OPEC+ bơm thêm dầu thô: Ai sẽ là người mua và giá sẽ đi về đâu?

Sau quyết định của OPEC+ về việc tăng sản lượng dầu thô từ tháng 8, hai câu hỏi lớn đang được giới phân tích đặt ra: Ai sẽ là người mua lượng dầu bổ sung này và liệu nhóm có thực sự xuất khẩu hết số thùng dầu cam kết sẽ sản xuất?

Tại cuộc họp cuối tuần qua, OPEC+ đã đồng ý nâng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày trong tháng 8. Mức sản lượng này cao hơn so với mức tăng 411.000 thùng/ngày được duy trì trong ba tháng trước đó (tháng 5–7), và 138.000 thùng/ngày trong tháng 4.

Đợt tăng lần này chủ yếu đến từ tám thành viên gồm: Arab Saudi, Nga, UAE, Kuwait, Oman, Iraq, Kazakhstan và Algeria. Nếu được thực hiện đầy đủ, nhóm này sẽ gần như gỡ bỏ toàn bộ mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày được áp dụng từ năm ngoái nhằm hỗ trợ giá dầu.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, OPEC+ khẳng định quyết định tăng sản lượng được đưa ra dựa trên triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và các yếu tố thị trường tích cực hiện tại.

Tuy nhiên, theo Reuters, bức tranh thực tế không hoàn toàn tích cực như OPEC+ nhận định, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, vẫn còn khá yếu. Theo số liệu chính thức, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc chỉ tăng 0,3% trong 5 tháng đầu năm, đạt mức trung bình 11,1 triệu thùng/ngày.

Dự kiến con số này sẽ cải thiện nhẹ trong tháng 6, khi hãng nghiên cứu thị trường LSEG Oil Research ước tính nhập khẩu có thể đạt 11,96 triệu thùng/ngày, tăng so với con số 11,30 triệu thùng/ngày do hải quan Trung Quốc công bố cho cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu do các nhà máy lọc dầu tranh thủ mua hàng khi giá giảm, chứ không phải do nhu cầu tiêu thụ thực sự tăng. Các lô hàng giao tháng 6 phần lớn được đặt mua trong tháng 4 và đầu tháng 5 – thời điểm giá dầu Brent xuống mức thấp nhất trong 4 năm là 58,5 USD/thùng.

Không chỉ Trung Quốc, toàn bộ khu vực châu Á, vốn chiếm tới 60% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển, cũng tăng nhập khẩu trong tháng 6. LSEG ước tính tổng lượng dầu cập cảng châu Á đạt 28,65 triệu thùng/ngày trong tháng 6, cao nhất kể từ tháng 1/2023.

Tính chung nửa đầu năm 2025, lượng dầu về châu Á đạt trung bình 27,36 triệu thùng/ngày, tăng 620.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Con số này gần sát với dự báo của chính OPEC về tăng trưởng nhu cầu tại khu vực châu Á ngoài OECD trong năm nay.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu đà tăng nhập khẩu dầu thô tại châu Á có tiếp tục trong nửa cuối năm, hay chỉ là xu hướng nhất thời trong tháng 6. Diễn biến giá dầu sẽ đóng vai trò then chốt, bởi theo xu hướng trong quá khứ, khi giá tăng, các nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ thường có xu hướng cắt giảm mua vào và ưu tiên sử dụng hàng tồn kho.

Đợt tăng giá ngắn trong giữa tháng 6 sau xung đột tại Trung Đông có thể khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu trong tháng 8 và có thể cả tháng 9.

Nếu giá dầu không tiếp tục giảm, khả năng gia tăng nhập khẩu trong quý IV sẽ bị hạn chế. Khi đó, vai trò của OPEC+ sẽ trở thành yếu tố then chốt. Nếu nhóm này thực sự nâng sản lượng theo hạn ngạch và xuất khẩu đầy đủ, thị trường có thể dư cung, giá giảm và từ đó kích thích các nước tăng dự trữ.

Tuy vậy, hiện tại sản lượng thực tế vẫn đang thấp hơn hạn ngạch. Theo Reuters, 5 thành viên OPEC trong OPEC+ chỉ tăng sản lượng 267.000 thùng/ngày trong tháng 6, thấp hơn mức tăng 313.000 thùng/ngày được cho phép.

Yếu tố quyết định lớn sẽ nằm ở động thái của Arab Saudi, nước xuất khẩu chủ lực của OPEC+ và cũng là quốc gia sở hữu công suất dự phòng lớn nhất, với khả năng điều chỉnh sản lượng linh hoạt hơn bất kỳ thành viên nào khác trong nhóm.

Anh Tuấn
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá lúa gạo hôm nay 8/7: Tiếp tục biến động không đồng nhất

Giá lúa gạo hôm nay (8/7) tại thị trường trong nước tiếp tục diễn biến trái chiều giữa các chủng loại. Tại Hàn Quốc, giá gạo đã tăng hơn 13% so với mức trung bình theo mùa do tình trạng thiếu hụt nguồn cung, bắt nguồn từ sản lượng giảm trong năm ngoái.

Hiệp hội Thép Trung Quốc đề xuất đưa phế liệu thép vào danh mục tài nguyên chiến lược

Hiệp hội Thép Trung Quốc đề xuất đưa phế liệu thép vào danh mục tài nguyên chiến lược, nhằm thúc đẩy tái chế và phát triển ngành thép thân thiện môi trường.

Bảng giá vàng ngày 8/7: Vàng SJC trở lại mốc 121 triệu, nhẫn trơn và nữ trang tăng đến 600.000 đồng/lượng

Trưa 8/7, giá vàng trong nước đồng loạt phục hồi mạnh sau phiên điều chỉnh. Vàng miếng SJC bật tăng trở lại mốc 121 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn và nữ trang ghi nhận mức tăng ấn tượng, có nơi lên tới 600.000 đồng/lượng.

Trung Quốc đẩy mạnh tích trữ nickel

Trung Quốc đang gom lượng lớn nickel khi giá xuống thấp, vừa tận dụng cơ hội thị trường, vừa tăng cường dự trữ chiến lược cho các ngành công nghiệp chủ chốt như thép không gỉ và xe điện.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO