Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 ngày 20/1, giá dầu vẫn ở sát mức đỉnh ghi nhận hồi mùa hè năm ngoái. Nhưng đến đầu tháng 5, giá đã lao dốc gần 25%.
Có 2 nguyên nhân chính lý giải cho đà giảm của giá dầu. Đó là cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump đang kéo giảm tăng trưởng kinh tế, tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu và OPEC+ công bố mức tăng sản lượng cao hơn dự kiến cho tháng 5 và tháng 6.
Giá dầu thấp hơn có tác động đáng kể đến các quốc gia xuất khẩu dầu - vốn đang gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách với mức giá hiện tại và các quốc gia nhập khẩu - đang được hưởng lợi nhờ chi phí năng lượng thấp hơn.
Từ ngày 20/1 đến ngày 6/5, giá dầu giảm từ 80 USD/thùng xuống 62 USD/thùng, giá dầu WTI giảm từ 76 USD xuống 59 USD/thùng. Yếu tố nào khiến giá dầu giảm mạnh như vậy.
Yếu tố thứ nhất là thuế đối ứng mà chính quyền Tổng thống Trump công bố vào "Ngày giải phóng" hôm 2/4 đối với các đối tác thương mại và các mức thuế trả đũa sau đó của Trung Quốc. Những mức thuế suất này đã làm đảo lộn mọi dự báo về thương mại quốc tế và kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo công bố hôm 22/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 xuống 2,8% so với mức 3,3% đưa ra trong tháng 1.
Tăng trưởng kinh tế là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu dầu, do vậy, viễn cảnh kinh tế ảm đạm hơn tác động đến mức tiêu thụ dầu, nhiên liệu cho giao thông và năng lượng cho các ngành công nghiệp.
Các tổ chức có uy tín trên thế giới đều hạ dự báo về nhu cầu dầu trong năm 2025, trong đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) viện dẫn "viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang".
Mỹ và Trung Quốc đóng góp khoảng 1/2 mức giảm tăng trưởng, phần còn lại đến từ các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại.
Cuộc chiến thương mại cũng có thể ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất sản phẩm hóa dầu - nhựa, phân bón và sản phẩm khác từ dầu mỏ và khí tự nhiên. Theo IEA, các doanh nghiệp Trung Quốc - sử dụng nguồn cung dầu từ Mỹ - chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Yếu tố thứ 2 là việc OPEC+, liên minh sản xuất dầu mỏ do Arab Saudi và Nga dẫn đầu, quyết định tăng mạnh nguồn cung dầu.
Hồi tháng 4, Khối này tuyên bố sẽ tăng sản lượng tháng 5 thêm 411.000 thùng/ngày và trong phiên họp hôm 3/5 vừa qua, 8 quốc gia thành viên lại nhất trí tiếp tục tăng sản lượng tháng 6 thêm 411.000 thùng/ngày, nâng tổng mức tăng của 3 tháng 4, 5 và 6 lên 960.000 thùng/ngày. Mức tăng này cao hơn nhiều so với kế hoạch trước đó là tăng 137.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến tận tháng 9 năm nay.
Diễn biến giá dầu Brent và WTI từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức (Nguồn: ICE Futures Europe, NYMEX Exchange, Bloomberg, HT tổng hợp)
OPEC+ bác bỏ nhận định cho rằng quyết định tăng sản lượng của Khối là hưởng ứng yêu cầu hạ giá dầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuyên bố trên website, OPEC cho biết, quyết định tăng sản lượng được đưa ra dựa trên "các yếu tố cơ bản của thị trường tương đối tốt, thể hiện qua lượng dầu lưu kho đang ở mức thấp".
Bên cạnh đó, Khối này cũng cho biết, việc tăng sản lượng là nhằm cảnh báo các quốc gia thành viên khai thác vượt quá hạn mức cho phép, chủ yếu là Kazakhstan và Iraq. Theo số liệu của OPEC, cả 2 nước này đều khai thác vượt hạn ngạch ít nhất từ đầu năm 2024.
Cũng trong phiên họp hôm 3/5, Arab Saudi tiếp tục cảnh báo các thành viên không tuân thủ hạn ngạch. Nếu Iraq, Kazakhstan và một số nước khác không cải thiện việc tuân thủ và không cắt giảm bù lượng sản xuất dư thừa, OPEC+ có thể tiếp tục thông qua các đợt tăng sản lượng cho tháng 8, 9 và 10.
Trường hợp không có tiến triển, toàn bộ phần cắt giảm tự nguyện, khoảng 2,2 triệu thùng/ngày của 8 thành viên, sẽ được bãi bỏ vào tháng 11 tới đây.
Lập luận của OPEC+ là tăng cung và kéo giảm giá sẽ khiến các quốc gia thành viên không tuân thủ hạn ngạch khai thác hiểu rằng nếu không điều chỉnh, lợi ích chung của cả Khối sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Hoàng tử Abdulaziz bin Salman gọi động thái mới nhất của OPEC+ chỉ là "khai vị" cho những đợt tăng sản lượng tiếp theo nếu các thành viên vi phạm không cắt giảm sản lượng.
Giá dầu ở mức thấp là tin tốt lành đối với các quốc gia nhập khẩu, giúp giảm hóa đơn nhiên liệu và chi phí xăng dầu cho người sử dụng ô tô. Đối với một số quốc gia nhập khẩu, đồng USD - đồng tiền dùng trong giao dịch dầu thô - giảm giá cũng mang lại thêm lợi ích.
3 tháng sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, giá dầu Brent tính bằng USD giảm 16%, nhưng do đồng euro mạnh lên so với USD nên mức giảm khách hàng châu Âu được hưởng tăng lên 24%. Khách hàng tại Anh cũng được hưởng lợi tương tự.
Một số dấu hiệu cho thấy, giá dầu giảm đã giúp thúc đẩy tiêu dùng dù còn khiêm tốn. Một nhà phân phối dầu sưởi tại Đức cho biết, doanh số bán của hãng trong tháng 4 đạt mức kỷ lục nhờ giá dầu giảm khi các hộ gia đình tranh thủ đợt giảm giá này để đổ đầy bồn chứa sau mùa đông. Tại Mỹ, giá bán lẻ xăng cũng giảm về sát mốc 3 USD/gallon, giúp thúc đẩy nhu cầu trong mùa lái xe cao điểm mùa hè.
Tuy nhiên, tác động lên giá xăng dầu bán tại trạm xăng ở châu Âu và Anh ít rõ rệt hơn so với tại Mỹ, do thuế suất đối với doanh số bán lẻ nhiên liệu phần nào làm giảm tác động tích cực khi giá dầu giảm. Số liệu từ globalpetrolprices.com cho thấy, giá xăng tại Đức chỉ giảm 4% và tại Anh giảm 2% trong 3 tháng sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump.
Không chỉ nền kinh tế phát triển mà cả nền kinh tế mới nổi cũng đang được hưởng lợi nhờ giá dầu thấp. Ấn Độ có thể là ví dụ điển hình. Trong 3 năm qua, Ấn Độ đã trở thành khách hàng lớn của các nhà sản xuất dầu Nga khi giá dầu Nga ở mức thấp do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trên thực tế, Nga đã vượt qua các nhà cung cấp trước đây là Arab Saudi và Iraq để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ.
Trong khi nhập khẩu dầu thô rẻ tiếp tục bùng nổ, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cũng khá mạnh – mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ có sự chậm lại. Tháng trước, IMF đã hạ dự báo cho một số nền kinh tế châu Á, viện lý do cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ngay cả với điều chỉnh đó, tăng trưởng GDP của Ấn Độ vẫn được dự báo trên 6% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4. So với đó, IMF dự báo tăng trưởng của EU chỉ khoảng 0,2%. Dầu rẻ đồng nghĩa với tăng trưởng mạnh mẽ.
Ở chiều ngược lại, các nước xuất khẩu dầu đang phải gánh chịu tác động tiêu cực. Arab Saudi - vốn phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ - là ví dụ rõ rệt nhất.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Arab Saudi xuống còn 3% trong năm nay, thấp hơn so với mức 3,3% dự báo trước đó do giá dầu giảm.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các quốc gia xuất khẩu dầu ở Trung Đông xuống 2,3% từ mức 4% dự báo hồi tháng 10 năm ngoái.
IMF ước tính, Arab Saudi cần giá dầu ở mức trên 90 USD/thùng để cân đối ngân sách với mức sản lượng hiện tại, còn theo Bloomberg Economics, điểm hòa vốn của quốc gia này phải là 112 USD nếu tính cả mức chi cho quỹ phúc lợi. Tuy nhiên, 18 ngân hàng tham gia khảo sát của Bloomberg hồi tháng 4 đều đưa ra dự giá dầu Brent bình quân đạt 64-77 USD/thùng trong năm nay.
Goldman Sachs cảnh báo rằng thâm hụt ngân sách của Arab Saudi có thể tăng lên 67 tỷ USD trong năm nay nếu giá dầu bình quân chỉ đạt 62 USD/thùng.
Tất nhiên, Arab Saudi vẫn còn các lựa chọn khác để cân bằng ngân sách. Vương quốc này có thể cắt giảm chi tiêu hoặc vay nợ để tiếp tục cấp vốn cho các dự án đầy tham vọng nhằm phát triển nền kinh tế. Và Arab Saudi đã chọn cách thứ 2: nợ công của quốc gia này đã tăng lên mức kỷ lục trong quý I/2025 do tăng phát hành trái phiếu trên thị trường tư nhân.
Thông thường, giá dầu rẻ sẽ kích thích tiêu dùng, khuyến khích các quốc gia sản xuất tăng sản lượng để bù giá. Tuy nhiên, những bất ổn do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump đã làm giảm kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu, khiến các quốc gia sản xuất không thể trông chờ xuất khẩu dầu tăng lên khi giá giảm.
Giá thấp cũng gây khó khăn cho các nhà sản xuất dầu Mỹ và đe dọa mục tiêu "thống trị năng lượng" bằng việc tăng mạnh sản lượng nhiên liệu hóa thạch của Tổng thống Trump. Giá dầu WTI giảm xuống dưới 60 USD/thùng đã khiến tỷ phú dầu mỏ Bryan Sheffield thúc giục đồng nghiệp ngay lập tức giảm khai thác và "kiên trì chịu đựng cho đến khi cuộc chiến thuế quan kết thúc". Công ty dầu mỏ Dianmondback Energy Inc. dự báo sản lượng dầu Mỹ đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong những tháng tới.
Một số nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang giảm khai thác khi giá xuống thấp nhất nhiều năm qua và thuế suất cao đẩy tăng chi phí xây dựng.
Hoạt động khai thác giảm có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu Mỹ - quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Sản lượng dầu của Mỹ năm nay dự báo đạt kỷ lục 13,7 triệu thùng/ngày, trong đó dầu đá phiến chiếm 9,7 triệu thùng/ngày.
Số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ đã giảm khoảng 5% trong năm 2024 và 20% trong năm 2023 khi giá năng lượng ở mức thấp khiến các công ty dầu khí tập trung vào việc tăng lợi tức cổ đông và trả nợ thay vì tăng sản lượng.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiên, chính sách thuế của Mỹ gây áp lực lên tăng trưởng, nhiều tổ chức và định chế tài chính đã hạ dự báo giá dầu và nhu cầu dầu toàn cầu.
Mới đây nhất, hôm 4/5, ngân hàng Standard Chartered (StanChart) đã bất ngờ hạ dự báo giá dầu Brent năm 2025 xuống còn 61 USD/thùng, và năm 2026 xuống 78 USD/thùng, tương ứng giảm 16 USD và 7 USD/thùng so với trước đó.
Theo StanChart, chính sách thuế quan của Mỹ có thể dẫn đến suy thoái, nhất là sau khi Washington công bố báo cáo kinh tế đáng lo ngại vào hôm 30/4. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng một số quốc gia thành viên OPEC+ tuần thủ cam kết về sản lượng. Các nhà phân tích hàng hóa nhận thấy, đến nay Kazakhstan vẫn chưa có động thái cắt giảm sản lượng để bù đắp mức vượt hạn ngạch cho phép.
Một định chế tài chính khác là Barclays cũng hạ dự báo giá dầu Brent xuống 66 USD/thùng trong năm nay và 60 USD/thùng trong năm tới, lần lượt giảm 4 USD và 2 USD/thùng so với dự báo trước đó, chủ yếu do OPEC+ quyết định đẩy nhanh tiến độ tăng sản lượng.
Trong báo cáo công bố hôm 4/5, Barclays nhận định, những diễn biến liên quan đến thuế suất chắc chắc ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu, nhưng những quyết sách mới đây của OPEC+ cũng là nguyên nhân chính khiến giá dầu đi xuống.
Trước đó, hôm 28/4, Reuters đưa tin, Barclays nhấn mạnh 2 kịch bản tiềm năng: giá dầu Brent bình quân có thể đạt 75 USD/thùng nếu căng thẳng thương mại lắng dịu và lập trường của OPEC+ ôn hòa hơn; trái lại, giá dầu có thể chạm ngưỡng 50 USD/thùng trong một thời gian nếu nhu cầu yếu và OPEC+ vẫn giữ quan điểm như hiện nay.
Hôm 14/4, JP Morgan cũng hạ dự báo giá dầu thô năm 2025 và 2026 do sản lượng của OPEC+ tăng trong khi nhu cầu toàn cầu yếu đi. Reuters dẫn báo cáo của JP Morgan cho biết, giá dầu Brent năm 2025 dự báo sẽ đạt 66 USD/thùng và năm 2026 là 58 USD/thùng, tương ứng giảm so với 73 USD/thùng và 61 USD/thùng đưa ra trong dự báo trước đó. Giá dầu WTI cũng được dự báo giảm từ 69 USD/thùng xuống 62 USD/thùng trong năm nay và từ 57 USD/thùng xuống 53 USD/thùng năm 2026.
Goldman Sachs cũng hạ dự báo giá dầu thô trung bình năm nay và năm tới. Theo đó, giá dầu Brent năm 2025 giảm 5,5% xuống còn 69 USD/thùng và năm 2026 giảm 9% xuống 62 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI năm nay giảm 4,3% xuống còn 66 USD/thùng và năm 2026 giảm 6,3% xuống 59 USD/thùng.
Thậm chí, giá dầu Brent còn được dự báo giảm xuống mức 40 USD/thùng. Bloomberg dẫn Báo cáo “Giá dầu có thể xuống thấp đến mức nào?” của Goldman Sachs cho biết, ngân hàng này dự đoán giá dầu Brent có thể xuống dưới 40 USD/thùng vào cuối năm 2026 trong điều kiện “đặc biệt”, kể cả GDP toàn cầu tăng trưởng chậm lại cùng với việc OPEC+ tăng sản lượng.
Dự báo giá dầu của các tổ chức (Nguồn: Reuters, Bloomberg, HT tổng hợp)
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cảnh báo giá dầu có thể giảm thêm do kinh tế Trung Quốc giảm tốc đồng thời hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.
Bloomberg dẫn nhận định của Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết, giá dầu thô có khả năng tiếp tục đi xuống trong năm nay, khi tăng trưởng nhu cầu toàn cầu chững lại vì kinh tế Trung Quốc suy yếu, trong khi nguồn cung vẫn dồi dào.
Theo đó, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay đạt 730.000 thùng/ngày, giảm so với mức 1,03 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng trước. Mức giảm này cũng lớn hơn so với dự báo OPEC đưa ra hôm 14/4 và ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2020. Viễn cảnh kinh tế toàn cầu xấu đi trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang là lý do chính khiến IEA phải hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay, với gần 1/2 mức sụt giảm là tại Mỹ và Trung Quốc, phần còn lại chủ yếu tại các nền kinh tế châu Á.
Hồi đầu tháng 4, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thô cũng như giá dầu trong năm nay và năm tới, chủ yếu do thị trường năng lượng bất ổn khi nguồn cung tăng và kinh tế toàn cầu có nguy cơ tăng trưởng chậm lại.
Bloomberg dẫn Báo cáo “Viễn cảnh Năng lượng trong ngắn hạn” của EIA công bố hôm 10/4 cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu năm nay được dự đoán tăng thêm khoảng 900.000 thùng/ngày lên 103,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn 400.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng trước. EIA cũng dự báo nhu cầu dầu năm 2026 tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với 1,2 triệu thùng/ngày trong báo cáo trước đó.
EIA dự đoán giá dầu Brent trong năm nay bình quân đạt 67,87 USD/thùng và năm 2026 đạt 61,48 USD/thùng, tương ứng thấp hơn đáng kể so với 74,22 USD/thùng và 68,47 USD/thùng đưa ra trong dự báo trước đó.
Từ ngày 10/5, mỗi kWh điện có giá hơn 2.204,7 đồng áp dụng, theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần khẩn trương gỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa cho các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của Mỹ, đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có điều kiện gia tăng giao thương với thị trường này.
Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã giảm trong tháng 4 sau khi chính phủ nước này siết chặt quy định cấp phép nhằm kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng cho Mỹ.
Giá sầu riêng hôm nay phổ biến ở 50.000 - 53.000 đồng/kg đối với loại A, trong khi loại C và D chỉ từ 25.000 - 28.000 đồng/kg.