06/02/2025 14:59

Nhiều ngân hàng bứt tốc, vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2024

Theo thống kê, phần lớn ngân hàng đã gần đạt hoặc vượt kế hoạch năm 2024. Trong khi đó, số ít ngân hàng nhỏ hơn báo cáo lợi nhuận không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Năm 2024, trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động như lãi suất, tỷ giá, các quy định bảo hiểm, cũng như sự bất ổn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, cùng với những tác động tiêu cực từ thiên tai, các ngân hàng đã tăng cường việc trích lập dự phòng dựa trên tình hình thực tế.

Điều này được dự báo có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các kế hoạch đã đề ra của hệ thống ngân hàng. Song thực tế cho thấy bước sang quý IV, tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng khởi sắc hơn với các khoản lãi gấp cùng kỳ năm trước nhiều lần, hỗ trợ đáng kể cho kết quả kinh doanh cả năm.

Sau 12 tháng các ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận tích cực, tuy nhiên sự phân hoá về lợi nhuận nói riêng và tiến độ thực hiện kế hoạch giữa các nhà băng là khá rõ rệt.

18/26 ngân hàng được thống kê trong danh sách hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm 2024.

Theo thống kê từ 26 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 300.280 tỷ đồng, hoàn thành 100,9% kế hoạch năm. Trong số đó, có đến 18 tổ chức đã vượt kế hoạch 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Danh sách trên không bao gồm BIDV do chưa chốt con số lợi nhuận kế hoạch năm.

Phần lớn ngân hàng lớn vẫn giữ phong độ tốt, trong khi các ngân hàng nhỏ gặp khó trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh hơn. 

Nhờ quý IV mạnh mẽ, BVBank vươn lên vị trí dẫn đầu về tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm 2024, ở mức 195,5%, tương đương lợi nhuận trước thuế 391 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận quý IV đạt 209 tỷ đồng. Đứng ngay sau đó là KienlongBank khi thực hiện 139% kế hoạch năm, tương đương lợi nhuận 1.112 tỷ đồng.

8/10 ngân hàng trong Top 10 đã về đích

Trong năm 2024, Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch lợi nhuận ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023.Kết thúc năm 2024, ngân hàng này báo lãi trước thuế 42.236 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm trước và hoàn thành 100,6% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Mặc dù vẫn là nhà băng lãi lớn nhất nhưng kết quả kinh doanh quý IV của Vietcombank đã chậm lại đáng kể,ạt 10.703 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, ông lớn Big4 khác là VietinBank ghi nhận kết quả mạnh mẽ trong quý IV, với mức tăng trưởng 61,4%, giúp lợi nhuận cả năm vượt kế hoạch đã đề ra.

Trong khi đó, Agribank công bố  lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng trên 8% so với năm trước. Năm 2023, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế sau kiểm toán đạt 25.859 tỷ đồng, do đó con số lợi nhuận năm nay ước đạt khoảng 27.927 tỷ đồng. Ông lớn này đặt kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ đạt 26.300 tỷ đồng trong năm 2024. 

8/10 ngân hàng trong Top 10 vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2024. 

Ngoài các ông lớn quốc doanh, nhiều ngân hàng cổ phần cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, vượt kế hoạch đề ra. MB, Techcombank, Sacombank, LPBank và HDBank đều đã vượt 100% kế hoạch lợi nhuận. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, VPBank mới thực hiện được 86,4% mục tiêu đã đề ra, thu về 20.003 tỷ đồng, trước đó ngân hàng đã đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 23.165 tỷ đồng lợi nhuận. ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 21.006 tỷ đồng cả năm, thực hiện 95,5% kế hoạch.

5 ngân hàng chưa đạt 80% kế hoạch lợi nhuận

Trong 29 ngân hàng thống kê, có tới 5 tổ chức có lợi nhuận chưa vượt qua mốc 80% kế hoạch năm. Trong đó, Saigonbank chỉ thực hiện được 26,9% kế hoạch cả năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 99 tỷ đồng do lợi nhuận quý IV ghi nhận lỗ 113 tỷ đồng. 

OCB cũng ở gần chót bảng khi chỉ thực hiện 58,2% kế hoạch cả nămkhi lãi trước thuế ở mức 4.006 tỷ đồng trong 12 tháng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB cho biết: "Mặc dù kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng nhưng tôi tin, với định hướng rõ ràng cùng nền tảng từ kết quả của quý 4/2024, năm 2025, OCB chắc chắn sẽ quay trở lại đường đua tăng trưởng với một tâm thế mới, cùng những dấu ấn, thành tựu mới”. 

Ba cái tên khác cũng nằm trong danh sách là VIB (thực hiện 74,4%), PGBank (thực hiện 76%) và ABBank (thực hiện 79,5%) thu về lần lượt 9.000 tỷ đồng, 412 tỷ đồng và 795 tỷ đồng.

5 ngân hàng chưa đạt 80% kế hoạch lợi nhuận

Nhiều thuận lợi hơn trong năm 2025

Nhìn chung, tình hình ngành ngân hàng trong năm 2024 tương đối khá ổn định, tuy nhiên vẫn là “bức tranh đan xen mảng sáng tối”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định. Bước sang 2025, bức tranh toàn ngành được dự báo tương đối thách thức.

‏Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, động lực tăng trưởng chính của ngành ngân hàng trong năm 2025 vẫn đến từ triển vọng tăng trưởng kinh tế . Kinh tế phục hồi tốt hơn sẽ kéo theo nhu cầu về tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đồng thời tăng khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.‏

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết bước sang 2025, với 74,6 % - 84,2% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2025. Trong năm 2025, có 85,1% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm 2024, 9,6% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 5,3% kỳ vọng lợi nhuận không thay đổi. 

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 2025, Chứng khoán SSI dự báo chất lượng tài sản tốt dần lên sẽ là bức tranh chung trong năm 2025 đối với ngành ngân hàng.

Các chuyên gia SSI cho biết tăng trưởng tín dụng ổn định, chất lượng tài sản phục hồi, nguồn cung bất động sản dồi dào và thu ngoài lãi tăng trở lại... là những yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện hoạt động các ngân hàng trong năm 2025.

Theo đó, SSI giữ quan điểm tích cực về ngành ngân hàng, dự báo lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ trong năm 2025.

Ở góc độ an toàn hơn, Công ty TNHH Chứng khoán Á Châu (ACBS) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sang năm 2025 tốc độ tăng trưởng chậm lại đôi chút ở mức 14,9%. 

Với dự báo trên, ACBS cho rằng kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn duy trì bền vững, cho thấy khả năng chống chịu của ngành ngân hàng hiện đang tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính trước đó vào năm 2012-2013.

Trong đó, tổng thu nhập hoạt động toàn ngành dự kiến tiếp tục tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ với động lực chính đến từ tín dụng, trong khi thu nhập ngoài lãi dự báo tăng trưởng chậm hơn với 8,5% so với cùng kỳ do mảng banca dự báo tiếp tục khó khăn.

Minh Nguyệt
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO