Mỹ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nhôm, thép vì thuế quan

Giá các kim loại công nghiệp tại Mỹ tiếp tục tăng vào thứ Ba, phản ánh tác động của mức thuế 25% do Tổng thống Donald Trump áp đặt lên thép và nhôm, trong bối cảnh ngành công nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tìm đủ nguồn nguyên liệu nội địa.

Mặc dù mục tiêu chính của thuế quan mới là hỗ trợ các nhà sản xuất kim loại Mỹ đang gặp khó khăn, nhưng việc mở lại các nhà máy đã đóng cửa và xây dựng cơ sở mới để thay thế một lượng lớn hàng nhập khẩu sẽ mất nhiều thời gian, theo Reuters.

Trong lúc đó, các nhà giao dịch đang đẩy giá kim loại tại Mỹ lên cao hơn, phản ánh mức giá mà các nhà sản xuất ô tô và các ngành công nghiệp khác sẽ phải trả khi lệnh thuế có hiệu lực vào ngày 12/3. 

Nhôm chịu ảnh hưởng lớn nhất

Tác động lớn nhất sẽ là đối với nhôm, vốn được sử dụng trong ngành vận tải, xây dựng và bao bì, với lượng nhập khẩu ròng chiếm khoảng 82% nhu cầu của Mỹ, theo ngân hàng Morgan Stanley.

Mức chênh lệch giá nhôm tại Mỹ so với giá chuẩn toàn cầu trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) đã tăng thêm 25% kể từ thứ Sáu tuần trước, lên 35 cent/pound, và đã tăng 60% kể từ khi ông Trump đắc cử.

"Việc mở rộng sản lượng nhôm trong nước để thay thế một phần hàng nhập khẩu sẽ đòi hỏi phải có sự gia tăng sản xuất ồ ạt trong một khoảng thời gian ngắn," nhà phân tích Volkmar Baur của Commerzbank cho biết.

Công đoàn United Steelworkers, đại diện cho công nhân Mỹ và Canada, hoan nghênh các nỗ lực "kiềm chế tình trạng dư thừa công suất toàn cầu," nhưng khuyến khích ông Trump hợp tác với Canada.

"Chúng ta phải phân biệt giữa các đối tác thương mại đáng tin cậy, như Canada, và những bên đang tìm cách phá hoại ngành công nghiệp của Mỹ”, ông David McCall, Giám đốc điều hành của USW cho biết. Công đoàn này đã phản đối nỗ lực của Nippon Steel (Nhật Bản) trong việc mua lại U.S. Steel (Pittsburgh).

Hiệp hội Nhôm Nguyên sinh Mỹ ca ngợi Trump về chính sách thuế quan này.

"Hôm nay là một ngày tuyệt vời cho ngành công nghiệp nhôm Mỹ," ông Mark Duffy, Chủ tịch hiệp hội phát biểu.

Tuy nhiên, các nhà máy luyện nhôm của Mỹ chỉ sản xuất 670.000 tấn kim loại vào năm ngoái, giảm mạnh so với 3,7 triệu tấn vào năm 2000, trong khi nhu cầu tại Mỹ lên đến 4,3 triệu tấn, theo dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.

Khoảng 470.000 tấn sản lượng của Mỹ đã bị đình chỉ và có thể được khôi phục, bà Amy Gower tại ngân hàng Morgan Stanley cho biết.

Việc xây dựng các nhà máy luyện nhôm mới có thể còn mất nhiều thời gian hơn, bà nói thêm.

Hiệp hội Nhôm cho biết họ hoan nghênh các hành động thương mại của Trump và mong muốn sản lượng tại Mỹ sẽ được mở rộng hơn nữa.

“Công suất của ngành nhôm không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước”, ông Charles Johnson, Giám đốc điều hành hiệp hội phát biểu.

Công ty PerenniAL (New York), một nhà phân phối tư nhân chuyên cung cấp các sản phẩm nhôm như tấm nhôm, dây, thanh đúc, dùng để sản xuất bánh xe, khung cửa sổ và các sản phẩm khác, cho biết họ dự định tăng giá bán. 

Thép, đồng cũng bị ảnh hưởng

Thép nhập khẩu chiếm 25% nguồn cung cho Mỹ, và giá thép cuộn cán nóng tại Mỹ đã tăng gần 40% kể từ thứ Năm tuần trước.

"Sự tăng trưởng nguồn cung trong nước sẽ không bù đắp được lượng thép nhập khẩu bị thiếu hụt, dẫn đến giá cả tại Mỹ tăng đáng kể nếu biện pháp này được thực hiện," nhà phân tích Andrew Jones của ngân hàng UBS nhận định.

Tại Canada, các nhà sản xuất nhôm cho biết họ đã sẵn sàng cạnh tranh nhưng cảnh báo rằng tác động đến giá cả có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ, tương tự như những gì đã xảy ra ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Những lo ngại rộng hơn về tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu kim loại suy giảm do nguy cơ chiến tranh thương mại đã phản ánh qua sự sụt giảm trên diện rộng của giá kim loại công nghiệp toàn cầu vào thứ Ba.

Mặc dù ông Trump chưa áp thuế đối với đồng vào thứ Hai, nhưng tuần trước ông đã đe dọa sẽ áp dụng thuế quan lên kim loại này.

Điều này đã đẩy mức chênh lệch giữa giá hợp đồng tương lai đồng tại Mỹ trên sàn Comex so với giá chuẩn toàn cầu trên Sàn giao dịch Kim loại London lên mức cao kỷ lục vào thứ Hai.

Mức chênh lệch này đã giảm nhẹ vào thứ Ba xuống còn 725 USD/tấn so với 930 USD/tấn vào cuối ngày thứ Hai, nhưng vẫn gấp đôi so với cuối tháng 1.

 

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá sầu riêng hôm nay 12/2: Xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan đối mặt nhiều thách thức

Giá sầu riêng hôm nay tiếp tục xu hướng ổn định, với loại đẹp duy trì trên 140.000 đồng/kg đối với sầu Thái và RI6. Trong khi đó, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc trong năm nay được dự đoán đi ngang so với năm ngoái, do kiểm tra chặt chẽ hơn từ hải quan Trung Quốc và cạnh tranh từ Việt Nam.

Giá lúa gạo hôm nay 12/2: Thị trường lặng sóng, dự trữ gạo của Philippines tăng 6,4%

Giá lúa gạo hôm nay (12/2) tại Đồng bằng sông Cửu Long không ghi nhận nhiều biến động mới. Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho biết, dự trữ gạo của nước này tính đến đầu năm nay đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cao su hôm nay 12/2: Diễn biến trái chiều

Thị trường cao su ghi nhận tăng giảm trái chiều ở Trung Quốc và Thái Lan, cho thấy tâm lý lo ngại của giới đầu tư.

Giá thép hôm nay 12/2: Diễn biến trái chiều với giá quặng sắt

Thị trường thép ghi nhận diễn biến giảm giá với thép thanh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, giá quặng sắt ở cả Sàn hàng hóa Đại Liên và Sàn Singapore lại tăng nhẹ.