật liệu trong năm nay tăng khoảng khoảng 4,2%. Riêng trong quý I, giá nguyên vật liệu tăng khoảng 4,5% nhưng Vinamilk mới tăng giá bán khoảng 2,6%.

Dự kiến tăng giá bán trong cả năm khoảng 3,4%. Cố gắng bù đắp phần tăng giá để không ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. 

36% sở hữu của SCIC liệu có được chuyển cho Bộ Tài chính hay Bộ Công an quản lý không? Có nhiều lo ngại liên quan tới việc chuyển nhượng việc quản lý cổ phần?

Bà Đặng Thị Thu Hà- thành viên HĐQT: Hai công ty là FPT Telecom và Mibifone có phần vốn nhà nước sẽ chuyển về Bộ Công an nhưng đây là hai đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực đặc biệt. Còn với Vinamilk thì SCIC vẫn đại diện phần vốn.

Nhà máy sữa Dielac khi nào sẽ di dời?

Tổng Giám đốc: Với nhà máy này, tỉnh Đồng Nai cũng ra một quyết định là trong 2025. Muốn di dời một nhà máy không thể làm ngay, phải trong thời gian theo chúng tôi đề nghị là 2 năm.

Chúng tôi cũng đã chuẩn bị được diện tích đất ở trong Bình Dương để di dời. Đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về vấn đề sẽ di dời nhưng phải cho Vinamilk thời gian vì một nhà máy sữa bột có tới hai tháp sấy muốn cắt ra để di chuyển thì không đơn giản.

Tiến độ trang trại ở Lào, quy mô đàn bò và khả năng mở rộng sắp tới?

Tổng Giám đốc: Đã hoàn thành danh mục đầu tư ở Lào, hiện nay đàn bò có gần 4.000 con, sản lượng bình quân tốt lên tới 35 lít/con/ngày vì khí hậu tương đương Đà Lạt trong khi bình quân ở trang trại Việt Nam chỉ khoảng 30 lít/con/ngày. 

Trang trại Lào là nguồn sữa tươi tốt để Vinamilk tạo ra sản phẩm mới sau này.

Quy mô đàn bò của Vinamilk hiện tại, kế hoạch phát triển đàn bò các năm tới? Dự kiến đến khi nào sản lượng sữa tươi tự sản xuất và thu mua trong nước có thể đáp ứng được 100% nhu cầu của Vinamilk?

Tổng Giám đốc: Vinamilk đang quản lý 130.000 con bò sữa. Riêng trang trại của Vinamilk và Mộc Châu Milk khoảng 40.000 con. Sản lượng hơn 1,1 triệu lít sữa tươi một ngày vừa của trang trại vừa thu mua đã đáp ứng 100% nhu cầu của Vinamilk về các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, sữa chua uống.

Xu hướng chiến lược của Vinamilk là tăng cường các trang trại và giảm dần thu mua của hộ nông dân. Xu hướng đô thị hoá khiến người nông dân giảm dần đô thị hoá. Để bù lại sản lượng của người nông dân thì Vinamilk sẽ tăng cường năng suất ở các trang trại. Bởi vì ở Việt Nam, kiếm đất để làm trang trại mới là không thể. 

Quỹ đầu tư phát triển đầu tư sau khi được nhập vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sẽ được dùng để chia cổ tức hay mục đích gì?

Tổng Giám đốc: Việc có tăng cổ tức không phải để HĐQT xem xét vì Vinamilk còn nhiều việc cần tái đầu tư, chuẩn bị cho 5 năm tới. Do đó, HĐQT sẽ bàn và trình ĐHĐCĐ quyết định. 

Sau một năm tái định vị thì Vinamilk thay đổi ra sao?

Tổng Giám đốc: So với tháng 4 năm ngoái phát triển tốt, dự báo tương lai tươi sáng cho 2025.

Quý I/2025 Vinamilk đã tiến hành cải tổ hệ thống phân phối, đặc biệt là phân phối truyền thống có nghĩa là sắp xếp, đánh giá lại các nhà phân phối; đánh giá lại đội ngũ kinh doanh từ giám đốc, trưởng bán hàng vùng, giám sát và nhân viên. Ngay từ đầu tháng 4 tới nay phát triển tốt, ước tính tháng 4 năm nay tăng trưởng doanh số hai chữ số so với cùng kỳ. 

Vấn đề của Vinamilk mấy năm nay nằm ở đội ngũ kinh doanh nội địa, kênh truyền thống với 250.000 cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ và mấy trăm nhà phân phối thì trước giờ Vinamilk chưa tham gia để làm cái mới.

Từ 2025, Vinamilk chấp nhận cùng đội ngũ kinh doanh làm lại toàn bộ, tuyển người trẻ cho lực lượng kinh doanh truyền thống.

Tôi nghĩ chúng ta đã đi đúng hướng. Cải tổ đội ngũ kinh doanh nội địa là cải tổ quan trọng nhất của Vinamilk. 

Chi phí SG&A thay đổi ra sao trong 2025

Tổng Giám đốc: Không có thay đổi vì Vinamilk quản lý chi phí rất chặt. Kế hoạch ban đầu như thế nào thì tất cả các khối đều theo đó. Chúng tôi yêu cầu các khối tiết kiệm chi phí từ 5-10% hàng năm để tăng được lợi nhuận.

Liệu HĐQT có thể xem xét mua lại cổ phiếu vì giá cổ phiếu gần đây giảm nhiều?

Tổng Giám đốc: HĐQT đã bàn bạc. Giữa mua cổ phiếu và tăng cổ tức thì HĐQT quyết định theo hướng tăng cổ tức. Cổ tức năm nay đã tăng 5% so với năm 2024.

Rất nhiều năm nay Vinamilk trả cổ tức tới 90% lợi nhuận sau thuế cho cổ đông. Với tình trạng hiện nay thì quyết định tăng cổ tức thay vì mua cổ phiếu.

Tình hình nhà máy ở Hưng Yên ra sao?

Tổng Giám đốc: Nhà máy ở Hưng Yên tới quý II/2025 sẽ bắt đầu khởi công và trong vòng hai năm sẽ hoàn thành. Sản phẩm chủ yếu là sữa nước.

Vinamilk sẽ tạo ra một nhà máy tự động hoá như nhà máy ở Bình Dương để đảm bảo chất lượng sữa tươi, giá thành hạ để cung cấp cho thị trường ngoài Bắc.

Về công suất, trước mắt sẽ di dời một số dàn máy từ nhà máy Tiên Sơn. Hiện Vinamilk đang cần mở rộng rất nhiều các sản phẩm mới. Ở ngoài Bắc hiện không còn chỗ, phải di dời bớt sang nhà máy ở Hưng Yên để lấy chỗ ở Tiên Sơn làm các sản phẩm mới. Ví dụ như sản phẩm Probi đang thiếu hàng, tới tháng 6 dây chuyền mới đáp ứng đủ.

Quy hoạch của Vinamilk về công suất, cứ đáp ứng 70% công suất ở các nhà máy sẽ tiến hành đầu tư.

17h20 đại hội kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua.

Hoàng Kiều
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 25/04/2025 19:55
Nhựa Bình Minh kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư hạ tầng, chia toàn bộ lợi nhuận năm 2024 cho cổ đông

Tại cuộc họp thường niên 2025 của CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), ban lãnh đạo khẳng định ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ là không đáng kể đối với hoạt động kinh doanh, đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào xu hướng phát triển hạ tầng tại Việt Nam như động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Tài chính Doanh nghiệp 25/04/2025 17:22
Lãnh đạo PV OIL phủ nhận thông tin là đơn vị được lựa chọn cung cấp nhiên liệu cho sân bay Long Thành

Lãnh đạo PV OIL cho biết, công ty hiện là một trong những nhà đầu tư quan tâm tới dự án đường ống cấp nhiên liệu bay cho sân bay Long Thành. Đến thời điểm hiện tại, công ty chưa phải là đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án.

Tài chính Doanh nghiệp 25/04/2025 16:25
ĐHĐCĐ FPT Retail: Lộ diện đối tác chiến lược mua 13% cổ phần Long Châu, lợi nhuận quý I gấp 3 lần

Công ty ước tính doanh thu hợp nhất 11.670 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận đạt 270 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái và đạt 30% kế hoạch năm.

Tài chính Doanh nghiệp 25/04/2025 15:22
ĐHĐCĐ IDICO: Đang đầu tư mới 4 KCN rộng 1.350 ha, sẽ chia cổ tức tiền mặt năm nay nếu bán hàng tốt

Hiện IDICO có thêm 4 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 1.350 ha, trong đó dự án vừa được phê duyệt là Khu công nghiệp Phú Long rộng 415 ha tại Ninh Bình.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO