Cảnh quan cảng Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Reuters).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết Bangkok đã tiến hành vòng đàm phán mới với Washington và đưa ra một đề xuất “cải thiện đáng kể” so với trước đây. Do đó, Thái Lan kỳ vọng Mỹ sẽ giảm mức thuế đối ứng 36% với hàng hóa nước này xuống khoảng 20%.
Khi trò chuyện với các phóng viên ở Bangkok vào ngày 18/7, ông Pichai chia sẻ đề xuất thứ ba của Thái Lan đã đáp ứng toàn bộ yêu cầu của Mỹ, dỡ bỏ rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với nhiều hàng hóa Mỹ hơn.
Ông nói thêm rằng các quan chức hai nước đã thảo luận về thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và các khoản đầu tư của Thái Lan trong cuộc điện đàm hôm 17/7.
Vị bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi đã đáp ứng mục tiêu của Mỹ theo cách tốt nhất có thể… Chúng tôi dự đoán Thái Lan sẽ được hưởng mức thuế quan tương tự như các nước khác trong khu vực. Điều đó có nghĩa là mức thuế sẽ không vượt quá 20%”.
Hôm 15/7, chủ nhân Nhà Trắng đã thông báo thỏa thuận thương mại với Indonesia, theo đó hàng hoá từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vào Mỹ sẽ chịu mức thuế quan 19%.
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ được thông báo về tiến trình đàm phán với Thái Lan ngay trong ngày 18/7. Tuy nhiên, ông Pichai lưu ý rằng Mỹ có thể sẽ ấn định các mức thuế khác nhau tùy theo các loại mặt hàng của Thái Lan.
Bangkok đưa ra đề xuất có lợi hơn cho Mỹ sau khi ông Trump gửi thư cho nước này vào tuần trước, thông báo mức thuế 36% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, chiếm khoảng 18% tổng lượng hàng xuất khẩu của nước này vào năm ngoái. Nếu không thể thuyết phục Mỹ giảm thuế đối ứng, tốc độ tăng trưởng GDP của Thái Lan có nguy cơ giảm 1 điểm %.
Sau hai vòng đàm phán cấp bộ trưởng trước đó, Thái Lan đã đề xuất tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng của Mỹ mà nước này có nhu cầu, bao gồm nông sản, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và máy bay Boeing.
Mục tiêu là giảm thặng dư thương mại hàng hoá với Mỹ - vào khoảng 46 tỷ USD trong năm 2024. Thái Lan cũng cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn vào Mỹ, bao gồm dự án khí đốt tại Alaska.
Theo một nhóm thương mại cố vấn cho Bộ trưởng Pichai, đề xuất mới nhất đã mở rộng danh sách hàng hoá Mỹ được miễn thuế quan tại Thái Lan lên 90% tổng số sản phẩm, cao hơn tỷ lệ trước đây là 60%.
Đề xuất này có thể giúp thặng dư thương mại hàng hoá của Thái Lan với Mỹ giảm 70% trong vòng ba năm và tiến tới trạng thái cân bằng trong 5 năm.
Bộ trưởng Pichai nhấn mạnh: “Thái Lan thực hiện điều này và mở cửa thị trường trong nước đồng nghĩa với việc đất nước sẽ phải trở nên năng động hơn.
Chúng ta sẽ không chỉ nhập khẩu hàng hóa để giảm thặng dư thương mại với Mỹ, mà cũng cần tăng quy mô của nền kinh tế. Chúng ta cũng phải đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường hơn”.
Ông Pichai cho biết chính phủ Thái Lan sẽ theo dõi tác động của hàng hóa Mỹ đối với các ngành nông nghiệp, công nghiệp và chuỗi cung ứng trong nước, cũng như ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông khẳng định các nhà chức trách sẽ khẩn trương giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực và giúp doanh nghiệp khôi phục khả năng cạnh tranh.
Tổng thống Donald Trump có thể sẽ đồng ý nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ để đổi lấy việc Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải chạy đua để thích ứng.
Trong tháng 6, Trung Quốc xuất khẩu tổng cộng 3.808 tấn đất hiếm, tăng vọt so với mức đáy 5 năm vào tháng 5.
Các cuộc chiến giá khốc liệt đang gây ra vòng lặp tai hại, đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chìm sâu vào giảm phát. Tình trạng này khiến các quan chức Trung Quốc không khỏi lo ngại.