Vĩ Mô 15/07/2025 14:24

'Mô hình tăng trưởng cũ đã giảm dần hiệu quả, Việt Nam cần đổi mới để thoát bẫy thu nhập trung bình'

Theo TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mô hình tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ, đầu tư vốn lớn và hội nhập thị trường thế giới đang dần giảm hiệu lực. Nếu không kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Việt Nam sẽ bị kẹt lại ở những nấc thang thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Sáng 15/7, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 – 2030, định hướng đến năm 2045”.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, từ một quốc gia nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã tiến những bước dài trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình trên 6%/năm trong hơn ba thập kỷ, xuất nhập khẩu thuộc nhóm 25 nước có kim ngạch thương mại hàng đầu thế giới.

Diễn đàn xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 – 2030, định hướng đến năm 2045. (Ảnh: Nguyễn Ngọc

Tuy nhiên, những kết quả đó đã dần tiệm cận giới hạn của mô hình tăng trưởng hiện hành. Ba “động cơ” tăng trưởng trong hơn 30 năm qua – lao động giá rẻ, đầu tư vốn lớn và hội nhập thị trường thế giới đang dần giảm hiệu lực.

Tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư, trong khi hiệu quả sử dụng vốn chậm cải thiện, ICOR vẫn khá cao (gần 6 lần vốn cho 1 đơn vị tăng trưởng).

Năng suất lao động dù được nâng lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ bằng 1/11 Singapore, 1/5 Malaysia và chưa bằng 50% Thái Lan.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp lớn cho xuất khẩu nhưng hiệu ứng lan tỏa về công nghệ sang doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế; chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam tham gia chủ yếu ở phân khúc giá trị gia tăng thấp.

"Kết quả là, nền kinh tế dù không rơi vào tình trạng trì trệ, nhưng cũng chưa bứt phá; không còn đói nghèo, nhưng cũng chưa giàu mạnh. Đây chính là dấu hiệu của cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” — tình trạng mà hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới vẫn chưa thể vượt qua", ông Thanh nêu rõ. 

TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc   

Từ bài học quốc tế, theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong số 134 quốc gia thu nhập trung bình vào năm 1990, chỉ có 34 nước bước vào nhóm thu nhập cao tính đến năm 2023. Trong số đó, gần 1/3 được hưởng lợi từ tài nguyên (dầu mỏ) hoặc hội nhập đặc biệt (vào EU).

Ví dụ, Hàn Quốc là bài học kinh điển cho chiến lược ba bước gồm đầu tư – hấp thụ - đổi mới sáng tạo. Ngược lại, Brazil đã không thực sự thành công khi đốt cháy giai đoạn, cố gắng đổi mới sáng tạo khi chưa đủ nền tảng hấp thụ công nghệ. Điều này cho thấy Việt Nam phải đi bằng một chiến lược tuần tuy có thể rút ngắn, nhưng không nóng vội.

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định và nhiều rủi ro, mô hình tăng trưởng không thể tiếp tục vận hành theo lối đơn tuyến. Thay vào đó, cần được thiết kế như một cấu trúc phức hợp, đa chiều, tích hợp giữa các yếu tố xã hội, công nghệ, môi trường, địa chính trị với những động lực phát triển mới đang tái định hình trật tự toàn cầu.

Trong đó, chuyển đổi số và kinh tế dữ liệu, với những công nghệ như robot và trí tuệ nhân tạo, đang hình thành các chuỗi giá trị mới xoay quanh dữ liệu. Các yêu cầu về giảm phát thải carbon, cơ chế thuế biên carbon của EU và tiêu chuẩn ESG đang thúc ép các nền kinh tế phải chuyển đổi nhanh chóng — nếu không, nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu là hiện hữu.

Bên cạnh đó, các xu hướng “Trung Quốc + 1” (dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa rủi ro), "near-shoring" (đưa sản xuất về gần thị trường tiêu thụ)  và "friend-shoring" (tái cấu trúc chuỗi cung ứng, ưu tiên đặt tại các quốc gia thân thiện về chính trị và thể chế) mở ra cơ hội mới cho Việt Nam, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực logistics, công nghiệp phụ trợ và công nghệ sản xuất.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc kinh tế cùng cạnh tranh địa chính trị đang đẩy mạnh cuộc đua giành quyền kiểm soát công nghệ, dữ liệu và tài nguyên – qua đó định hình lại luật chơi toàn cầu và đặt ra không ít thách thức mới. 

“Nếu Việt Nam không kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chúng ta sẽ tụt lại phía sau, bị kẹt lại ở những nấc thang thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, và hậu quả là ngày càng xa rời mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045”, ông Thanh nêu tõ. 

Cần một cuộc "đại phẫu" toàn diện

Còn theo TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, kinh tế Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định từ năm 1986 đến nay. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, Việt Nam chưa từng đạt mức tăng trưởng 10%/năm.

Vì vậy, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể tiếp tục đi theo mô hình tăng trưởng cũ – vốn dựa nhiều vào lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn. Thay vào đó, cần một cuộc "đại phẫu" toàn diện nhằm thay đổi thể chế, nâng cao hiệu quả điều hành và chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao…

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới.   (Ảnh: Nguyễn Ngọc)     

Cụ thể, trong 5 năm tới,  TS. Lê Xuân Sang cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng theo số lượng sang tăng trưởng theo chất lượng. Cụ thể, về thu hút FDI cần ưu tiên vốn đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường, có khả năng lan tỏa sang khu vực trong nước. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực để kết nối tốt hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các dự án lớn, nhất là đầu tư công. Song song, cần siết chặt kỷ cương để tránh tình trạng “quan hệ – cánh hẩu”, nâng cao tính minh bạch và công bằng trong kinh doanh.

Về cải cách thể chế, cần thiết kế hệ thống “cây gậy và củ cà rốt” – vừa thúc ép đổi mới, vừa có cơ chế khuyến khích hiệu quả. Đồng thời, nâng cao chất lượng quản trị nhà nước và phối hợp giữa các cấp, ngành.

Về tái cơ cấu ngân sách và các quỹ tài chính, cần ưu tiên vốn cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, giáo dục – công nghệ. Cắt giảm mạnh các quỹ ngoài ngân sách hoạt động kém hiệu quả, đồng thời tăng vốn cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp.

Xây dựng đội ngũ công chức hiệu quả bằng cách tuyển chọn và đào tạo cán bộ dựa trên năng lực, liêm chính và tinh thần phụng sự, tránh để các nhóm lợi ích chi phối bộ máy.

“Cải cách mô hình tăng trưởng cần giống như một “cuộc đại phẫu” – dũng cảm tháo gỡ những phần lỗi thời, đồng thời sắp xếp lại các thành tố mới một cách bài bản. Việc này không thể nóng vội, càng không thể làm theo cách chắp vá mà đòi hỏi sự vào cuộc chuyên nghiệp của Nhà nước, với lộ trình rõ ràng và có tính đến các rủi ro phát sinh”, ông Sang nhấn mạnh. 

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 15/07/2025 20:43
Nghiên cứu xã hội hóa để thực hiện dự án mở rộng Cảng hàng không Pleiku có tổng vốn đầu tư 2.114 tỷ đồng

Theo Bộ Xây dựng, về việc cải tạo khu bay, trường hợp tỉnh Gia Lai có nhu cầu triển khai sớm, UBND tỉnh nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư trước. Riêng đối với khu hàng không dân dụng, nếu ACV chưa thể cân đối nguồn vốn, Gia Lai có thể đề xuất nguồn lực xã hội hóa.

Vĩ Mô 15/07/2025 20:40
Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm 7 bến thủy nội địa dọc sông Hàn

Tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 9.881 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 117 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là hơn 1.482 tỷ đồng; vốn huy động là hơn 8.399 tỷ đồng.

Vĩ Mô 15/07/2025 19:55
Cấm xe máy chạy xăng trên Vành đai 1 Hà Nội: Không chỉ giải bài toán môi trường

Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp, biện pháp để không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.

Vĩ Mô 15/07/2025 19:36
Bộ Công Thương ban hành bộ thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1845/QĐ-BCT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành và sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO