Kinh tế Quốc tế 17/03/2023 23:25

OECD lạc quan thận trọng về triển vọng tăng trưởng toàn cầu

OECD viện dẫn những yếu tố không chắc chắn trong cuộc xung đột ở Ukraine, nguy cơ xảy ra áp lực mới đối với thị trường năng lượng và tác động của việc tăng lãi suất.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 17/3 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khi lạm phát dần “hạ nhiệt” và Trung Quốc nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19. Nhưng tổ chức này cũng cảnh báo về các lỗ hổng như tình trạng hỗn loạn hiện thời của khu vực ngân hàng Mỹ.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất có tiêu đề "Sự phục hồi mong manh", OECD cho biết họ hiện kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức 2,2% trong dự báo trước đó công bố vào tháng 11/2022.

Tuy nhiên, con số dự báo trên vẫn thấp hơn mức tăng 3,2% ghi nhận vào năm 2022.

Sang năm tới, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ lên mức 2,9% - cải thiện hơn so với dự báo tháng 11/2022 là 2,7% - khi ảnh hưởng từ giá năng lượng cao đến thu nhập hộ gia đình giảm dần.

OECD dự báo lạm phát tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ giảm từ 8,1% của năm ngoái xuống 5,9% trong năm nay, rồi tiếp tục xuống 4,5% vào năm 2024. Mức này vẫn cao hơn mục tiêu đề ra, bất chấp việc nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất.

Theo OECD, các dấu hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, với tâm lý doanh nghiệp và niềm tin người tiêu dùng bắt đầu được cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm trở lại, cũng như việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn. Song tổ chức này cũng cảnh báo rằng sự cải thiện cho triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh. Rủi ro đã trở nên cân bằng hơn một chút, nhưng vẫn nghiêng về hướng gây suy yếu.

OECD viện dẫn những yếu tố không chắc chắn trong cuộc xung đột ở Ukraine, nguy cơ xảy ra áp lực mới đối với thị trường năng lượng và tác động của việc tăng lãi suất.

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã nâng lãi suất nhằm chế ngự lạm phát “quá nóng” và chạm mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các thị trường lo ngại rằng chi phí đi vay cao có thể khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái.

OECD cho biết rất khó đánh giá tác động đầy đủ của việc điều chỉnh tăng lãi suất, cảnh báo rằng căng thẳng gia tăng đối với người vay có thể dẫn đến thua lỗ cho một số ngân hàng. Tổ chức này đã lấy ví dụ về sự sụp đổ gần đây của ngân hàng Silicon Valley Bank của Mỹ cùng những hệ quả liên đới.

Trong báo cáo, OECD dự báo lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương sẽ đạt đỉnh ở mức 5,25-5,5% tại Mỹ và 4,25% ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Tại nước Anh, nếu lạm phát hạ nhiệt, ngân hàng trung ương nước này có thể nới lỏng chính sách tiền tệ “một chút” vào năm tới.

Đối với kinh tế Mỹ, OECD đã nâng dự báo cho năm nay nhưng lại điều chỉnh ước tính cho năm 2024 đi xuống. Theo đó, tổ chức này dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng 1,5% trong năm 2023 (so với 0,5% hồi tháng 11/2022) nhờ thị trường lao động tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Nhưng đà tăng này sẽ chậm lại xuống 0,9% (từ ước tính 1% trước đó) trong năm 2024, do lãi suất cao làm giảm nhu cầu.

Được hỗ trợ bởi việc nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 5,3% trong năm nay và 4,9% vào năm 2024, cải thiện hơn so với dự báo tháng 11 năm ngoái lần lượt là 4,6% và 4,1%.

Triển vọng của Eurozone cũng sáng hơn nhờ giá năng lượng giảm. Khối 20 quốc gia này dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm 2023 và 1,5% vào năm 2024. OECD trước đó đã dự báo mức tăng trưởng cho Eurozone lần lượt là 0,5% và 1,4% trong năm nay và năm tới.

H.Thủy (Theo Reuters, AFP)
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 27/07/2024 10:55
Nga tăng lãi suất chủ chốt lên 18% để kiềm chế lạm phát

Ngày 26/7, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt từ mức 16% lên 18%, lần tăng thứ 6 chỉ trong hơn một năm nhằm kiểm soát tình trạng giá cả tăng vọt.

Kinh tế Quốc tế 27/07/2024 07:50
Dow Jones tăng hơn 650 điểm nhờ báo cáo lạm phát tích cực

Báo cáo PCEPI đúng như kỳ vọng của Phố Wall đã thúc đẩy cả ba chỉ số chính phục hồi hơn 1% trong phiên 26/7, khép lại một tuần đầy biến động.

Kinh tế Quốc tế 27/07/2024 06:16
Sự phục hồi của đồng yen có nguy cơ làm đảo lộn thị trường

Trong khi CNY tăng giá theo yen Nhật, một loạt tài sản khác bị bán tháo từ cổ phiếu Nhật Bản tới vàng và tiền mã hoá,... do nhà đầu tư phải đánh giá lại các vị thế đặt cược sử dụng đòn bẩy tài chính...

Kinh tế Quốc tế 27/07/2024 00:55
'Nốt trầm' của công ty phụ tùng ô tô lớn thứ hai nước Đức

Nhà cung cấp phụ tùng ô tô ZF Friedrichshafen AG (ZF) lớn thứ hai của Đức sau Bosch có kế hoạch cắt giảm dần 11.000-14.000 việc làm ở Đức vào năm 2028.