Sau bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố (chiếm khoảng 41% GDP của cả nước và 40% dân số của cả nước) trong hai tuần đầu tháng 9 đã để lại những hậu quả nặng nề cho kinh tế Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý III có thể giảm 0,35 điểm %, quý IV giảm 0,22 điểm % và cả năm giảm 0,15 điểm % so với kịch bản không có bão Yagi.
Tuy vậy, trước khi có số liệu chính thức quý III, nhiều tổ chức quốc tế thay đổi dự báo GDP của Việt Nam so với trước đó.
Sau đợt tham vấn định kỳ kết thúc vào cuối tháng 8, mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5% trong năm 2023 bất chấp nhiều thách thức, nhờ các chính sách quyết liệt của Chính phủ.
Từ đó đến nay, tăng trưởng bắt đầu phục hồi nhờ xuất khẩu và du lịch, cũng như chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng. Vì thế, IMF dự báo GDP năm nay tăng 6,1%, cao hơn so với mức gần 6% trong báo cáo của tổ chức này hồi tháng 6.
Trước đó, Ngân hàng UOB của Singapore cho rằng đà tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong nửa đầu năm này khó có thể tiếp tục trong nửa cuối năm.
Tuy vậy, sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, UOB đã điều chỉnh giảm này ở mức thấp hơn so với Bộ KH&ĐT.
Cụ thể, đối với quý III, tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,7% (giảm 0,3 điểm % so với mức 6,0% trước đó) và đối với quý IV là 5,2% (giảm 0,2 điểm %so với mức 5,4%). Cả năm, GDP bị hạ xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm % so với dự báo trước đó là 6%).
Còn trong báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) mới đây, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho Việt Nam là 6% năm nay và 6,2% năm 2025 như báo cáo tháng 4 và tháng 7 trước đó - dù bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương miền Bắc.
Theo ADB, công nghiệp định hướng xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính nhờ các đơn đặt hàng mới dần quay trở lại và tiêu dùng phục hồi đã khôi phục tăng trưởng sản xuất trong nửa đầu năm và đà tăng mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong cả năm.
Ngoài ra, chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất tăng nhẹ trên 52,4 điểm vào tháng 8 và tiếp tục đà mở rộng, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Nhu cầu ngoại đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp.
“Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định”, ADB nêu rõ.
Lạc quan nhất trong các tổ chức quốc tế, Ngân hàng HSBC vẫn giữ dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP cả năm 2024 và 2025 là 6,5% nhờ Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước.
Cụ thể, các chính sách như giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng của một số hàng hóa, dịch vụ tiếp tục đến hết năm 2024 sẽ hỗ trợ các ngành trong nước, đặc biệt là bán lẻ đang tăng thấp hơn xu hướng trước đại dịch.
Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8 được kỳ vọng tác động tích cực lên triển vọng ngành bất động sản. Dù mới được thông qua chưa lâu, Luật Đất đai sửa đổi dường như đã phần nào đóng góp vào cú hích lên đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực này; trong đó, số liệu FDI gần đây cho thấy sự gia tăng trên diện rộng.
"Chúng tôi tin rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra", HSBC nhận định.
Tuy vậy, HSBC cũng cho rằng, siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại các tỉnh ven biển. Việc khôi phục các khu vực này đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài, có thể ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, sự suy giảm tiêu dùng tại các thị trường phương Tây (bao gồm Mỹ và EU) sẽ có tác động trực tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới cũng như tăng cường giá trị gia tăng cho sản phẩm là những yếu tố then chốt để đối phó với rủi ro này.
HSBC cho rằng việc duy trì sự ổn định vĩ mô và các chính sách kích thích hợp lý sẽ là chìa khóa để vượt qua những thách thức hiện tại, hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
"Trong bối cảnh đó, theo dõi và điều chỉnh kịp thời các chính sách liên quan đến lạm phát, tỷ giá, và hỗ trợ sản xuất trong nước sẽ rất cần thiết để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra”, HSBC khuyến nghị.
Tương tự, ADB cũng cảnh báo về những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, như căng thẳng địa chính trị leo thang và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Những yếu tố này có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu trong nước, gây áp lực lên sản xuất và việc làm.
Vì vậy, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Việt Nam cần một chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa các công cụ tiền tệ và tài khóa. Việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và điều hành linh hoạt tỷ giá là những biện pháp quan trọng cần được tiếp tục triển khai.
“Mặc dù bão Yagi gây ra thiệt hại đáng kể nhưng đây cũng là cơ hội để các địa phương tái thiết và phát triển. Để tận dụng cơ hội này, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chính sách hỗ trợ. Việc giải ngân vốn đầu tư công thường được đẩy mạnh vào cuối năm và là động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế năm nay”.
Do dư địa tài khóa vẫn còn nhiều trong khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn tương đối ít, IMF khuyến nghị Việt Nam nên đưa chính sách tài khóa đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất, phục hồi kinh tế, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc do vừa ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội để hỗ trợ kịp thời những đối tượng dễ bị tổn thương là những biện pháp cần trong ngắn hạn.
Tuy vậy, IMF cũng lưu ý chính sách tiền tệ cần tiếp tục thận trọng trong bối cảnh phức tạp và không gian chính sách còn hạn hẹp.
"Các bước tiến tới tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và khuyến nghị tiếp tục có tiến triển trong lĩnh vực này, cùng với việc hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ", IMF nêu rõ.
Chênh lệch giá đất đền bù theo Luật Đất đai 2024 và luật năm 2023 dẫn tới phát sinh vướng mắc trong hơn 1.000 dự án trên địa bàn Hà Nội.
Chung cư Nhà ở xã hội 2 sẽ bố trí chỗ ở cho người dân bị thu hồi đất cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không đủ điều kiện cấp suất tái định.
Quyết định mới đã điều chỉnh thời gian, tiến độ, phân bổ vốn và cơ cấu nguồn vốn của dự án Cảng Hàng không Sa Pa.
Chiều 21/12, Bộ Giao thông Vận tải khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới dài 652 m trên quốc lộ 32C, thay thế cầu Phong Châu cũ bị hư hỏng trong bão Yagi.