Kinh tế Quốc tế 16/05/2025 14:38

Sau khi tạm dừng lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, Trung Quốc có động thái khó hiểu

Chỉ vài ngày trước, Trung Quốc thông báo sẽ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đất hiếm với hàng chục công ty Mỹ.

Một mẩu quặng đất hiếm tại một bảo tàng đất hiếm ở Bao Đầu, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Động thái khó hiểu

Trung Quốc đã tạm dừng các hạn chế xuất khẩu nhắm vào 28 doanh nghiệp Mỹ sau khi Bắc Kinh đạt được thoả thuận đình chiến thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần trước tại Thuỵ Sỹ.

Song, Trung Quốc vẫn tiếp tục chặn xuất khẩu 7 kim loại đất hiếm sang Mỹ, theo CNBC. Hiện nay, các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và phụ tùng ô tô của Mỹ vẫn đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Theo tuyên bố chung vào cuối tuần trước, Trung Quốc đã đồng ý “thực hiện tất cả biện pháp hành chính cần thiết để đình chỉ hoặc xoá bỏ các biện pháp đối phó phi thuế quan áp dụng với Mỹ kể từ ngày 2/4/2025”.

Một trong những biện pháp trả đũa đó là hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

Hôm 15/5, khi được hỏi về các biện pháp kiểm soát đất hiếm trong cuộc họp thường kỳ, một phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ không có thông tin nào để cung cấp cho báo chí.

Vào ngày 4/4, Trung Quốc đã công bố một loạt chính sách nhằm trả đũa thuế quan đối ứng của ông Trump, bao gồm việc áp dụng hạn chế xuất khẩu đối với 7 kim loại đất hiếm là samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium.

Hiện chưa rõ tại sao Bộ Thương mại Trung Quốc không đình chỉ hoặc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đất hiếm nói trên khi nới lỏng chính sách đối phó phi thuế quan nhằm vào Mỹ.

Hôm 14/5, Trung Quốc đã loại 28 công ty Mỹ khỏi danh sách kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng lưỡng dụng (bao gồm đất hiếm) trong 90 ngày. Bắc Kinh cũng loại 17 công ty Mỹ khỏi danh sách “thực thể không đáng tin cậy trong 90 ngày.

Cùng ngày hôm đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm trấn áp nạn buôn lậu đất hiếm và nhấn mạnh chính phủ cần tăng cường kiểm soát để đảm bảo an ninh quốc gia.

“Tất cả các bộ ngành đều nhất trí rằng Trung Quốc cần kiểm soát toàn diện các khoáng sản chiến lược”, tuyên bố có đoạn.

Phần lớn các nguyên tố đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu đều đến từ Trung Quốc. Bắc Kinh coi đất hiếm là một quân bài hữu ích trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.

Một tài khoản mạng xã hội có liên kết với đài truyền hình quốc gia CCTV đã hàm ý về tầm quan trọng của đất hiếm trong các cuộc đàm phán thương mại.

“Trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ bị bóp nghẹt vì tình trạng thiếu đất hiếm, hoạt động sản xuất vũ khí và thiết bị của Mỹ có thể trải qua những thay đổi nào?”, tài khoản Yuyuantantian viết vào ngày 9/5.

Về các công ty Mỹ bị Trung Quốc cấm vận

Trong số 28 công ty Mỹ mà Trung Quốc thông báo sẽ tạm hoãn áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhiều cái tên là mục tiêu chung trong các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh vì họ hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng.

16 công ty đầu tiên được Trung Quốc đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu vào ngày 4/4, không lâu sau khi Tổng thống Trump công bố thuế đối ứng với Trung Quốc và hàng trăm đối tác thương mại khác.

Một số cái tên có thể kể đến là Universal Logistics Holdings, Cyberlux, Hudson Technologies và Oceaneering International.

Sau đó, đến ngày 9/4, Bắc Kinh đã thêm gần chục công ty Mỹ khác vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Động thái này diễn ra cùng ngày ông Trump tạm hoãn thuế đối ứng với gần 60 đối tác thương mại lớn, ngoại trừ Trung Quốc.

Các cái tên bị ảnh hưởng vào ngày hôm đó bao gồm Teledyne Brown Engineering, Kratos Unmanned Aerial Systems và Insitu.

Bất kỳ công ty nào muốn xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng từ Trung Quốc đều cần phải có sự chấp thuận từ Bộ Thương mại Trung Quốc.

Trong khi đó, 17 công ty Mỹ trong danh sách “thực thể không đáng tin cậy” bị cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu đến Trung Quốc và không được đầu tư mới vào đất nước tỷ dân.

Các công ty vừa được miễn trừ khỏi danh sách này bao gồm một số nhà sản xuất máy bay không người lái như Sierra Nevada và Kratos. 

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 16/05/2025 17:14
Ông Trump sẽ ấn định lại thuế quan trong vài tuần tới, thông báo sẽ được gửi qua thư

Theo Tổng thống Trump, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ sẽ gửi thông báo cụ thể đến các nước.

Kinh tế Quốc tế 16/05/2025 15:25
Công bố thỏa thuận Mỹ - UAE trị giá hơn 200 tỷ USD

Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các thỏa thuận thương mại trị giá hơn 200 tỷ USD giữa Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

Kinh tế Quốc tế 16/05/2025 14:55
Tỷ trọng dự trữ ngoại hối bằng USD giảm xuống mức thấp kỷ lục

Tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào cuối năm 2024, khi các quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào một đồng tiền duy nhất.

Kinh tế Quốc tế 16/05/2025 11:24
Mỹ có thể duy trì thuế quan 30% với Trung Quốc đến cuối năm, khiến thương mại lao dốc 70%

Theo khảo sát của Bloomberg, giới chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ duy trì thuế quan 30% với hàng hóa Trung Quốc trong vòng 6 tháng nữa. Mức thuế này đủ cao để khiến lượng hàng từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 70% trong trung hạn.