Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 7/2, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 143.000 việc làm trong tháng 1/2025. Kết quả này chỉ gần bằng một nửa so với con số 307.000 của tháng 12/2024 và thấp hơn dự báo 169.000 của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones.
Tăng trưởng việc làm trong tháng 1 tập trung ở các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ (thêm 44.000 lao động), bán lẻ (34.000) và chính phủ (32.000). Lĩnh vực hỗ trợ xã hội có thêm 22.000 việc làm, trong khi các ngành liên quan đến khai khoáng mất 8.000 lao động.
Bộ Lao động Mỹ lưu ý tổng mức tăng việc làm trong tháng đầu năm 2025 thấp hơn một chút so với mức trung bình 166.000 của năm 2024.
Cơ quan này cũng điều chỉnh giảm đáng kể số liệu việc làm của năm 2024. Báo cáo mới nhất cho thấy số liệu việc làm đã giảm đi 589.000. Một đợt điều chỉnh sơ bộ vào tháng 8/2024 đưa ra mức giảm 818.000.
Trong khi một số nhà kinh tế dự đoán các vụ cháy rừng ở bang California sẽ ảnh hưởng đến số lượng việc làm, Bộ Lao động Mỹ nhận mạnh chúng “không có tác động rõ rệt” đến bức tranh chung.
Cũng theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 4%, một mức khá thấp so với trung bình lịch sử. Tỷ lệ thất nghiệp giảm khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng lên mức 62,6%, tức cao hơn 0,1 điểm % so với tháng 12/2024.
Một thước đo rộng hơn bao gồm cả những người lao động chán nản và những người đang làm việc bán thời gian vì lý do kinh tế vẫn giữ nguyên ở mức 7,5%.
Theo ghi nhận của CNBC, thị trường tài chính Mỹ không phản ứng nhiều với bản báo cáo. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tăng nhẹ và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đi lên.
Đây là báo cáo việc làm đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 với các kế hoạch cắt giảm thuế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và vực dậy lĩnh vực sản xuất trong nước bằng cách đánh thuế quan vào các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Hiện tại, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang theo dõi sát sao số liệu việc làm để cân nhắc các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo.
Hồi năm ngoái, giới chức Fed đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 100 điểm cơ bản. Song, gần đây họ ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn nhằm đánh giá tác động của các đợt hạ lãi suất trước và chính sách thuế quan của ông Trump.
Giới chuyên gia nhận định một tình huống phức tạp đang hình thành xung quanh vấn đề thuế quan của ông Trump và có thể khiến Fed rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không biết nên sử dụng công cụ chính sách để kiềm chế lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Trump đang sử dụng thuế quan như một công cụ cho cả chính sách đối ngoại và chính sách kinh tế nhưng nỗ lực này vẫn còn nhiều ẩn số chưa biết, bao gồm khả năng các đối tác bị áp thuế trả đũa Mỹ.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán thuế quan của chính quyền mới sẽ làm tăng giá cả và làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP. Câu hỏi chính của thị trường bây giờ là Fed cần phải điều chỉnh chính sách như thế nào.
Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 6, sau đó giảm thêm vào tháng 12. Tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi mục tiêu 4,25 - 4,5%.
Kể từ khi nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp và thực hiện nhiều biện pháp nhằm tái cơ cấu và thu hẹp quy mô lao động liên bang gồm 2,2 triệu nhân viên.
Đối với các nhà đầu tư coi cuộc chiến thương mại mới của Tổng thống Donald Trump thực chất chỉ là lời đe doạ chứ không gây thiệt hại nặng nề, niềm tin của họ cho đến nay đã đúng. Song, Wall Street Journal cho rằng đây có thể là một vấn đề.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đang vạch ra lộ trình mới quản lý lãi suất, có thể tác động trực tiếp đến chi phí vay dài hạn và có khả năng bỏ qua vai trò truyền thống của Fed.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng các khoản tài trợ của chính phủ liên bang cho các tiểu bang và cộng đồng địa phương, một phần trong nỗ lực cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang.