Người tiêu dùng là động cơ của cỗ máy kinh tế Mỹ. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg Businessweek).
CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase dường như có một sự ám ảnh nhất định với hai từ suy thoái. Ít nhất là kể từ năm 2022, ông đã liên tục cảnh báo về nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái.
Đến giữa tuần trước, ngay cả sau khi hai nước Mỹ - Trung đạt được thoả thuận đình chiến thương mại và giúp thị trường trút bớt một gánh nặng, ông Dimon vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 15/5, ông nói: “Hy vọng Mỹ sẽ tránh được suy thoái, nhưng ở thời điểm hiện tại tôi sẽ không loại trừ khả năng này. Và nếu kịch bản xấu thực sự xảy ra, tôi không biết suy thoái sẽ nghiêm trọng đến đâu đến hoặc sẽ kéo dài trong bao lâu”.
Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ đã thu hẹp 0,3% trong quý I/2025 - một thông tin gây bất ngờ cho không ít người bởi nó trái ngược với mức tăng trưởng 2,4% trong quý IV/2024 và dự báo mở rộng 0,4% của các chuyên gia. Nếu quý II tiếp tục tăng trưởng âm, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Song, Mỹ tăng trưởng âm trong quý đầu năm chủ yếu là do mức tăng bất ngờ của nhập khẩu trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng tìm cách tích trữ hàng hoá trước khi Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng sâu rộng vào tháng 4.
Vậy nên, một số chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng GDP quý I không hẳn là tiêu cực vì có khả năng xu hướng nhập khẩu sẽ đảo ngược trong những quý tiếp theo, giúp tăng trưởng trở lại mức dương.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh chính sách thương mại và các kế hoạch tài khoá của chính quyền ông Trump còn nhiều tác động khó lường chưa bộc lộ, bức tranh kinh tế vẫn chưa thực sự sáng rõ.
Thật vậy, trong một bình luận thận trọng vào tuần trước, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, từng lưu ý: “Nền kinh tế Mỹ thực sự dễ bị tổn thương trước bất kỳ bước ngoặt tiêu cực nào và rõ ràng là đang có rất nhiều điềm xấu”.
Bởi vậy cho nên, có lý do để những người như CEO Jamie Dimon của JPMorgan lo sợ. Thế thì, có dấu hiệu đáng tin cậy nào có thể báo trước rằng quỹ đạo của nền kinh tế số một thế giới sẽ lâm nguy hay không?
Một trong những đáp án rõ ràng nhất chính là sức khoẻ của người tiêu dùng. Chi tiêu tiêu dùng là xương sống của nền kinh tế Mỹ, đóng góp hai phần ba trong gần 28.000 tỷ USD GDP.
Khi người tiêu dùng chi tiêu cho hàng hoá và dịch vụ, điều đó không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn phản ánh các xu hướng kinh tế, bao gồm cả kế hoạch đầu tư và tuyển dụng của doanh nghiệp. Nói một cách dễ hiểu, người tiêu dùng chính là chiếc chìa khoá để khởi động cỗ xe kinh tế Mỹ.
Trong những năm gần đây, dường như không gì có thể cản nổi người tiêu dùng Mỹ. Họ vẫn chi tiêu trong suốt giai đoạn lạm phát tăng nóng và cả trong thời gian chi phí đi vay vọt lên mức đỉnh hơn 4 thập kỷ.
Sự bền bỉ của người tiêu dùng đã giúp ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế mà nhiều người cho rằng Mỹ không thể tránh khỏi sau đại dịch COVID-19.
Bây giờ, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã một lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể lao dốc. Có lý do để lo lắng về khả năng tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của người tiêu dùng.
Hiện tại, người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu nhưng chậm hơn rõ rệt so với trước đây. Họ cũng trở nên kén chọn hơn: chi tiêu cho giải trí và du lịch trên đà giảm xuống, đồng thời mọi người mua ít đồ ăn vặt và hạn chế ăn ngoài hơn.
Báo cáo mới của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chững lại vào tháng 4, khi cú hích bắt nguồn từ việc các hộ gia đình mua xe cộ trước thềm thuế quan yếu dần và người tiêu dùng bắt đầu cắt giảm chi tiêu ở những khoản mục khác.
Theo đó, doanh số bán lẻ chỉ nhích 0,1% trong tháng 4 sau khi tăng 1,7% vào tháng 3. Doanh số tại các đại lý ô tô tụt 0,1% dù từng tăng tốc 5,5% trong tháng 3. Doanh số tại các cửa hàng bán đồ thể thao, giải trí và nhạc cụ cũng tụt 2,5%.
Một nguồn lực quan trọng giúp người Mỹ chi tiêu thoải mái cho đến gần đây là khoản tiết kiệm mà họ tích luỹ từ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ trong đại dịch và khi thị trường chứng khoán bùng nổ. Đến nay, khoản tiền tiết kiệm đó đã cạn kiệt.
Vào tháng 3, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ đạt khoảng 3,9% - lùi xa mức đỉnh 32% khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 và tiếp tục xu hướng đi xuống so với đầu năm 2024, theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Trao đổi với New York Times, bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, nhấn mạnh: “Tấm đệm trong thời kỳ đại dịch để [người tiêu dùng] vượt qua cơn bão giá cả hiện không còn nữa”.
Nhóm 10% những người có thu nhập cao nhất - lực lượng thúc đẩy phần lớn chi tiêu tiêu dùng - hiện vẫn ổn định. Tuy nhiên, nhóm 90% bên dưới mới là những người khiến bà Swonk lo lắng nhất.
Những hộ gia đình thu nhập thấp hơn đó đang phải chịu áp lực tài chính ngày càng lớn, theo báo cáo của Fed chi nhánh New York tính đến quý I năm nay.
Tỷ lệ nợ thẻ tín dụng quá hạn thanh toán từ 90 ngày trở lên đã bắt đầu tăng vào năm 2023 và đang tiếp tục đi lên trên khắp các khu vực địa lý và mức thu nhập. Xu hướng này trở nên đặc biệt rõ rệt ở các hộ gia đình nghèo hơn.
Và báo cáo tín dụng theo thời gian thực từ Experian, một trong ba công ty xếp hạng tín dụng lớn của Mỹ, cho thấy tỷ lệ nợ quá hạn đã tiếp tục tăng vào tháng 4.
Chưa kể, người Mỹ cũng đang phải vật lộn với các khoản thanh toán khác. Theo dữ liệu của Fed chi nhánh New York, tỷ lệ nợ quá hạn nói chung (bao gồm tất cả các loại khoản vay) đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2020 trong quý I.
Nguyên nhân chủ yếu là do nợ quá hạn của các khoản vay sinh viên. Mỹ tạm hoãn thu nợ sinh viên kể từ cuối năm 2020 nhưng khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm nay, chính phủ đã bắt đầu truy thu số nợ lên đến hàng trăm tỷ USD.
Vì bây giờ phải xoay xở để trả hết nợ vay sinh viên sau thời gian tạm hoãn kéo dài 5 năm, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn hơn nữa trong việc chi trả các khoản vay khác.
Tuy nhiên, xét cho cùng thì thị trường lao động mới là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Nếu người dân Mỹ có tiền thì họ sẽ tiếp tục chi tiêu và lẽ dĩ nhiên công việc chính là nơi họ kiếm ra tiền.
Cho đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang tuyển dụng, tình trạng sa thải không lan rộng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn dao động quanh mức thấp kỷ lục là khoảng 4%.
Song, thị trường lao động rõ ràng đã kém mạnh mẽ hơn so với thời kỳ hậu đại dịch, một giai đoạn được đánh dấu bằng hoạt động tuyển dụng bùng nổ, tiền lương tăng vọt và tình trạng thiếu hụt lao động trở nên vô cùng nghiêm trọng.
Các doanh nghiệp bây giờ đăng tuyển ít việc làm hơn và số vị trí trống so với số lượng người đang tìm việc ngày càng thu hẹp, bởi các công ty đang nỗ lực đánh giá lại nhu cầu tuyển dụng trong bối cảnh tăng trưởng chững lại.
Và, chi tiêu ngày càng tăng nhanh hơn thu nhập (dựa theo số liệu đã điều chỉnh cho lạm phát). Tăng trưởng chi tiêu thực tế đã vượt tăng trưởng thu nhập thực tế trong 8 tháng liên tiếp kể từ tháng 7 năm ngoái.
Tình trạng mất cân bằng này không thể kéo dài. Thu nhập sẽ cần phải tăng tốc hoặc tiêu dùng cần phải chậm lại theo thời gian.
Ông Neil Dutta, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Renaissance Marco, cảnh báo: “Với những gì chúng ta biết về thị trường việc làm và tăng trưởng tiền lương, nhiều khả năng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ chậm lại hơn là thu nhập tăng”.
Trong lúc môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn và dấu hiệu căng thẳng xuất hiện khắp mọi nơi, người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng trở nên bi quan, bằng chứng là khảo sát được đông đảo giới chuyên gia và nhà đầu tư quan tâm của Đại học Michigan.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do đại học này tổng hợp đã tiếp tục trượt từ mức 52,2 của tháng 4 xuống 50,8 trong tháng 5. Đây là mức thấp thứ hai từng được ghi nhận, sau kết quả vào tháng 6/2022.
Ước tính của người tiêu dùng về lạm phát cũng đi sai hướng. Kỳ vọng lạm phát trong một năm tới đã tăng từ mức 6,5% vào tháng 4 lên 7,3%, trong khi kỳ vọng lạm phát dài hạn nhích từ mức 4,4% lên 4,6%.
Kết luận sơ bộ rút ra từ tất cả những dữ kiện kể trên là người tiêu dùng Mỹ rõ ràng đang chịu áp lực ngày càng cao nhưng họ vẫn đang xoay xở: tiếp tục chi tiêu, cố gắng trả nợ và nỗ lực tìm việc làm.
Để biết động cơ quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ có dừng lại trong tương lai hay không, người viết sẽ thực hiện một đánh giá tương tự về sức khoẻ của người tiêu dùng sau 6 tháng nữa. Hãy cùng chờ xem!
Ngày 19/5, tập đoàn tài chính đa quốc gia của Mỹ J.P.Morgan Chase & Co. đã nâng đánh giá đối với cổ phiếu các thị trường mới nổi từ mức “trung lập” lên “tăng tỷ trọng”.
Trái phiếu kho bạc bị bán tháo và hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm của nước này và dự luật cắt giảm thuế của ông Trump đạt được bước tiến quan trọng ở Quốc hội.
Mỹ thông báo nước này sẽ áp mức thuế tối đa mà họ từng đe doạ đối với các quốc gia không đàm phán “một cách thiện chí”.
Số liệu sản lượng công nghiệp tích cực có thể khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trì hoãn tung ra các biện pháp kích thích kinh tế.