Kinh tế Quốc tế 07/11/2024 16:39

Ông Trump hứa sẽ chấm dứt chiến sự Ukraine nếu đắc cử, giờ phải làm thế nào?

Các cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề xuất nhiều phương án khác nhau về cuộc xung đột. Đa phần muốn "đóng băng" tiền tuyến như hiện tại và buộc Ukraine tạm ngừng nỗ lực gia nhập NATO.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images). 

Nhiều dấu hỏi

Ông Donald Trump từng hứa hẹn sẽ chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ngay trong ngày nhậm chức tổng thống Mỹ. Các cố vấn của ông Trump đã đưa ra hàng loạt đề xuất khác nhau - và nhiều khi mâu thuẫn với nhau - để đạt được mục đích đó.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump chỉ trích nặng nề cách Tổng thống Joe Biden xử lý xung đột, cảnh báo rằng cách làm của Washington dễ khiến chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ và cho phép Kiev hưởng hàng tỷ USD vũ khí của Mỹ một cách miễn phí.

Ông Trump tự tin mình có thể giải quyết cuộc chiến nhanh chóng và đưa cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán, nhưng chưa cho biết sẽ làm thế nào.

Trên đường tranh cử, ông từng nói: “Tôi không thể chia sẻ các kế hoạch vào lúc này, bởi nếu tiết lộ sớm thì chúng sẽ thành vô dụng”.

Các đồng minh của ông Trump nói với Wall Street Journal rằng thực chất vị tổng thống mới đắc cử chưa đồng ý với kế hoạch cụ thể nào, bao gồm khả năng thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi vào bàn đàm phán.

Các cố vấn có thể nêu ý tưởng, nhưng ông Trump là người duy nhất quyết định hướng xử lý các vấn đề ngoại giao nhạy cảm, rủi ro lớn.

Một cựu trợ lý Hội đồng An ninh Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump cho biết: “Ông Trump tự ra quyết định về các vấn đề an ninh quốc gia, đặc biệt là với vấn đề hệ trọng như Ukraine”.

Một số phương án

Ông Mike Pompeo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của ông Trump và hiện là ứng viên số một cho chức bộ trưởng quốc phòng, nhiều khả năng sẽ thúc đẩy một kế hoạch hòa bình có thể không thoả mãn tất cả các yêu cầu của Nga. 

Một số cố vấn khác, đặc biệt là ông Richard Grenell - ứng viên hàng đầu cho chức bộ trưởng ngoại giao hoặc cố vấn an ninh quốc gia - có thể ưu tiên cho mong muốn của ông Trump là chấm dứt chiến sự càng sớm càng tốt. Theo kịch bản này, Kiev có thể phải nhượng bộ rất nhiều.

Các đề xuất trên đều trái với chiến lược của ông Biden là cho phép Kiev quyết định khi nào bắt đầu đàm phán hòa bình. Thay vào đó, chúng có điểm chung là đều đề xuất “đóng băng” cuộc chiến ở trạng thái hiện tại (để mặc Nga chiếm giữ 20% lãnh thổ Ukraine) và buộc Ukraine tạm ngừng nỗ lực gia nhập NATO.

Một số cố vấn muốn Kiev hứa sẽ không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm. Đổi lại, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp đầy đủ vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga trong tương lai.

Theo kế hoạch trên, tiền tuyến sẽ giữ nguyên như hiện trạng, Nga và Ukraine sẽ chấp thuận một khu phi quân sự rộng gần 1.300 m. Lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ không bao gồm lính Mỹ hay nhân lực từ các tổ chức quốc tế do Mỹ tài trợ, ví dụ như Liên Hợp Quốc.

Một thành viên trong nhóm của ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ không điều người Mỹ đến duy trì hòa bình ở Ukraine. Và chúng tôi cũng sẽ không trả tiền cho việc đó. Hãy giao việc này cho người Ba Lan, Đức, Anh hoặc Pháp”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp mặt ông Trump tại New York hồi tháng 9/2024. (Ảnh: Zuma Press). 

Muôn vàn thách thức

Ông Trump có thể theo đuổi những chiến lược trên hoặc không. Nhưng chỉ riêng nỗ lực khởi động quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chứ chưa nói tới việc đi đến thỏa thuận.

Thứ nhất, Nga và Ukraine có mục tiêu chiến sự khác xa nhau và không có động lực để thay đổi chúng. Trong bối cảnh quân đội Nga tiến bước chậm mà chắc trên chiến trường Ukraine, Điện Kremlin gần như không bày tỏ ý muốn đàm phán mà ngược lại còn sẵn lòng leo thang xung đột.

Ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cảnh báo trên mạng xã hội X sau khi biết ông Trump thắng cử: “Mục tiêu của chiến lược quân sự đặc biệt vẫn giữ nguyên như cũ và Nga sẽ đạt được chúng”.

Một số đồng minh NATO của Mỹ cũng sẽ phản đối quyết liệt việc Kiev phải nhượng bộ, bởi họ coi cuộc chiến là mối đe dọa trực tiếp tới mình.

Bà Elina Valtonen, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, nhấn mạnh: “Không một cuộc đàm phán nào nên diễn ra nếu Ukraine không đồng ý và tự đặt ra điều kiện của riêng họ”.

Nhà lãnh đạo Ukraine có thể dễ bị ông Trump thuyết phục ngồi vào bàn đàm phán hơn so với ông Putin. Tuy nhiên, ông Zelensky sẽ phải đối mặt với sức ép lớn từ công chúng do người Ukraine coi động thái nhượng lãnh thổ là đầu hàng Moscow.

Một mặt, ông Trump khẳng định sự sống còn của Ukraine là điều quan trọng với Mỹ. Mặt khác, ông cũng thường xuyên chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine, khiến một số quan chức Kiev lo ngại Mỹ có thể ủng hộ kế hoạch hòa bình có lợi cho Nga.

Hôm 6/11, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã điện đàm với ông Trump và hai người đồng ý “duy trì đối thoại chặt chẽ và thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ và Ukraine”.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 07/11/2024 15:50
Nền kinh tế toàn cầu chuẩn bị cho 'cú sốc vĩ mô' hậu bầu cử Mỹ

Các quốc gia xuất khẩu của châu Âu, dẫn đầu là Đức, sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu ông Trump thắt chặt các hạn chế thương mại, trong khi đó, các nhà xuất khẩu châu Á phải chịu nhiều rào cản thương mại hơn.

Kinh tế Quốc tế 07/11/2024 15:01
Phác hoạ nền kinh tế Mỹ dưới thời đại Trump 2.0: Lợi, hại ra sao?

Ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một số chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump còn có mục đích sâu xa hơn.

Kinh tế Quốc tế 07/11/2024 09:55
Fed sắp giảm thêm lãi suất, nhưng điều quan trọng hơn là 4 câu hỏi dưới đây

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ sẽ khiến các nhà đầu tư chú ý tới câu hỏi "những yếu tố nào có thể ngăn Fed tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 12".

Kinh tế Quốc tế 07/11/2024 08:55
Tài chính xanh: Tiềm năng tại các thị trường mới nổi và thách thức từ khung pháp lý

Mặc dù được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hai con số trong vòng 10 năm tới, lĩnh vực tài chính xanh vẫn đối mặt với một loạt thách thức về pháp lý, rủi ro về tẩy xanh hay lợi nhuận thấp.