Tại cuộc họp vào giữa tháng 12, Fed đã quyết định hạ lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) và báo hiệu sẽ chỉ cắt giảm thêm hai lần nữa trong năm 2025, ít hơn hai lần so với dự báo hồi đầu tháng 9.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh ngân hàng trung ương Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới, các đợt hạ lãi suất trong tương lai có thể sẽ diễn ra chậm hơn và phụ thuộc vào việc lạm phát có đi xuống hay không.
Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, bình luận: “Tôi nghĩ đây là một thông điệp khá mạnh mẽ rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 1/2025 là kịch bản không có khả năng xảy ra. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế sẽ đóng vai trò thúc đẩy Fed”.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) là cơ quan hoạch định chính sách của Fed. Đây là một ủy ban gồm nhóm thành viên luân phiên từ 11 chi nhánh Fed, bên cạnh 7 thống đốc và chủ tịch chi nhánh New York.
Vào năm 2025, bà Susan Collins của Fed chi nhánh Boston, ông Alberto Musalem của chi nhánh St. Louis, ông Jeff Schmid của chi nhánh Kansas City và ông Austan Goolsbee của chi nhánh Chicago sẽ gia nhập FOMC.
Tuy nhiên, các quan chức không có quyền bỏ phiếu vẫn sẽ tích cực tham gia thảo luận chính sách tại mọi cuộc họp của ngân hàng trung ương Mỹ.
Câu hỏi quan trọng nhất mà các thành viên có quyền bỏ phiếu mới và FOMC phải đối mặt bây giờ là họ nên hạ lãi suất với tốc độ như thế nào khi mà lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%.
Cuộc tranh luận giữa các quan chức có thể trở nên phức tạp hơn do một loạt các thay đổi chính sách tiềm năng từ Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Hiện nay, ông Trump có kế hoạch áp thuế quan cao hơn lên hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, trục xuất hàng triệu người nhập cư và cắt giảm thuế suất. Cả ba chính sách đều có thể kéo lạm phát lên cao và siết chặt thị trường lao động.
Trong hai cuộc họp chính sách gần đây, hai quan chức đã bất đồng quan điểm với những đồng nghiệp còn lại, Bloomberg thông tin.
Vào tháng 9, Thống đốc Michelle Bowman đã bỏ phiếu chống lại quyết định hạ lãi suất 50 bps và ủng hộ mức giảm nhỏ hơn. Sang tháng 12, Chủ tịch chi nhánh Cleveland Beth Hammack cũng bỏ phiếu phản đối quyết định giảm thêm 25 bps.
Ông Don Kohn, thành viên cấp cao tại Viện Brookings và là cựu Phó Chủ tịch Fed, cho biết nếu FOMC bất đồng ý kiến về chính sách tiền tệ, điều đó cũng không hẳn là chuyện tồi tệ.
“Tôi không thấy có vấn đề gì khi thỉnh thoảng các quan chức có góc nhìn trái chiều. Và tôi nghĩ công chúng nên yên tâm rằng các quan chức luôn lắng nghe những quan điểm khác nhau”, ông Kohn nhấn mạnh.
Bà Hammack là một trong những quan chức sẽ rời khỏi FOMC vào năm 2025. Những cái tên khác không còn quyền bỏ phiếu bao gồm Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Tom Barkin và Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic.
Những quan chức sẽ tiếp tục nắm quyền bỏ phiếu trong FOMC lần lượt là Chủ tịch Jerome Powell, Chủ tịch chi nhánh New York John Williams, Thống đốc Michael Barr, Thống đốc Michelle Bowman, Thống đốc Lisa Cook, Thống đốc Philip Jefferson, Thống đốc Adriana Kugler và Thống đốc Christopher Waller.
Ông Musalem trở thành Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis kể từ tháng 4/2024 và năm 2025 là lần đầu tiên vị quan chức tham gia bỏ phiếu trong FOMC.
Theo Bloomberg, ông Musalem ủng hộ hạ lãi suất một cách thận trọng. Hồi đầu tháng 12, trước quyết định lãi suất mới nhất của Fed, ông đã nhắc đến các số liệu lạm phát kể từ tháng 9 và cảnh báo nguy cơ xu hướng hạ nhiệt của lạm phát “có thể bị đình trệ hoặc đảo ngược”.
“Đã đến lúc Fed nên cân nhắc giảm tốc độ cắt giảm lãi suất hoặc tạm dừng để đánh giá môi trường kinh tế hiện tại, những thông tin và triển vọng sắp tới”, người đứng đầu chi nhánh St. Louis nói.
Ông Schmid nhậm chức Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas City kể từ tháng 8/2023 và đây cũng là lần đầu tiên vị quan chức có quyền bỏ phiếu trong ủy ban hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ.
Về mức lãi suất trung lập mà Fed cần hướng tới, ông Schmid nhận thấy vẫn còn nhiều yếu tố khó đoán. Đa phần các quan chức đều nhất trí rằng chính sách tiền tệ đang kìm hãm nền kinh tế nhưng vẫn bất đồng về mức độ nới lỏng cần thiết để đưa lãi suất về mức trung lập.
Vì vậy, ông Schmid cho biết việc giảm tốc độ hạ lãi suất có thể giúp Fed tìm câu trả lời. Ông muốn tránh những động thái quá tay vì bức tranh kinh tế đang không chắc chắn và Fed không nên gây thêm bất ổn cho thị trường tài chính.
Bà Collins cầm trịch Fed chi nhánh Boston kể từ tháng 7/2022 và lần gần nhất vị quan chức có quyền bỏ phiếu trong FOMC là vào năm 2022.
Vào giữa tháng 11, bà Collins cho biết dù đích đến cuối cùng của chính sách vẫn chưa chắc chắn, Fed “cần phải nới lỏng tiền tệ thêm một số lần nữa”. Bà nhắc lại rằng lãi suất không đi theo một lộ trình định sẵn, đồng thời mô tả nền kinh tế “nói chung đang ở trạng thái tốt”.
“Những điều chỉnh chính sách gần đây cho phép FOMC thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong tương lai, dành thời gian để đánh giá toàn diện tác động của những dữ liệu có sẵn đến triển vọng lãi suất và các rủi ro”, Chủ tịch Fed chi nhánh Bostic bày tỏ.
Vị quan chức này trở thành Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago kể từ tháng 1/2023 và cho đến năm ngoái ông vẫn là thành viên có quyền bỏ phiếu thường trực của FOMC.
Ông Goolsbee nhiều lần tuyên bố rằng lãi suất hiện nay đang cao hơn mức trung lập. Người đứng đầu Fed chi nhánh Chicago đã nâng dự đoán lãi suất cho năm 2025 nhưng vẫn dự kiến chi phí đi vay sẽ đi xuống.
Hôm 20/12, ông Goolsbee cho hay: “Tôi tin tưởng lạm phát đang trên đà quay trở lại mức mục tiêu 2% và trong 12 - 18 tháng tới lãi suất có thể giảm đáng kể”.
Chính quyền Greenland và chính phủ Đan Mạch khẳng định họ sẽ không bán hòn đảo này với bất kỳ giá nào.
Đợt tăng giá cuối năm của thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu khi các chỉ số chính đồng loạt tăng 1% ngay trước đêm Giáng sinh.
Năm 2024 đã chứng kiến những tác động tàn khốc do biến đổi khí hậu trên toàn cầu với các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Trong năm 2024, thế giới đã chứng kiến nhiều bất ngờ trong các cuộc bầu cử. Công chúng khắp hành tinh cũng nhen nhóm niềm hy vọng về một cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế chung, với trụ cột chính là Mỹ.