Kinh tế Quốc tế 15/10/2024 16:23

Ông Trump doạ đánh thuế mọi hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, những mặt hàng nào của Việt Nam chịu rủi ro?

Nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thuế quan sẽ một lần nữa giữ vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự của ông.

 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự buổi vận động cử tri tại Pennsylvania, ngày 23/9. (Ảnh: Reuters).

“Quý ngài thuế quan”

Trong lịch sử nước Mỹ, có lẽ không một chính trị gia nào yêu thích thuế quan như ông Donald Trump, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà năm nay.

Trong bài phát biểu tại toà thị chính thành phố Warren (bang Michigan) cách đây hai tuần, ông tuyên bố với đám đông người ủng hộ: “Thuế quan là thứ tuyệt vời nhất từng được phát minh”.

Theo một phân tích của viện chính sách Tax Foundation, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã áp thuế quan lên khoảng 380 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ.

Hàng nghìn sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ quần áo, xe đạp cho đến tivi và giày thể thao, phải chịu thuế đến hai chữ số. Ngoài ra, ông Trump còn nhắm vào thép, nhôm, máy giặt và tấm pin mặt trời của các nước khác.

Giờ đây, người đàn ông 78 tuổi đang cân nhắc nâng mức thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc lên 60% hoặc cao hơn. Ông cũng liên tục đề cập đến mức thuế quan chung lên đến 20% cho hàng nhập khẩu từ tất cả các nước khác.

“Cuối cùng thì sau 75 năm, các quốc gia khác sẽ trả ơn chúng ta vì tất cả những gì chúng ta đã làm cho thế giới”, ông Trump gợi nhắc trong cuộc tranh luận tổng thống duy nhất với ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris.

Ông cũng đề xuất sử dụng thuế quan như một công cụ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Để chính sách thêm hiệu quả, nhiều khả năng ông Trump sẽ sử dụng kết hợp thuế quan với việc cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Trong khi bà Harris nêu kế hoạch tăng thuế suất doanh nghiệp từ 21% lên 28%, ông Trump kêu gọi giảm thuế xuống 15%.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh ưu đãi sẽ chỉ dành cho các công ty sản xuất tại Mỹ, còn những doanh nghiệp thuê sản xuất ngoài, chuyển dây chuyền ra nước ngoài hoặc không sử dụng lao động Mỹ thì không đủ điều kiện.

Trong bài phát biểu tại Michigan, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà bày tỏ: “Nếu bạn không sản xuất sản phẩm ở đây, thì bạn sẽ phải trả thuế doanh nghiệp hoặc đóng thuế quan khi đưa hàng hoá vào Mỹ”.

 

Về lý thuyết, các đề xuất của ông Trump nghe có vẻ hấp dẫn. Song, thực tế cho thấy mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Lịch sử cho thấy thuế quan hiếm khi tác động tích cực đến việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Ngược lại, áp đặt thuế quan bừa bãi có nguy cơ làm đảo lộn hoạt động thương mại toàn cầu và gây hại cho chính người tiêu dùng Mỹ.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson lo ngại rằng kế hoạch áp thuế của ông Trump sẽ không còn giới hạn Mỹ trong cuộc thương chiến với Trung Quốc nữa mà sẽ trở thành cuộc chiến chống lại chính hệ thống thương mại.

Đã đến lúc chúng ta nên nhớ lại một phần lịch sử bị lãng quên của nước Mỹ: cuộc chiến thương mại toàn cầu trong thời kỳ Đại Khủng hoảng.

Năm 1930, Tổng thống Herbert Hoover đã thông qua Đạo luật Thuế quan (hay Đạo luật Smoot-Hawley). Dựa theo đạo luật này, Mỹ đã tăng thuế lên gần 900 mặt hàng nhập khẩu từ đường đến trứng. Thuế quan tăng 15 - 20% lên trung bình khoảng 47%.

Động thái này ngay lập tức khiến hàng chục quốc gia, bao gồm cả các đối tác thương mại lớn của Mỹ là Anh, Canada và Mexico, tung đòn trả đũa. Các nhà kinh tế đồng tình rằng thuế quan đã góp phần làm sâu sắc thêm Đại Khủng hoảng, kéo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên mức kỷ lục 25%.

 

Thuế quan là thứ tuyệt vời nhất từng được phát minh

Ông Donald Trump, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà, tuyên bố.

Lần này ai vào tầm ngắm?

So với gần một thế kỷ trước, danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đã có nhiều xáo trộn. Vậy, nếu Trump quay trở lại Nhà Trắng và áp đặt thuế quan phổ quát như ông đe doạ, những thị trường nào sẽ chịu ảnh hưởng?

Tại các sự kiện vận động tranh cử kể từ đầu tháng 9, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà đã đưa ra một vài gợi ý.

Ở cuộc mít tinh tại bang Wisconsin, ông Trump tuyên bố: “Tôi sẽ tăng thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc và tất cả các nước ở châu Á cũng như trên toàn thế giới, bao gồm cả Liên minh châu Âu”.

Sau đó, phát biểu tại thành phố Savannah (bang Georgia), ông hứa hẹn: “Bạn sẽ thấy một cuộc di cư hàng loạt của ngành sản xuất từ Trung Quốc đến Pennsylvania, từ Hàn Quốc đến North Carolina, từ Đức đến Georgie này”.

“Tôi muốn các công ty ô tô của Đức trở thành công ty ô tô của Mỹ, tôi muốn họ xây nhà máy của mình ở đây”, ông nói thêm.

Chúng ta có thể thấy cùng với đối thủ Trung Quốc, các đồng minh và đối tác hàng đầu của Mỹ tại châu Á cũng như châu Âu đều có thể vào tầm ngắm của ông Trump.

 

Với mức thặng dư thương mại lớn nhất trong tất cả các đối tác của Mỹ và mối quan hệ căng thẳng với Washington, Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro đáng kể. Như đã đề cập phía trên, ông Trump dự tính áp thuế từ 60% trở lên đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đương kim Tổng thống Joe Biden áp dụng chiến lược có chọn lọc hơn, bao gồm việc áp thuế quan 100% lên xe điện và 50% đối với chip bán dẫn Trung Quốc kể từ năm 2025, các chính sách của ông Trump sẽ có phạm vi rộng hơn.

Theo một phân tích của tờ Economist, các chính sách của ông Biden chỉ ảnh hưởng khoảng 18 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, còn kế hoạch đánh thuế của ông Trump sẽ tác động đến khoảng 427 tỷ USD hàng nhập khẩu từ quốc gia tỷ dân.

Mexico - nước xuất khẩu hàng hoá lớn nhất sang Mỹ - cũng là một đối tác có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề bởi các đề xuất thuế quan của ông Trump. Trong 8 tháng đầu năm nay, Mexico xuất khẩu tổng cộng 334,7 tỷ USD hàng hoá sang Mỹ.

Khi chuỗi cung ứng xích gần về Mỹ hơn, thặng dư thương mại hàng hoá của Mexico với nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng gần 40% kể từ năm 2020. Phần lớn hàng hoá mà Mexico xuất khẩu sang Mỹ là ô tô và các mặt hàng nhạy cảm khác như nhôm và thép.

Hiện tại, Mexico, Canada và Mỹ là thành viên của thoả thuận thương mại USMCA. Các hàng hoá đáp ứng điều khoản của thoả thuận được miễn thuế quan. Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, hiệp định này có thể bị xoá sổ khi ba bên đàm phán lại vào năm 2026.

Đức và Nhật Bản - lần lượt là nước xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 4 và thứ 5 sang Mỹ - có thể cũng đang bất an bởi cựu Tổng thống Trump từng nhắc đến việc áp thuế 100% đối với một số loại xe hơi nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cả Việt Nam và Ấn Độ đều chịu rủi ro cao do vai trò ngày càng lớn trong hoạt động thương mại với Mỹ. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Ngoài ra, cả hai đều có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

 

Các mặt hàng nào của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng?

Theo số liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt 94 tỷ USD - tăng khoảng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 85,8 tỷ USD hàng hoá, là thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 của Mỹ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu khoảng 8,2 tỷ USD hàng hoá từ Mỹ.

Qua đó, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng hoá khoảng 77,6 tỷ USD với nền kinh tế số một thế giới, đứng thứ ba trong danh sách sau Trung Quốc và Mexico.

Về các hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm, đứng đầu vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch của nhóm hàng này đạt 15,5 tỷ USD - tăng 50,8% so với cùng kỳ.

Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 13 tỷ USD - tăng 22,9% so với một năm trước. Xuất khẩu dệt may sang Mỹ cũng tăng gần 8%, đạt 10,8 tỷ USD.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm hàng khác cũng tăng mạnh ở mức hai con số như điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,3 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD; giày dép các loại đạt 5,6 tỷ USD,...

Nếu ông Trump xúc tiến kế hoạch áp thuế phổ quát lên hàng hoá của mọi quốc gia khác, các mặt hàng kể trên nhiều khả năng sẽ là những sản phẩm có nguy cơ rơi vào tầm ngắm.

 

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 15/10/2024 21:55
Nỗ lực đặc biệt giúp Nga giữ hàng trăm tỷ USD ngoài tầm với của phương Tây

Lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt vào năm 2022 đã hạn chế khả năng tiếp cận một số tài sản tài chính của Nga, nhưng dự trữ vàng của nước này thì nằm ngoài tầm với của lệnh cấm.

Kinh tế Quốc tế 15/10/2024 21:25
S&P Global: Nguy cơ vỡ nợ quốc gia tăng cao trong thập kỷ tới

S&P cảnh báo tình trạng vỡ nợ thường xuyên hơn trong thập kỷ tới trong bối cảnh các nước gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ ngoại tệ - do nợ công tăng và lãi suất vay cao hơn.

Kinh tế Quốc tế 15/10/2024 11:15
Lý do người Mỹ thống trị giải Nobel kinh tế

Việc đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học và chính sách thu hút nhân tài khiến Mỹ giành phần lớn giải Nobel kinh tế trong 56 năm qua.

Kinh tế Quốc tế 15/10/2024 09:53
Arab Saudi có thể gây khủng hoảng nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga chỉ bằng một động thái

Arab Saudi có thể tăng mạnh nguồn cung dầu thô trên thị trường để giành lại quyền kiểm sát giá cả, gây khó khăn cho Nga bởi nước này đang phụ thuộc vào nguồn thu từ năng lượng. Tình huống này có thể ảnh hưởng đến cả cuộc chiến ở Ukraine.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO