07/05/2025 11:52

Loạt ngân hàng giảm tỷ lệ CASA, vị trí Top đầu gọi tên MB, Techcombank, Vietcombank

Trong 3 tháng đầu năm, có đến 21 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm, từ các ngân hàng dẫn đầu về CASA như Techcombank, MB cho đến những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ngày càng trở nên quan trọng trong việc tối ưu hóa hoạt động của các ngân hàng, nhờ chi phí huy động thấp.

Tỷ lệ CASA cao giúp ngân hàng giảm sự phụ thuộc vào nguồn tiền gửi có kỳ hạn, từ đó giảm chi phí vốn (COF), nhằm duy trì khả năng cung ứng tín dụng với lãi suất cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ được định hướng nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tỷ lệ CASA cao tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện biên lãi thuần, có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường. Trong bối cảnh tỷ giá chịu áp lực khiến chi phí huy động vốn bằng ngoại tệ đi lên làm tăng chi phí vốn, việc có mức CASA cao trở nên rất quan trọng với ngân hàng.

Tỷ lệ CASA phân hoá rõ rệt

Trong quý I, tỷ lệ CASA tiếp tục có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng. Theo số liệu Wichart tính toán từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I, tỷ lệ CASA của nhóm ngân hàng này đạt 18,48% vào cuối quý, giảm 1,4 điểm % so với cuối quý IV/2024.

Theo thống kê, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng có diễn biến trái chiều trong quý I. Trong đó, số lượng ngân hàng có tỷ lệ CASA giảm chiếm tỷ trọng cao hơn (21/27 ngân hàng).

Công thức tính của Wichart: Tỷ lệ CASA = (Tiền gửi không kỳ hạn + Tiền ký quỹ) / (Tiền gửi của khách hàng)

Tuy vậy, bảng xếp hạng CASA không có nhiều xáo trộn ở nhóm đầu, MB tiếp tục giữ vị trí quán quân về tỷ lệ CASA. Tuy nhiên, CASA của ngân hàng này cũng giảm 3,4 điểm % so với cuối năm 2024 và đạt 35,7%.

Tỷ lệ CASA của MB tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn nằm trong mức cao trong hệ thống, giúp ngân hàng giảm bớt ảnh hưởng từ chi phí huy động có kỳ hạn và các phần khác tăng lên.

Trong khi, Techcombank đuổi sát nút phía sau với tỷ lệ CASA đạt 35,1%. Theo đó, số dư CASA tăng cao còn nhờ sự thành công của nhiều sản phẩm/dịch vụ nhằm nâng cao mức gắn kết với khách hàng. Trong khi đó, Vietcombank xếp vị trí thứ ba với tỷ lệ CASA đạt 34,3%, giảm 1,6 điểm % so với cuối năm ngoái.

Bộ ba ngân hàng vẫn đang duy trì khoảng cách đáng kể với phần còn lại nhờ lợi thế về hệ sinh thái tài chính toàn diện, khách hàng doanh nghiệp lớn, nền tảng số hóa mạnh mẽ và năng lực quản trị dòng tiền hiệu quả.

Trong khi đó, các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng về tỷ lệ CASA là các ngân hàng MSB, VietinBank, ACB, TPBank, BIDV, Sacombank và OCB. Thứ hạng trong Top10 đã có một số thay đổi khi CASA của OCB tăng 0,9 điểm % so với đầu năm, giúp ngân hàng từ vị trí thứ 12 lên vị trí thứ 10. Ngược lại, SeABank đã tụt khỏi Top 10 do ghi nhận tỷ lệ CASA đi xuống 8,8 điểm %.

Theo thống kê, SeABank là ngân hàng có mức giảm CASA 8,8 điểm %. SeABank cũng là một trong 5 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng sụt giảm trong quý đầu tiên của năm. Tính đến 31/3/2025, số dư tiền gửi khách hàng của ngân hàng giảm gần 5% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ CASA giảm xuống còn 10,4% từ mức 19,2% hồi đầu năm. 

Các ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm đáng kể như LPBank (giảm 2,9 điểm %), HDBank (giảm 2,2 điểm %), PGBank (giảm 2,1 điểm %), MSB (giảm 2 điểm %). 

 

Trong nhóm thống kê, có đến 11 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA dưới 10%, trong đó, Bac A Bank là ngân hàng có tỷ lệ CASA ở thấp nhất ở mức 2,8%. Ngân hàng VietABank và VietBank lần lượt đứng kế trên với tỷ lệ CASA tương ứng là 4,3% và 5,4%. 

Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA ở mức thấp có thể kể đến như Nam A Bank (5,7%), BVBank (6,2%), KienlongBank và Saigonbank (6,7%), SHB (7%), NCB (8,4%), HDBank (9,7%),...

Trên thực tế, lãi suất huy động đã tăng trong giai đoạn đầu năm, thông thường một số ngân hàng thương mại muốn tranh thủ giai đoạn đầu năm để huy động tiền gửi bởi thông thường sau Tết âm lịch nhu cầu gửi tiền sẽ tăng cao.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ công bố trước đó, Chứng khoán MB (MBS) cho biết lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại (NHTM) có sự biến động trái chiều ngay đầu tháng 2/2025. 

Trong đó ghi nhận một số nhà băng chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ tăng nhẹ lãi suất thêm 0,1% - 0,4%/năm. Các chuyên gia MBS nhận định việc điều chỉnh tăng này được cho là để chuẩn bị nguồn vốn cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay.

Theo đó, tỷ lệ CASA sẽ tiếp tục phản ánh sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng, xu hướng cải thiện CASA trong hệ thống ngân hàng sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng doanh nghiệp vẫn đang là động lực tăng trưởng tín dụng chính của ngành.

Các ngân hàng có lợi thế về mạng lưới, hệ sinh thái khách hàng và chiến lược khai thác dòng tiền hiệu quả sẽ tiếp tục nắm ưu thế trong cuộc đua CASA những năm tới.

 

Cuộc đua CASA liệu có gặp trở ngại?

Khi NIM của ngân hàng dần xuống thấp, tỷ lệ CASA sẽ trở thành một yếu tố quyết định tới lợi nhuận của các nhà băng và cuộc đua CASA sẽ càng "nóng" hơn.

Tại đại hội thường niên năm 2025, khi được hỏi về tình trạng sao chép sản phẩm sinh lời tự động từ các ngân hàng đối thủ, ông Jens Lottner, CEO Techcombank cho biết ngân hàng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sản phẩm sinh lời tự động đang bị mất thị phần.

"Ngược lại, khi có thêm đối thủ tung ra sản phẩm tương tự, điều đó càng giúp thị trường hiểu rõ hơn giá trị thực sự của chương trình mà Techcombank cung cấp", ôngJens Lottner nói. 

Theo ông, một số đối thủ quảng bá sản phẩm bằng cách khuyến khích khách hàng tự quyết định chuyển tiền vào chứng chỉ tiền gửi, sau đó khi cần rút tiền lại phải thực hiện thao tác thủ công. Đó không phải là sinh lời tự động (Auto-earning) theo đúng nghĩa.

Sinh lời tự động (Auto-earning) của Techcombank đơn giản là khách hàng chỉ cần nhấn một nút trên App, sau đó toàn bộ số dư tài khoản được tự động tối ưu lãi suất - vẫn có thể dùng thanh toán như tài khoản thanh toán thông thường, hoàn toàn linh hoạt, không cần thao tác thêm. Trong quý gần nhất, đã có tới 800.000 khách hàng đăng ký sử dụng sản phẩm này.

 Tỷ lệ CASA của Techcombank vẫn duy trì nhóm dẫn đầu toàn ngành trong quý I (Nguồn: Techcombank)

Cuộc đua nâng cao tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang nóng lên rõ rệt, với nhiều ngân hàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ và sáng tạo sản phẩm để thu hút dòng tiền nhàn rỗi.

VPBank cũng chính thức bước vào cuộc chơi sinh lời tự động với tính năng "Super sinh lời" ra mắt vào giữa tháng 3/2025. Sản phẩm này giúp tối ưu lợi nhuận trên số tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán với mức lãi suất cố định lên đến 3,5%/năm, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng sử dụng linh hoạt khi khách hàng cần chi tiêu, với tiền gốc và lãi được cộng dồn hàng ngày.

Không đứng ngoài xu hướng, VIB cũng đã triển khai tài khoản "sinh lời theo ngày" với mức lãi suất dao động từ 2,5% đến 4,3%/năm, tùy theo thời gian duy trì khoản tiền nhàn rỗi. Khi số dư tài khoản vượt một ngưỡng nhất định (ví dụ: 10 triệu hoặc 100 triệu đồng), phần vượt sẽ tự động được chuyển vào tài khoản “siêu lợi suất”, tiếp tục sinh lời mà không cần bất kỳ thao tác nào từ phía khách hàng.

Đây là các giải pháp minh chứng cho xu hướng chuyển dịch chiến lược trong ngành ngân hàng – nơi mà CASA không còn chỉ là một chỉ số tài chính, mà đã trở thành vũ khí cạnh tranh trọng yếu.

Trong bối cảnh chi phí vốn chịu sức ép và lãi suất đầu ra khó tăng, việc duy trì và mở rộng tỷ lệ CASA sẽ là chìa khóa giúp các ngân hàng bảo vệ được NIM, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Minh Nguyệt