Nhật Bản sẽ tăng nhập khẩu gạo từ Mỹ nhưng vẫn trong hạn ngạch miễn thuế hiện có, Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết hôm thứ Tư (23/7). Đồng thời, ông nhấn mạnh Tokyo đã thành công trong việc bảo vệ lĩnh vực nông nghiệp khi đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Washington, theo Reuters.
Sau nhiều tháng đàm phán, hai nước đã đạt được thỏa thuận giảm thuế đối ứng từ mức đề xuất 25% xuống còn 15%, trong đó việc tăng lượng gạo Mỹ xuất khẩu sang Nhật là một phần của thỏa thuận này.
Theo khuôn khổ “tiếp cận tối thiểu” do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thiết lập từ năm 1995, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 770.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế bằng 0. Trong năm tài khóa trước, Mỹ chiếm khoảng 45% tổng lượng gạo nhập khẩu của Nhật theo cơ chế này.
“Chúng tôi hoàn toàn không có sự nhượng bộ nào trong lĩnh vực nông nghiệp,” ông Ishiba khẳng định với báo giới.
“Lượng nhập khẩu vẫn nằm trong khuôn khổ tiếp cận tối thiểu, và chúng tôi vẫn có toàn quyền quyết định sẽ nhập bao nhiêu và loại gạo nào từ từng quốc gia,” ông nói thêm.
Khi công bố thỏa thuận thương mại hôm thứ Ba tại Washington, Tổng thống Donald Trump cho biết Nhật Bản sẽ mở rộng thị trường cho các nhà sản xuất Mỹ trong lĩnh vực ô tô, xe tải, gạo và một số mặt hàng nông sản khác.
Dù cả hai bên không tiết lộ thêm các loại nông sản nào khác được đưa vào thỏa thuận, ông Ishiba cho biết không có cam kết nào về việc cắt giảm thuế quan.
Ngoài khuôn khổ tiếp cận tối thiểu, Nhật Bản áp mức thuế 341 yên (tương đương 2,36 USD) mỗi kg gạo nhập khẩu — mức thuế này trên thực tế đã khiến gạo ngoại bị loại khỏi thị trường do giá quá cao.
Dù thông thường Nhật không nhập khẩu nhiều gạo do có khả năng tự cung tự cấp đối với lương thực chủ lực này, trong năm vừa qua, nước này đã nhập khẩu lượng gạo ở mức cao kỷ lục do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước và giá gạo nội địa tăng mạnh.
Khoảng 10.600 tấn gạo ăn – loại gạo dùng trong bữa ăn, khác với gạo dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu sản xuất thực phẩm khác – đã được các doanh nghiệp như công ty thương mại và nhà phân phối nhập khẩu, bất chấp mức thuế cao.
Dù con số này vẫn còn nhỏ so với tổng lượng tiêu thụ khoảng 7 triệu tấn mỗi năm của người Nhật, nhưng lại là bước nhảy vọt so với mức chỉ 3.004 tấn được nhập trong cả năm tài chính kết thúc vào tháng 3 vừa qua.
Giá gạo tại Nhật Bản đã tăng gấp đôi so với năm ngoái sau khi một đợt nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng đến vụ mùa 2023. Tình trạng này càng trầm trọng hơn bởi việc người dân tích trữ sau động đất, cùng với nhu cầu tăng mạnh từ làn sóng du lịch trở lại.
Từ 1/8, TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng sẽ thí điểm bán xăng E10 - loại nhiên liệu sinh học pha 10% ethanol vào xăng khoáng.
Thị trường heo hơi vẫn giữ đà giảm tại cả ba miền. Nhiều chuyên gia dự báo giá heo hơi vẫn tiếp tục đi xuống tại một số khu vực trong ngày mai.
Giá sầu riêng hôm nay (23/7) ghi nhận trong khoảng 25.000 - 80.000 đồng/kg ở cả 3 khu vực thu mua chính được khảo sát. Trong khi đó, Malaysia cho biết đang đánh giá một số giống sầu riêng lai hứa hẹn có thể dẫn đến việc tạo ra các giống mới.
Xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 21,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2025, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Qua đó, ngành dệt may có mức xuất siêu hơn 9,1 tỷ USD.