Vĩ Mô 06/04/2025 17:23

Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Các doanh nghiệp cần kiểm tra xuất xứ nguồn cung, tránh rủi ro gian lận thương mại

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp cần kiểm tra xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong các hiệp định FTA, tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

Chiều 6/4, Chính phủ đã tổ chức Họp báo thường kỳ về các vấn đề kinh tế - xã hội. Liên quan đến câu hỏi về việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, việc này sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam và cũng sẽ liên quan đến sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đầu tư trong nước, dịch vụ và việc làm.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ như: Điện thoại, linh kiện máy móc, thiết bị dụng cụ, dệt may, da giày đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang đứng trước nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu.

Bởi khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu, giá cả của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên, mức độ cạnh tranh với hàng hoá các nước khác sẽ kém đi. Thứ hai là sức mua của người tiêu dùng Mỹ sẽ suy giảm dẫn đến cầu hàng hoá của Việt Nam sẽ giảm.

"Đối với các hợp đồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết, các đối tác ở Mỹ chắc chắn sẽ phải xem xét lại xem có tiếp tục hay không và các hợp đồng mới sẽ tương đối khó khăn", Thứ trưởng Hoài cho biết.

Ông cũng cho biết, dự kiến Mỹ sẽ áp dụng thuế đối ứng từ ngày 9/4, hiện Chính phủ đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với Chính phủ Mỹ và đàm phán để mang lại lợi ích hài hoà cho Việt Nam.

Hiện Bộ Công Thương sẽ rất chủ động tăng cường tiếp xúc với các cấp khác nhau của Mỹ và làm rõ quan điểm của Việt Nam. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng vào ngày 2/4, sáng ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công điện gửi Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ đề nghị tạm hoãn việc áp mức thuế trên để trao đổi và tìm giải pháp hài hoà lợi ích của hai bên và đề nghị hai bên bố trí cuộc điện đàm cấp cao.

Sau đó, ngày 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai bên đều mong muốn tăng hợp tác song phương trên lợi thế cụ thể của hai nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Phía Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu từ nước này về 0% và đồng thời, đề nghị Mỹ cũng áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là bước chuyển quan trọng trong quá trình giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ.

Ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 để giảm mức thuế MFN xuống thấp hơn song điều này vẫn chưa thoả mãn yêu cầu từ phía Mỹ. Trong thời gian sắp tới, thông qua cơ chế và chính sách của Hội đồng thương mại đầu tư Mỹ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan của Mỹ để trao đổi chặt chẽ các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ đầu tư giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác chủ động thích ứng với chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ phó.

Trong thời gian sắp tới, Tổ công tác sẽ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng theo dõi sát tình hình thế giới và khu vực để điều chỉnh chính sách kinh sách kinh tế - thương mại với Mỹ. 

Đồng thời chủ động tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và điều chỉnh chính sách của Mỹ trong thời gian tới, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội và tiếp tục giữ vững môi trường hoà bình và ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài cho tăng trưởng kinh tế.

"Trong thời gian sắp tới xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức nên các bộ, ngành cũng sẽ phải phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cũng như tăng trưởng GDP năm nay", Thứ trưởng Hoài cho biết.

Cụ thể, giải pháp thứ nhất là tận dụng thế mạnh sẵn có với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, 7 cơ chế hợp tác thương mại song phương.

Thứ hai là đẩy mạnh chiến lược, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, thúc đẩy các FTA mới như: Thị trường Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.

Thứ ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Thứ tư là, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam nhằm đảm bảo sự thích nghi về thị trường, xu hướng phát triển. Cần có chính sách quyết liệt hơn đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo để gia tăng giá trị, cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đảm bảo giá trị gia tăng trong nước với các sản phẩm công nghiệp cũng như đáp ứng yêu cầu về xuất xứ của các quốc gia. 

Thứ năm là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp cũng như xử lý các tranh chấp thương mại nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ sáu mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ bảy, mặc dù đối diện với nhiều thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, tăng tính tự chủ, giá trị tạo ra trong nước theo hướng xanh hoá, số hoá, đổi mới khoa học công nghệ....

Với các doanh nghiệp, ông Hoài nhấn mạnh để giảm thiểu tối đa rủi ro từ thương mại quốc tế, Bộ Công Thương khuyến nghị, cần phải chủ động theo dõi thông tin để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thì các doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, phát triển thị trường nhỏ, ngách và khai mở các thị trường tiềm năng mới nổi.

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng hàng hoá, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần kiểm tra xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong các hiệp định FTA, tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại hay sử dụng nguyên, phụ liệu hàng hoá của nước thứ ba.

Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Trước đó, mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cũng cho biết, Việt Nam đã sớm chủ động nhiều giải pháp giảm thuế, nhập hàng hóa, giải quyết các yêu cầu chính đáng phía doanh nghiệp Mỹ.

Các bộ ngành đã giao thiệp với phía Mỹ, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao. Chính sách thuế quan Mỹ, ông Sơn cho biết, là thách thức không nhỏ với Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên Thủ tướng trong cuộc họp sáng nay 6/4 đã nhấn mạnh không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP 8% đã đặt ra năm 2025.

Lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định phải giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh khi gặp khó khăn, các cú sốc từ bên ngoài. Từ đó phát huy giải pháp sáng tạo, chủ động, thích ứng linh hoạt, hiệu quả.  

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 07/04/2025 13:59
Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh có thể được nâng cấp thành cao tốc

Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh dài khoảng 30 km được nhà đầu tư đề xuất mở rộng thành cao tốc với 6 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Vĩ Mô 07/04/2025 11:02
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Mỹ gửi thư đề nghị hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam

Theo đại diện VCCI và AnCham, mức thuế đối ứng mới cao bất ngờ này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp hội viên và người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại song phương.

Vĩ Mô 07/04/2025 10:50
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư tới Mỹ đàm phán về thuế đối ứng

Hiện Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư đã tới Mỹ để tiếp tục đàm phán về thuế đối ứng.

Vĩ Mô 07/04/2025 08:03
[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô quý I: GDP tăng 6,93%, bội thu ngân sách gần 300.000 tỷ đồng

Nền kinh tế Việt Nam năm 2025 đã có sự khởi đầu đầy lạc quan với nhiều chỉ tiêu quý I tăng cao so với cùng kỳ các năm trước như: GDP tăng 6,93%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 34,7%, bội thu ngân sách Nhà nước 293.000 tỷ đồng,...

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO