Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent. (Ảnh: Bloomberg).
Nguồn tin của tờ Bloomberg cho biết trong cuộc đàm phán cuối tuần này với phía Trung Quốc, mục tiêu của chính quyền Tổng thống Donald Trump là giảm mạnh thuế quan mà hai bên áp lên hàng hoá của nhau.
Cuộc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 10/5 tại Geneva, Thụy Sỹ, với phái đoàn của Mỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent dẫn đầu và đại diện chính của Trung Quốc là Phó Thủ tướng Hà Lập Phong.
Nguồn tin cho hay phía Mỹ đặt mục tiêu giảm thuế quan xuống dưới 60% như bước đi đầu tiên và kỳ vọng Trung Quốc sẽ đáp lại bằng động thái tương tự. Và nếu cuộc đàm phán hai ngày thu được kết quả khả quan, Mỹ sẵn sàng tiến hành cắt giảm thuế quan ngay trong tuần tới.
Hiện tại Nhà Trắng đang áp dụng thuế quan 145% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% đánh vào hàng hóa Mỹ.
Tuy nhiên, nguồn tin cũng lưu ý cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ mang tính chất thăm dò và nêu lên bất bình thay vì tìm kiếm giải pháp cho loạt vấn đề của mỗi bên. Tình hình có thể dễ dàng thay đổi, không có gì chắc chắn Mỹ và Trung Quốc sẽ hạ thuế quan trong tương lai gần.
Ngoài ra, một trong những trọng tâm của Mỹ là thuyết phục Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Hai bên cũng đang đạt được tiến triển về phương án giải quyết nạn buôn lậu ma tuý fentanyl vào Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ và văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer - người cùng tham gia đàm phán với ông Bessent - đều từ chối bình luận.
Một phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố: “Mục tiêu duy nhất của các quan chức trong cuộc đàm phán này là thúc đẩy chính sách kinh tế ‘Nước Mỹ trước tiên’ của Tổng thống Trump hướng tới quan hệ thương mại công bằng và đôi bên cùng có lợi. Bất kỳ tin đồn nào về mức thuế quan ‘mục tiêu’ đều chỉ là suy đoán vô căn cứ”.
Vào ngày 8/5, các quan chức Mỹ từ Tổng thống Trump trở xuống đều thể hiện rõ mong muốn giảm thuế quan với Trung Quốc.
Ông chủ Nhà Trắng nói với các phóng viên: “Thuế quan với hàng hóa Trung Quốc đang ở mức 145% nên chắc chắn nó chỉ có thể đi xuống. Tôi nghĩ chúng ta sẽ có cuối tuần rất tốt với Trung Quốc”.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick chia sẻ với CNBC: “Tôi nghĩ mục tiêu của Bộ trưởng Bessent là giảm leo thang xung đột và hạ thuế quan xuống mức hợp lý. Điều mà Tổng thống Trump kỳ vọng là một kết quả tốt, là một thế giới bớt căng thẳng, để Mỹ và Trung Quốc có thể tái hợp tác và làm việc để mang lại một thỏa thuận lớn”.
Các quan chức Trung Quốc vẫn kín tiếng về mục tiêu đặt ra cho cuộc đàm phán cuối tuần này. Vào ngày 8/5, Bắc Kinh đã một lần nữa kêu gọi chính quyền ông Trump hủy bỏ tất cả mức thuế quan đã đơn phương áp đặt lên Trung Quốc.
Ông He Yadong, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, tuyên bố: “Mỹ cần thể hiện sự chân thành khi đàm phán và chuẩn bị sửa chữa sai lầm”.
Ông Song Hong, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định nếu Mỹ giảm thuế quan với hàng hóa Trung Quốc thì Bắc Kinh sẵn sàng có động thái tương tự.
Vị chuyên gia cho biết: “Mỹ cần chủ động giảm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc bởi họ là nước khởi xướng chiến tranh thương mại. Nếu Mỹ hạ thuế quan - ví dụ như xuống 60% hoặc thấp hơn - tôi tin Trung Quốc cũng sẽ nhanh chóng cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Mỹ”.
Tuy nhiên, ông không cho rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ toàn bộ thuế quan, bởi lâu nay Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược.
Việc Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán là tín hiệu tốt với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia về quan hệ kinh tế Mỹ - Trung tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét: “Mỹ và Trung Quốc phải tìm ra cách để cùng tồn tại, nếu không hai nước sẽ tách rời và gây ra hậu quả khổng lồ tới nền kinh tế toàn cầu và trật tự thế giới. Do đó, cuộc đàm phán giữa hai bên có ý nghĩa rất quan trọng”.
Mặt khác, ông cảnh báo cuộc đàm phán cuối tuần này chỉ là bước khởi đầu của một hành trình dài, ví như “bước tiến nhỏ trong hành trình 10.000 dặm".
Ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Phúc Đán, có ý kiến tương tự. Ông bình luận: “Các cuộc đàm phán sẽ là quá trình dài và phức tạp. Do đó, những gì diễn ra cuối tuần này chỉ là bước khởi đầu. Chúng ta không nên quá lạc quan”.
Ngoài ra, do thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp dụng lên hàng hóa của nhau quá cao, dù chúng có cắt giảm đáng kể thì người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn sẽ chịu hậu quả nặng nề.
Bà Wendy Cutler, Phó Giám đốc tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, chỉ ra: “Dù Mỹ và Trung Quốc có giảm thuế quan một nửa thì chúng vẫn quá cao so với trước đây. Điều đó sẽ khiến thương mại bị cản trở nghiêm trọng”.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vượt dự báo vào tháng 4 nhờ lượng hàng hoá vận chuyển đến Đông Nam Á nhảy vọt.
Không chỉ nhập khẩu hàng hoá của Mỹ, xuất khẩu hàng hoá từ siêu cường kinh tế này ra thị trường toàn cầu cũng lao dốc do ảnh hưởng của thuế quan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết các thoả thuận thương mại với Hàn Quốc và Nhật Bản có thể mất thời gian hơn so với thoả thuận khung với Anh.