Tài chính Doanh nghiệp 22/10/2024 21:26

PAN Group vay hơn 12.000 tỷ cuối quý III

Tổng dư nợ vay cuối kỳ của PAN là 12.458 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ sau một quý song tăng 39% so với đầu năm và chủ yếu là vay ngắn hạn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của CTCP Tập đoàn PAN (Mã: PAN) ghi nhận doanh thu thuần 5.084 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.

Các chi phí (bán hàng, tài chính) đều gia tăng so với cùng kỳ. Song nhờ giá vốn được kiểm soát và đặc biệt là lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng vọt lên từ 2 tỷ cùng kỳ lên 147 tỷ giúp tập đoàn báo lãi sau thuế tăng 78% lên 344 tỷ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 89% lên 187 tỷ đồng.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Mảng thủy sản đóng góp 59%, nông nghiệp chiếm 28% và thực phẩm đóng gói góp 13% vào doanh thu quý.

Doanh thu lĩnh vực nông nghiệp tăng 20% khi mảng nông dược tăng 19%, mảng giống và lương thực tăng 17% cộng với việc hợp nhất thêm doanh thu của công ty Atani (công ty con mới của PAN Farm).

Lợi nhuận trước thuế lĩnh vực này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 263 tỷ đồng, với đóng góp của mảng giống cây trồng và gạo 39 tỷ (tăng 24,5% so với cùng kỳ) và mảng nông dược, khử trùng 205 tỷ (tăng 146%).

Tập đoàn cho hay mảng nông dược và khử trùng tiếp tục có tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi khi lợi nhuận sau thuế quý III tăng 36% so với cùng kỳ. Ngoài ra, VFC còn ghi nhận thêm lợi nhuận từ việc giải quyết xong tranh chấp về hợp đồng liên doanh tại Công ty TNHH Hải Yến (theo quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa).

Còn thuỷ sản là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng doanh thu khi tăng 56% so với cùng kỳ, do sự hồi phục trong đơn hàng xuất khẩu của mảng tôm và cá tra trong quý III. Mức tăng trưởng này tới nhiều hơn từ sản lượng trong khi giá bán cải thiện chậm hơn.

Lợi nhuận lĩnh vực thủy sản quý III tăng trưởng ở mức 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá bán phục hồi chậm, thêm vào đó các đơn hàng xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ phải đóng thuế dự phòng cho hai vụ kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá đang trong quá trình xem xét, điều tra. 

 Ảnh: PAN Group.

Doanh thu lĩnh vực thực phẩm đóng gói tăng trưởng hơn 12%, tương đồng với mức tăng trưởng tại các mảng kinh doanh chủ yếu: bánh kẹo (tăng 12%); hạt và snacks (tăng 13%) trong khi mảng nước mắm tăng trưởng một con số. Mảng cà phê đạt doanh số gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, tuy nhiên còn ở quy mô nhỏ so với mặt bằng chung.

Lợi nhuận trước thuế lĩnh vực thực phẩm tăng 48% so với cùng kỳ, đạt 65 tỷ, trong đó bánh kẹo tăng trưởng 31%, cao hơn so với mức tăng doanh thu 12% do việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm, tập trung kinh doanh các sản phẩm bánh tươi, kẹo dẻo có biên lợi nhuận tốt, cũng như kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào.

Trong khi đó mảng hạt và trái cây sấy đạt 17 tỷ lợi nhuận trước thuế trong quý III (tăng 146%) khi tận dụng được lợi thế hàng tồn kho giá thấp tích trữ từ trước để sản xuất.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của PAN đạt 11.917 tỷ và lãi ròng 363 tỷ, tương đương với mức tăng trưởng 32% và 81% so với ba quý đầu năm ngoái.

Với kết quả này, sau 9 tháng, tập đoàn đã hoàn thành 81% kế hoạch cả doanh thu và lợi nhuận ròng năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý III.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm hơn 4.000 tỷ

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối quý III của PAN đạt 23.710 tỷ đồng. Tập đoàn nắm giữ khoảng 1.208 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng cùng hơn 1.100 tỷ đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (không được thuyết minh chi tiết).

Ngoài ra, PAN còn có khoản chứng khoán kinh doanh 10.576 tỷ đồng tại ngày 30/9, tăng 58% so với đầu năm song không đổi so với cuối quý II. Theo thuyết minh báo cáo kiểm toán bán niên, đây là khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và không quá 12 tháng tại các ngân hàng thương mại với mức lãi suất từ 4% đến 4,36%/năm. Đồng thời toàn bộ chứng chỉ tiền gửi được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Tổng dư nợ vay cuối kỳ của tập đoàn là 12.458 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ sau một quý song tăng 39% so với đầu năm và chủ yếu là vay ngắn hạn.

Khoản nợ vay của PAN chiếm khoảng 53% nguồn vốn và gấp 1,43 lần vốn chủ sở hữu. 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp thu từ đi vay 15.079 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 11.603 tỷ. Chi phí lãi vay ba quý là 268 tỷ đồng. 

 Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu Wichart, căn cứ báo cáo tài chính.

Về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 4.177 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, cùng kỳ âm 5.829 tỷ do tăng mạnh nguồn tiền chi mua chứng khoán kinh doanh.

Hoàng Kiều
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 22/10/2024 18:39
Sợi Thế Kỷ lãi gấp gần 5 lần so với cùng kỳ

Dù doanh thu sụt giảm nhưng lợi nhuận Sợi Thế Kỷ vẫn tăng trưởng trong quý III, chủ yếu nhờ khoản hoàn nhập chênh lệch tỷ giá.

Tài chính Doanh nghiệp 22/10/2024 17:05
Cập nhật KQKD quý III: Nhiều doanh nghiệp đầu ngành báo lãi giảm sâu so với cùng kỳ

Tính tới chiều 22/10, theo dữ liệu từ Wichart đã có hơn 300 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý III. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý III.

Tài chính Doanh nghiệp 22/10/2024 16:25
Nhiều doanh nghiệp đã 'về đích' lợi nhuận năm sau ba quý

Dù mới đi qua 3/4 chặng đường của năm 2024 nhưng nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch năm đặt ra nhờ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực hoặc đến từ nguồn thu thanh lý, chuyển nhượng tài sản.

Tài chính Doanh nghiệp 22/10/2024 16:04
Hóa chất Đức Giang gửi thêm gần 1.400 tỷ đồng vào ngân hàng

Tập đoàn này đã hoàn thành 73% chỉ tiêu doanh thu và gần 74% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3 quý kinh doanh.