6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (mới) ước đạt 10,09%, xếp thứ 6/34 tỉnh thành sau sáp nhập, thông tin từ Chi cục Thống kê tỉnh Phú Thọ.
Xét theo các địa phương cũ, GRDP của tỉnh Phú Thọ (cũ) tăng 10,33%, xếp thứ 9/63 tỉnh thành; tỉnh Vĩnh Phúc tăng 10,07%, xếp thứ 10/63; tỉnh Hoà Bình tăng 9,72%, xếp thứ 13/63.
Trong mức tăng trưởng GRDP chung của tỉnh Phú Thọ mới, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định, ước tăng 3,26% so với cùng kỳ, đóng góp 0,39 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò động lực chính thúc đẩy kinh tế toàn vùng, ước tăng 15,32%, đóng góp 7,04 điểm %; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tăng 8,2%, đóng góp 2,3 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,54%, đóng góp 0,35 điểm %.
Theo giá hiện hành, quy mô GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh Phú Thọ (mới) ước đạt 186.400 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế trong GRDP theo hướng tập trung phần lớn ở khu vực công nghiệp – xây dựng với tỷ lệ 46,58%; khu vực dịch vụ chiếm 29,45%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,87% tổng GRDP chung toàn tỉnh.
Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Phú Thọ).
Xét theo cơ cấu đóng góp GRDP từ các đơn vị hành chính cũ, tỉnh Vĩnh Phúc chiếm tỷ trọng cao nhất với 48,52%, tiếp đến là tỉnh Phú Thọ cũ với 31,4% và tỉnh Hoà Bình chiếm 20,08% GRDP toàn tỉnh mới.
Nửa đầu năm nay, ngành công nghiệp của tỉnh Phú Thọ duy trì tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 16,23%, đóng góp 6,41 điểm % vào tăng trưởng GRDP chung. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc đóng góp cao nhất với 3,76 điểm %, tiếp đến là Phú Thọ cũ đóng góp 1,81 điểm% và Hoà Bình đóng góp 0,84 điểm %. Chi cục Thống kê Phú Thọ đánh giá chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm nay.
Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận mức tăng 18,98%, chủ yếu nhờ các ngành trọng điểm như linh kiện điện tử, ô tô, xe máy, sản phẩm kim loại và vật liệu xây dựng.
Tỉnh Phú Thọ cũ đạt mức tăng trưởng cao 45,45%, nhờ sự mở rộng sản xuất của một số ngành như chế biến gỗ, sản phẩm tre nứa, in và sao chép bản ghi, điện tử, máy tính, quang học...
IIP tỉnh Hoà Bình tăng 15,29%, trong đó khai khoáng tăng 29,46% nhờ nhu cầu đá xây dựng cao; sản xuất và phân phối điện tăng 21,16% nhờ thủy điện Hoà Bình; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,38%, tập trung vào các sản phẩm như gỗ, cao su - plastic, dệt may, giường tủ, bàn ghế.
Theo đánh giá của Chi cục Thống kê Phú Thọ, 6 tháng đầu năm nay, môi trường đầu tư tại tỉnh tiếp tục được cải thiện. Tỉnh đã thu hút hơn 469 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và 43.198 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI).
Về vốn đầu tư FDI, tỉnh Phú Thọ cũ thu hút 56 triệu USD, Vĩnh Phúc thu hút 410 triệu USD và Hoà Bình thu hút 2,7 triệu USD. Đối với vốn đầu tư DDI, Phú Thọ cũ thu hút 1.192 tỷ đồng, Vĩnh Phúc thu hút gần 4.000 tỷ đồng và Hoà Bình thu hút 38.006 tỷ đồng.
Chi cục Thống kê Phú Thọ nhận định môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện rõ nét, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp mới thành lập sau sáp nhập, các trung tâm dịch vụ hành chính công đã được đồng bộ hoá thủ tục, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và pháp lý đầu tư.
Trong nửa đầu năm 2025, toàn tỉnh có 1.878 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 17.400 tỷ đồng và có 818 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất.
Luỹ kế 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 94.150 tỷ đồng, tăng 14,47% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tại tỉnh Phú Thọ (mới) trong 6 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Phú Thọ).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá chiếm tỷ trọng lớn nhất với 73.216 tỷ đồng, tăng 15,31%. Xét theo địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đạt cao nhất với 34.908 tỷ đồng, tăng 14,34% so với cùng kỳ; tiếp theo là tỉnh Phú Thọ cũ với 25.519 tỷ đồng, tăng 11,05% và tỉnh Hoà Bình đạt 12.789 tỷ đồng, tăng 28,1%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống toàn tỉnh đạt khoảng 9.497 tỷ đồng, tăng 19,32%, chủ yếu nhờ các hoạt động du lịch nội địa phục hồi mạnh trong các dịp nghỉ lễ. Trong đó, Vĩnh Phúc đạt 3.816 tỷ đồng, tăng 21,59%; Phú Thọ cũ đạt 3.295 tỷ đồng, tăng 13,19%; Hoà Bình đạt 2.387 tỷ đồng, tăng 24,96%.
Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 378 tỷ đồng, tăng 10,66%. Trong đó, Phú Thọ cũ đạt 170 tỷ đồng, Vĩnh Phúc đạt 208 tỷ đồng.
Các dịch vụ khác đạt 11.060 tỷ đồng, tăng 5,78%. Trong đó, Vĩnh Phúc đạt 5.105 tỷ đồng, tăng 16,01%; Phú Thọ cũ đạt 2.649 tỷ đồng, tăng 21,17%; Hoà Bình đạt 3.305 tỷ đồng, giảm 14,57%.
Theo báo cáo, mặt bằng giá tiêu dùng toàn tỉnh Phú Thọ (mới) 6 tháng đầu năm được giữ ổn định. Tại Phú Thọ cũ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,33%, tập trung chủ yếu vào các nhóm: thực phẩm, dịch vụ giáo dục và giao thông do giá lương thực, học phí và xăng dầu có xu hướng tăng nhẹ. Giá gas, vật liệu xây dựng trong nước biến động nhưng trong tầm kiểm soát.
Tại Vĩnh Phúc, CPI bình quân tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giao thông và giáo dục là những nhóm có mức tăng cao. Trong khi đó, một số nhóm như bưu chính viễn thông và nhà ở có mức biến động thấp.
Tại Hoà Bình, CPI bình quân 6 tháng tăng 1,38% so với cùng kỳ, trong đó nhóm thực phẩm, đồ uống và thuốc, dịch vụ y tế có mức tăng nhẹ. Các nhóm khác giữ ổn định hoặc có xu hướng giảm như giao thông và bưu chính viễn thông.
Sau khi sáp nhập, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt gần 31.700 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 78% dự toán.
Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc thu ngân sách đạt trên 19.000 tỷ đồng, bằng 70% dự toán; tỉnh Phú Thọ cũ đạt trên 8.500 tỷ đồng, vượt dự toán 9%; tỉnh Hoà Bình đạt trên 4.100 tỷ đồng, bằng 74% dự toán.
Đóng góp của các địa phương cũ trong tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm của tỉnh Phú Thọ (mới). (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Phú Thọ).
Chi cục Thống kê đánh giá hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (mới) nửa đầu năm diễn ra ổn định, huy động vốn và cho vay tiếp tục tăng trưởng, mặt bằng lãi suất giảm nhẹ, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp.
Tại Phú Thọ cũ, tổng nguồn vốn huy động đến ngày 30/6 đạt 110.120 tỷ đồng, tăng 10,% so với cuối năm 2024. Tổng dư nợ cho vay đạt 127.464 tỷ đồng, tăng 10,3%, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm hơn 64%. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,82% tổng dư nợ.
Tại Vĩnh Phúc, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 149.667 tỷ đồng, tăng 6,8%, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng lớn. Tổng dư nợ cho vay đạt 154.593 tỷ đồng, tăng 7,6%, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn và tập trung vào khu vực hộ gia đình, tư nhân. Tỷ lệ nợ xấu ước chiếm 0,48%.
Tại Hoà Bình, các tổ chức tín dụng chú trọng triển khai tín dụng theo hướng ưu tiên, kiểm soát chất lượng khoản vay. Tổng vốn huy động đạt 47.594 tỷ đồng, tăng 4,4%. Tổng dư nợ cho vay đạt 41.804 tỷ đồng, tăng 5,3% và nợ xấu ở mức thấp, dưới 2% tổng dư nợ.
Nhiều người nổi tiếng bán hàng trên mạng xã hội chủ động kê khai, khắc phục nộp vào ngân sách trên 40 tỷ đồng, theo Phó trưởng Thuế TP Hà Nội.
Chiều 10/7, tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027.
Khu thương mại tự do hơn 8.200ha với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD được kỳ vọng sẽ "cất cánh" cùng sân bay Long Thành và cảng Phước An, mở không gian phát triển logistics và kinh tế số cho Đồng Nai.
Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 18, làm cơ sở sửa Luật Đất đai 2024 nhằm khắc phục bất cập về thu hồi đất, tài chính đất đai, kiểm soát giá đất, theo Thủ tướng.