Kinh tế Quốc tế 24/12/2024 15:59

Thiệt hại kinh tế khổng lồ từ biến đổi khí hậu

Năm 2024 đã chứng kiến những tác động tàn khốc do biến đổi khí hậu trên toàn cầu với các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

 

Sóng đánh mạnh vào bờ biển tại thị trấn Tam Sa khi bão Gaemi tiến gần tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Bão, lũ lụt, hạn hán đã gây ra thiệt hại kinh tế khổng lồ và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn báo cáo mới đây của tổ chức nhân đạo Christian Aid, cho biết trong năm 2024, thiệt hại do các thảm họa khí hậu chính trên toàn cầu đã vượt qua con số 230 tỷ USD.

Dựa trên dữ liệu từ các tổ chức uy tín như Aon, RBC Capital và Morningstar DBRS, báo cáo cho rằng trong khi tổn thất tài chính tập trung nhiều ở các quốc gia giàu có, gánh nặng nhân đạo lại nghiêng về các nước nghèo.

Cụ thể, tại Mỹ, bão Milton và bão Helene đã gây thiệt hại lần lượt 60 tỷ USD và 55 tỷ USD, trong khi một loạt cơn bão khác không được xếp loại, nhưng vẫn gây tổn thất tương đương.

Trong khi đó, ở châu Á, lũ lụt tại Trung Quốc từ tháng 6 đến tháng 7 đã gây thiệt hại 15,6 tỷ USD, trong khi bão Yagi quét qua Philippines, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan hồi tháng 9 năm nay gây tổn thất 12,6 tỷ USD.

Châu Âu cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bão Boris ở khu vực Trung Âu và lũ lụt tại Tây Ban Nha cũng như Đức đã gây thiệt hại tổng cộng 13,87 tỷ USD.

Tại các quốc gia có thu nhập thấp, do sự hạn chế về bảo hiểm, những thiệt hại tài chính thường không được thống kê đầy đủ, tuy nhiên thiệt hại về người và những tác động tới cộng đồng vô cùng nghiêm trọng.

Ở châu Phi, lũ lụt tại khu vực Tây Phi trong các tháng 8 và 9 đã ảnh hưởng tới 6,6 triệu người ở Nigeria, CH Chad và Niger. Tại khu vực phía Nam châu Phi, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử từ tháng 2 đến tháng 7 đã ảnh hưởng tới 14 triệu người tại Zambia, Malawi, Namibia và Zimbabwe.

Theo ông Patrick Watt, Giám đốc điều hành Christian Aid, các thảm họa này ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới người nghèo ở các nước thu nhập thấp vì họ có ít tài sản, bảo hiểm hạn chế và khó tiếp cận dịch vụ công cộng.

Giáo sư Davide Faranda, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khí hậu Pierre Simon Laplace (Pháp) khẳng định biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân gốc rễ làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan mà thế giới đang phải đối mặt, song tình hình vẫn còn có thể thay đổi được nếu thế giới hành động ngay lập tức để giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo các chuyên gia, cách duy nhất để giảm thiểu các hiện tượng thời tiết cực đoan là chấm dứt việc sử dụng than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Biến đổi khí hậu không còn là một vấn đề tương lai xa xôi, mà đã trở thành một thực tế khắc nghiệt. Các quốc gia cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ cuộc sống con người và đảm bảo sự bền vững cho thế hệ mai sau.

Hương Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 25/12/2024 07:11
Vì sao ông Trump muốn mua Greenland và giá bao nhiêu là hợp lý?

Chính quyền Greenland và chính phủ Đan Mạch khẳng định họ sẽ không bán hòn đảo này với bất kỳ giá nào.

Kinh tế Quốc tế 25/12/2024 06:52
Ông già Noel bắt đầu phát quà, chứng khoán Mỹ ngập trong sắc xanh trước đêm Giáng sinh

Đợt tăng giá cuối năm của thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu khi các chỉ số chính đồng loạt tăng 1% ngay trước đêm Giáng sinh.

Kinh tế Quốc tế 24/12/2024 15:00
Nhân sự Fed năm 2025: Những gương mặt mới sẽ định đoạt lãi suất

4 thành viên mới sẽ gia nhập ủy ban thiết lập lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2025. Với những lo ngại mới về lạm phát, quá trình ra quyết định của Fed sẽ càng thêm phức tạp.

Kinh tế Quốc tế 24/12/2024 10:48
[Photostory] Thế giới 2024 qua ảnh

Trong năm 2024, thế giới đã chứng kiến nhiều bất ngờ trong các cuộc bầu cử. Công chúng khắp hành tinh cũng nhen nhóm niềm hy vọng về một cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế chung, với trụ cột chính là Mỹ.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO