Tài chính Doanh nghiệp 26/04/2025 11:55

Ông Lê Trí Thông: PNJ không phải nhà đầu cơ vàng, tập trung bán trang sức

Đối diện với cơn bão kép, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục của năm ngoái.

Sáng ngày 26/4, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, trong bối cảnh ngành bán lẻ vàng/trang sức có nhiều biến động. 

Năm nay, công ty đề ra kế hoạch doanh thu 31.607 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với mức kỷ lục của năm ngoái (PNJ thường vượt kế hoạch kinh doanh). 

Tính riêng quý đầu năm, PNJ thu về 9.635 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng; giảm lần lượt 23% và 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này tương đương gần 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Kết quả do sức mua thị trường trang sức suy yếu khi giá vàng tăng cao và nhu cầu tiêu dùng giảm; doanh thu vàng 24K thấp hơn cùng kỳ. Ngược lại công ty tối ưu chi phí vận hành giúp tốc độ giảm lợi nhuận thấp hơn doanh thu. 

 Chỉ tiêu kinh doanh của PNJ. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.  

Tổng giám đốc Lê Trí Thông nói đầu năm 2024 đã hy vọng có nhiều sự hồi phục của sức mua và chúng tôi nghĩ sức mua sẽ tốt, nhưng thực tế 2024 cũng có nhiều khó khăn về ngành hàng trang sức/đá quý.

Người điều hành doanh nghiệp nói công ty đã đối diện cơn bão kép, từ thiếu nguồn cung nguyên liệu đến sức mua suy giảm. "Nhìn bầu trời thì vẫn sáng chứ chưa tối đen, nhưng có rất nhiều gió ngược và đá ngầm, mà các công ty trong ngành phải đối mặt".

Giá vàng tăng ngoài sức tưởng tượng của các đơn vị phân tích, PNJ là đơn vị kinh doanh trang sức nên vàng chính là đầu vào, do đó giá vàng tăng lại có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.  

Dù vậy, PNJ vẫn ghi nhận doanh thu thuần 37.823 tỷ đồng, cao hơn 14% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 2.113 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.

Với kết quả đạt được, Hội đồng quản trị đề xuất chia cổ tức theo đúng kế hoạch 20% bằng tiền mặt. Trong đó, công ty đã tạm ứng 6% nên còn chi trả thêm 14% thời gian tới, tương ứng còn trả 473 tỷ đồng.     

 CEO Lê Trí Thông báo cáo tại đại hội. Ảnh: Huy Lê.

Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung cho biết ngành vàng/trang sức vẫn khó khăn, với các đơn vị thiếu bãn lĩnh là không có lối ra. Tuy nhiên, công ty vẫn luôn nổ lực và tìm ra lối đi mới để vượt khó khăn, tiến lên phía trước.

Bước vào 2025 tình hình càng khó khăn hơn, khi nguồn cung nguyên liệu quá sức khó khăn, đội ngũ lãnh đạo công ty rất buồn khi không khí ngày thần tài không như mọi năm, nhưng với sự cố gắng của ban lãnh đạo thì vẫn có tăng trưởng.

"Nhiều người nghĩ khi giá vàng lên thì PNJ lời lắm, khi giá vàng xuống PNJ lỗ. Trong kinh doanh trang sức thì chúng tôi phải làm sao giá vàng lên hay xuống không quá ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty", bà Dung phát biểu.

Giá vàng lên công ty phải có phương pháp cân bằng lượng vàng và phương án dự trù trong tương lai. Khi xây dựng kế hoạch, PNJ không nghĩ đến chuyện sẽ lời khi giá vàng lên hay giá vàng xuống, không đặt chuyện lời vàng trong việc kinh doanh trang sức.

Dù bối cảnh khó khăn, người đứng đầu doanh nghiệp nói vẫn tiến lên để mở rộng hệ thống. Công ty vẫn dành ngân sách để mở mới cửa hàng, nhưng trên tình thần thận trọng, xem xét kỹ vị trí và phát triển có chọn lọc.

Ban lãnh đạo nhận định trong nguy có cơ, do đó có kế hoạch mở thêm 12-25 cửa hàng để tận dụng khoảng trống thị trường, nhằm gia tăng sự hiện diện tại các thị trường tiềm năng. Đây là một phần trong mục tiêu có 500 cửa hàng vào 2030. 

Công ty cũng sẽ nâng công suất nhà máy trang sức từ 4 triệu lên 5 triệu sản phẩm mỗi năm, sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường hồi phục. Đồng thời ra mắt thương hiệu Mancode by PNJ dành cho tệp khách hàng mới nam giới. 

"Chúng tôi có công ty sản xuất 4-5 triệu sản phẩm, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng, phải làm gì mới hơn. Chúng tôi đã thay đổi lãnh đạo công ty sản xuất để làm sao để có đà rồi thì phải bắt kịp thị trường, đổi mới sáng tạo hơn", theo bà Dung. 

Về phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), công ty dự kiến phát hành với tỷ lệ 0,96% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương với 3,24 triệu cổ phiếu.

Giá ưu đãi 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức trên 70.000 đồng hiện nay. Đối tượng là thành viên HĐQT, ban điều hành, cố vấn cao cấp, quản lý, chuyên gia và nhóm nhân sự chủ chốt. 

Công ty còn có bổ sung tờ trình mua lại tối đa khoảng 8 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích là để có biện pháp bảo vệ lợi ích cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước các biến động mạnh của thị trường.     

Cũng tại đại hội sắp tới, PNJ sẽ có 3 thành viên Hội đồng quản trị kết thúc nhiệm kỳ. Do đó công ty sẽ tiến hành bầu bổ sung trở lại 3 thành viên Trần Ngọc Phương Thảo, Nguyễn Tuấn Hải và Tiêu Yến Trinh trở lại HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

 Đoàn chủ tọa PNJ tại đại hội. Ảnh: Huy Lê. 

Phiên thảo luận 

Kế hoạch mở mới cho năm 2025, kinh doanh các mặt hàng mới nào?

CEO Lê Trí Thông: Kế hoạch mở mới đang chuẩn bị theo nhiều kịch bản, dao động từ 12 đến tối đa 25 cửa hàng. Các biến số phụ thuộc vào sức mua của nền kinh tế để cân nhắc, trong điều kiện thuận lợi nhất sẽ mở 25 cửa hàng ở khu vực tiềm năng, còn nếu sức mua thấp thì vẫn có khả năng mở mới để đón đầu tăng trưởng.

Về sản phẩm mới, chúng ta mới tung ra Mancode by PNJ và đang được đón nhận rất tốt, tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần cho nhóm khách hàng mới này. Sản phẩm cho nam giới này đang có kết quả tốt, xuất hiện trong hơn mười điểm bán, sản phảm có tiềm năng mở rộng thậm chí có khả năng sẽ mở cửa hàng độc lập riêng. Mancode chỉ là bước đầu tiên trong mô hình lifestyle dành cho nam giới.

Công ty còn có kế hoạch đầu tư với 1 số starup để tiếp cận một số thương hiệu thời trang quốc tế, để tăng số lượng sản phẩm trong mảng kinh doanh mới.

Trong năm nay có thể có thêm các hợp tác quốc tế mới, chưa công bố chi tiết bởi còn cam kết thông tin. Dự kiến cuối quý II và đầu quý 3 sẽ giới thiệu các hợp tác quốc tế về ngành hàng nam trang và thời trang. Công ty đã ký hợp đồng phân phối cho nhãn hàng cao cấp nam của Italia.  

Trước biến động khó lường của giá vàng thì có các công cụ xử lý nào? Có phát triển dòng trang sức khác để không phụ thuộc vàng không?

CEO: Hiện tại thị trường không có công cụ phái sinh, không có câu chuyện mua vàng theo giá tương lai. Để quản trị rủi ro đó thì  PNJ phải cân đối dòng vào và dòng ra, nghĩa là lượng hàng bán ra và mua vào nguyên liệu.

Chúng ta không sẽ giới hạn mức độ bị ảnh hưởng của giá vàng lên xuống thông qua tổng lượng tồn kho và giá trung bình tồn kho, đây là bài toán cân đối rất kỹ lưỡng. 

Công ty không bán theo giá cố định hoàn toàn, mà khi giá lên cũng sẽ điều chỉnh giá, nếu vượt qua mức chịu đựng thì điều chỉnh giá để bảo vệ khách hàng. Chúng tôi không phải nhà đầu cơ, chúng tôi tập trung vào trang sức, chúng tôi bán giá trị gia công thiết kế, trải nghiệm cho khách hàng. 

Dòng trang sức accessories (phụ kiện thời trang) đã phát triển từ 2020-2021 với thương hiệu Style by PNJ, hàm lượng thiết kế và thời trang trong sản phẩm cao hơn, không thuần túy mang hàm lượng vàng đầu vào, có tập khách hàng khác nhau.

Chúng tôi ghi nhận tốc độ tăng trưởng accessories tốt bởi không ảnh hưởng bởi giá vàng, tại thời điểm này sẽ đẩy mạnh nhiều hơn, tuy nhiên giá trị của hàng accessories thấp hơn nhiều.

Chủ tịch HĐQT: Cổ đông nên tự hào chúng ta là công ty đặc biệt trên thế giới, có hàng nghìn công nhân sản xuất tất cả các dòng sản phẩm, có đội ngũ nghệ nhân lành nghề và nhiều công nghệ. Hàng Style by PNJ vẫn tốt nhưng sản lượng nhỏ, người dân vẫn thích mua vàng hơn. 

 Chủ tịch PNJ nói người dân vẫn thích mua vàng hơn dòng accessories. Ảnh: Huy Lê. 

Lượng dự trữ của PNJ còn bao lâu? 

CEO: Con số tồn kho không cố định, nếu vàng ổn định thì nguyên liệu ổn định. Chúng ta phải quản lý giá trị, có những giai đoạn biến động quá lớn chúng tôi giảm giá trị tồn kho lại, còn thị trường bình ổn thì có thể mở rộng.

Trong điều kiện năm nay cần nguyên liệu thì quy trình phải dài hơn, phải mua lại trang sức cũ để tái chế, nên sẽ tốn chi phí mất mát để có được nguồn nguyên liệu. Tồn kho tăng lên vì hành trình dài hơn bởi phải đi mua tái chế rồi sản xuất, làm chuỗi giá trị kéo dài hơn, nên chúng tôi phải quản lý chặt chẽ hơn.

Về biên lợi nhuận, nếu chỉ từ nguyên liệu đến thành phẩm thì quy trình ngắn hơn sẽ tốt hơn, còn như năm nay phải thu mua nhiều thì chi phí sẽ bị tăng lên, có ảnh hưởng đến margin và chi phí trong tồn kho.

Chủ tịch: Điều tiết tồn kho phụ thuộc vào độ nhạy cảm của người kinh doanh, đây là một kỹ năng và bí kiếp, để đảm bảo được sản xuất kinh doanh. Trong thời gian này chúng tôi rất căng để quyết định mua lúc nào, mua bao nhiêu.

Cổ phiếu quỹ sẽ trong giá bao nhiêu sẽ hành động? 

CEO: Chúng tôi trình việc mua cổ phiếu quỹ để bảo vệ giá trị cổ đông, chỉ thực hiện khi giá trị cổ phiếu xuống mức mà chúng tôi nghĩ sẽ làm mất giá trị cổ đông và phụ thuộc tâm lý thị trường, nhằm bảo vệ giá trị cổ đông trước tâm lý thị trường.

Việc bổ sung tờ trình này để tránh việc không có công cụ khi cần thiết phải can thiệp vào giá cổ phiếu, không kịp phản ứng trước diễn biến giá nhanh. Đó là một phương án phòng thủ hơn là phương án triển khai.

Lượng vàng sản xuất bao nhiêu, lượng tồn kho bao nhiêu cho sản xuất. Mảng kinh doanh mới sẽ theo thương hiệu bên nào?

CEO: Dữ trữ nguyên liệu vàng không thể quá nhiều, chúng tôi không muốn dính vào rủi ro trượt giá quá nhiều, chỉ dự trữ nằm trong biên độ quản trị rủi ro cho phép, đó là lý do ngành này phức tạp.

Về mảng mới sẽ có  các sản phẩm mỹ thuật, Mancode, hợp tác quốc tế đồng thương hiệu, một số sản phẩm nhận kinh doanh trên thương hiệu đối tác quốc tế... sẽ mở ra nhiều cơ chế và phương thức hợp tác khác nhau.

Chúng tôi định hướng chuyển đổi từ công ty trang sức sang công ty lifestyle. Với các hợp tác gần sản phẩm lõi PNJ thì có thể phát triển, trong khi các hợp tác xa rời sản phẩm lõi thế mạnh của chúng tôi sẽ tạo ra sự không phù hợp. Chúng tôi hợp tác các mảng mới với chiến lược riêng, tùy theo đặc điểm ngành hàng để mở rộng khác nhau.

 

Huy Lê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 26/04/2025 16:10
ĐHĐCĐ MWG: Bách Hóa Xanh có giấc mơ 10 tỷ USD, ông Nguyễn Đức Tài sẽ không rút lui đột ngột

Tập đoàn bán lẻ này đề ra mục tiêu cao với doanh thu thuần là 150.000 tỷ, lãi sau thuế 4.850 tỷ đồng; tăng lần lượt 12% và 30% so với năm 2024.

Tài chính Doanh nghiệp 26/04/2025 15:20
Lãnh đạo Long Hậu: 22% doanh nghiệp thuê đất đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan

Có khoảng 22% doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Long Hậu đang bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan, trong đó có khoảng 12% doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và 10% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp qua chuỗi cung ứng.

Tài chính Doanh nghiệp 26/04/2025 12:09
ĐHĐCĐ Nam Long: Mục tiêu doanh số bán hàng vượt 14.600 tỷ, sẽ có đối tác vào dự án Izumi với tỷ lệ sở hữu 15%

Ngoài các chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch bán hàng, Nam Long dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động hơn 2.500 tỷ. Trong trường hợp phát hành thành công, công ty sẽ chia cổ tức 2025 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (tương đương gần 243 tỷ đồng).

Tài chính Doanh nghiệp 26/04/2025 11:29
ĐHĐCĐ Lizen: Có thể được thưởng 100 tỷ đồng từ dự án Vân Phong - Nha Trang, quan tâm thêm mảng khu công nghiệp

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, Công ty cổ phần Lizen (Mã: LCG) trình kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng tái tạo, đồng thời duy trì mức cổ tức 7% bằng cổ phiếu. Ban lãnh đạo ước tính có thể được thưởng 100 tỷ đồng từ việc hoàn thành vượt tiến độ dự án Vân Phong - Nha Trang.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO