18/07/2025 15:31

NHNN ban hành Thông tư mới về tỷ lệ an toàn vốn các ngân hàng, hiệu lực từ 15/9

Thông tư 14 do NHNN mới ban hành quy định cụ thể tỷ lệ vốn tối thiểu, lộ trình áp dụng bộ đệm vốn bảo toàn (CCB).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 14/2025/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Đối tượng áp dụng bao gồm , chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là ngân hàng). Thông tư 14 không áp dụng đối với NHTM được kiểm soát đặc biệt; NHTM được can thiệp sớm thực hiện lộ trình tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn theo văn bản chấp thuận của NHNN quy định tại điểm a khoản 1 Điều 159 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Thông tư 14 hướng dẫn cách xác định và giá trị tối thiểu của các tỷ lệ an toàn vốn mà các ngân hàng cần phải duy trì gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

Theo đó, NHTM không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ gồm: tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu 6%; và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.

Đối với NHTM có công ty con, các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và hợp nhất cũng phải đáp ứng các mức tương ứng: vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%, vốn cấp 1 tối thiểu 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.

Thông tư lần đầu đưa ra các quy định về các bộ đệm vốn gồm bộ đệm bảo toàn vốn (CCB), bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) và bộ đệm vốn cho các ngân hàng thương mại có tầm quan trọng hệ thống.

Cụ thể, tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (CCB) là phần tỷ lệ vốn lõi cấp 1 còn lại sau khi ngân hàng đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn (bao gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn)

Ngân hàng chỉ được phân chia phần lợi nhuận còn lại do ngân hàng tự quyết định theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính bằng tiền mặt khi duy trì việc đáp ứng toàn bộ các tỷ lệ theo các năm như sau:

Năm thứ nhất, CCB là 0,625%; tỷ lệ vốn lõi cấp 1 (bao gồm CCB) là 5,125%; tỷ lệ vốn cấp 1 (bao gồm CCB) là 6,625%; và tỷ lệ an toàn vốn (CAR, bao gồm CCB) là 8,625%. Năm thứ hai, CCB tăng lên 1,25%; tỷ lệ vốn lõi cấp 1 là 5,75%; tỷ lệ vốn cấp 1 là 7,25% và CAR là 9,25%.

Năm thứ ba, CCB đạt 1,875%; tỷ lệ vốn lõi cấp 1 là 6,375%; tỷ lệ vốn cấp 1 là 7,875% và CAR là 9,875%. Từ năm thứ tư trở đi, CCB đạt mức tối đa là 2,5%; tỷ lệ vốn lõi cấp 1 là 7%; tỷ lệ vốn cấp 1 là 8,5% và CAR là 10,5%.

Bên cạnh đó, Thông tư 14 cũng đưa ra hướng dẫn cách tính tài sản có rủi ro tín dụng theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp xếp hạng nội bộ. Trong đó, phương pháp tiêu chuẩn tại Thông tư giống phương pháp hiện được các ngân hàng áp dụng theo Thông tư 41 nhưng điều chỉnh một số nội dung như khoản phải đòi bất động sản, khoản cấp tín dụng chuyên biệt.

Với phương pháp xếp hạng nội bộ của Thông tư đã đưa quy định về tính tổng tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng, phân loại tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng, cách xác định cấu phần để tính tài sản có rủi ro tín dụng khách hàng cho từng loại tài sản, quy định về tổn thất dự kiến và dự phòng rủi ro, các yêu cầu tối thiểu của phương pháp xếp hạng nội bộ.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9. 

Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực các ngân hàng có quyền đăng ký áp dụng phương pháp tiêu chuẩn hoặc phương pháp xếp hạng nội bộ cho rủi ro tín dụng để tính tỷ lệ an toàn vốn theo các quy định tại Thông tư.

Kể từ ngày 1/1/2030, tất cả các ngân hàng không thực hiện đăng ký áp dụng phương pháp tiêu chuẩn hoặc chưa được NHNN chấp thuận áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ sẽ phải thực hiện tính tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.

Việt Phương
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO