Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ thực hiện những chính sách táo bạo, giới chuyên gia cùng nhiều nhà đầu tư đang lo lắng rằng lạm phát có thể quay trở lại.
Hai rủi ro lạm phát chính là nguy cơ xảy ra cú sốc nguồn cung và khả năng nhu cầu tăng vọt. Xung đột tại Trung Đông có thể đe doạ nguồn cung năng lượng, trong khi kế hoạch cắt giảm thuế suất của ông Trump có thể làm nóng nền kinh tế.
Rủi ro thứ ba lại có tác động hỗn hợp. Thuế quan và kế hoạch trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp của ông Trump có khả năng kéo lạm phát lên cao nhưng cũng sẽ gây hại cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một trong những biện pháp tiêu chuẩn để phòng ngừa tác động của lạm phát - mua các hàng hoá công nghiệp, đặc biệt là dầu thô - lại không thể bảo vệ nhà đầu tư như trước.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, ông Christian Mueller-Glissmann, trưởng bộ phận nghiên cứu phân bổ tài sản tại Goldman Sachs, nhấn mạnh: “Các hàng hoá công nghiệp sẽ không bảo vệ nhà đầu tư”.
Đầu tiên là rủi ro với nguồn cung dầu thô. Trên thực tế, dầu sẽ bảo vệ nhà đầu tư khỏi một trong những nguyên nhân gây lạm phát phổ biến nhất: giá dầu phi mã do các cuộc tấn công vào những cơ sở sản xuất dầu tại Trung Đông.
Tuy nhiên, kịch bản giá dầu tăng nóng do ảnh hưởng của xung đột Trung Đông hiện ít có khả năng xảy ra. Các cú sốc đối với nguồn cung năng lượng thế giới đang giảm bớt do lượng tồn kho lớn và công suất dự phòng dư thừa.
Chưa kể, Mỹ hiện tại là nước xuất khẩu năng lượng ròng - trái ngược với giai đoạn lạm phát nóng rực vào những năm 1970. Dù căng thẳng giữa Israel với Iran và các lực lượng ủy nhiệm leo thang, giá dầu vẫn mắc kẹt quanh mức 70 USD/thùng.
Tổng thống đắc cử Donald Trump còn thúc giục doanh nghiệp hãy khoan thêm dầu. Cùng với đó, ứng viên mà ông Trump đề cử cho chức Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ giảm bớt áp lực lạm phát tại Mỹ.
Tiếp đến là rủi ro từ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Khi nền kinh tế nóng lên, giá cả thường có xu hướng tăng cao hơn và kích thích lạm phát đi lên, theo Wall Street Journal.
Thông thường, dầu thô và đồng là các tài sản phù hợp để bảo vệ nhà đầu tư trong kịch bản này, vì nhu cầu cho cả hai đều tăng lên. Tuy nhiên, sự tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (do tác động của thuế quan) có thể cản trở hiệu ứng đó.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, nhưng nhu cầu của đất nước tỷ dân có thể sẽ không được hỗ trợ nhiều hoặc thậm chí không nhận được cú hích nào từ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ.
Thứ ba là rủi ro từ kế hoạch áp thuế quan và trục xuất người nhập cư trái phép của ông Trump. Cả hai chính sách này đều có thể thúc đẩy áp lực lạm phát phình to trở lại.
Song, thuế quan có tác động trái chiều đến lạm phát. Tác động tức thời của thuế quan là làm tăng giá cả tiêu dùng và kéo đồng bạc xanh đi lên - qua đó kích thích lạm phát. Về lâu dài, thuế quan lại làm nền kinh tế chậm lại và điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát.
Do tác động hỗn hợp đó, kỳ vọng lạm phát có thể đi lên trong ngắn hạn nhưng hầu như không biến động trong 5 năm tới. Với một bức tranh như vậy, nhà đầu tư không dễ phòng vệ tác động của lạm phát.
Thuế quan không giúp ích gì cho dầu thô và kim loại công nghệ, mà ngược lại có thể gây hại cho chúng vì chiến tranh thương mại thường khiến nền kinh tế thế giới yếu đi và làm giảm nhu cầu.
Vàng cũng có thể gặp khó khăn vì thuế quan sẽ kéo đồng USD lên cao hơn. Khi đó, giá vàng thường có xu hướng suy yếu và các ngân hàng trung ương khó tiến hành các đợt cắt giảm lãi suất hơn.
Nếu chính quyền mới của ông Trump tìm cách trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp, điều đó chắc chắn sẽ thúc đẩy tiền lương tăng lên khi doanh nghiệp cạnh tranh nhau để thay thế những người lao động giá rẻ.
Người nghèo có xu hướng dùng phần lớn thu nhập cho chi tiêu nên tiền lương tăng có thể thúc đẩy tiêu dùng. Điều đó sẽ càng khiến giá cả đi lên do nhu cầu bật tăng đáng kể và các doanh nghiệp cố gắng bù đắp chi phí bằng cách nâng giá bán hàng hoá hoặc dịch vụ. Và kịch bản này cũng không tốt cho dầu hay đồng.
Lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhập cư bất hợp pháp nhất là nông nghiệp. Vì vậy, giá thực phẩm sẽ chịu tác động lớn nhất. Do đó, có khả năng các hợp đồng tương lai nông sản có thể bảo vệ nhà đầu tư.
Song, nông sản không phải là thị trường dành cho những người yếu tim vì nhà đầu tư sẽ chứng kiến rất nhiều biến động và cần hiểu chi tiết về từng loại nông sản.
Một biện pháp phòng ngừa lạm phát đã được chứng minh tính hiệu quả là trái phiếu chính phủ chống lạm phát (TIPS).
Tuy nhiên, TIPS thường chỉ mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư nếu được nắm giữ cho đến ngày đáo hạn. Khi những cú sốc bất ngờ xảy ra và buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất (như vào năm 2022), TIPS sẽ bị ảnh hưởng và có thể giảm giá trị.
TIPS hiện tại có vẻ là lựa chọn tốt hơn so với khi lạm phát bùng lên hậu đại dịch COVID-19, vì lợi suất bây giờ cao hơn.
Nhưng ông Salman Ahmed, trưởng bộ phận phân bổ tài sản chiến lược tại Fidelity International, lưu ý rằng TIPS thường bảo vệ nhà đầu tư khỏi rủi ro lạm phát trong nhiều năm, chứ không thực sự giúp ích khi lạm phát đột ngột tăng.
Các công ty vận tải biển trên khắp thế giới đang loay hoay tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động - hệ quả từ xung đột địa chính trị và sự thay đổi của văn hóa.
Ngay thời điểm mà hầu hết các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục giảm, một báo cáo quan trọng có thể cho thấy lạm phát đang ngày càng rời xa mức mục tiêu 2%.
Mexico và Canada cảnh báo hai nước này có thể sẽ dùng thuế quan để đấu lại thuế quan của Mỹ.
Theo biên bản cuộc họp tháng 11, các quan chức Fed tin tưởng rằng trong bối cảnh lạm phát đang giảm bớt và thị trường việc làm vẫn vững mạnh, cơ quan này có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất nhưng với tốc độ từ từ.