Sáng 22/4, tại sự kiện về AI và Trung tâm dữ liệu do Viettel IDC tổ chức ở Hà Nội, CEO Lê Bá Tân cho biết có tâm lý FOMO (Fear of Missing Out - sợ bỏ lỡ cơ hội) đang diễn ra trong các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
Ông Tân nói hiện nay, các từ khóa liên quan đến CPU và GPU AI đang vô cùng “nóng”, không chỉ với các tập đoàn công nghệ hàng đầu mà cả với nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau. Một khái niệm đang nổi lên mạnh mẽ là FOMO.
Do vậy, rất nhiều doanh nghiệp đang phải tự đặt câu hỏi: “Mình nên làm gì trong thời đại AI?”, “Sử dụng công nghệ của ai?”, “Đầu tư thế nào để không bỏ lỡ những cơ hội lớn từ AI?”
Sự kiện về AI của Viettel sáng 22/4 ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).
Dẫn dự báo của Nvidia, ông Tân cho biết sau làn sóng phát triển mạnh mẽ của AI - vốn đã trở thành một công nghệ toàn cầu, sắp tới AI sẽ tiếp tục tiến hóa lên một tầm cao mới, hình thành hai nhánh chính là Agent AI (các hệ thống AI hoạt động như tác nhân thông minh) và Physical AI hay còn gọi là Robotic AI.
Đây là hai làn sóng chiến lược của AI mà tất cả các quốc gia và các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới đang tập trung phát triển, hướng đến mục tiêu xây dựng chiến lược “5 triệu AI” cho quốc gia – tương đương với việc mỗi quốc gia sở hữu hàng triệu hệ thống AI nhằm tăng năng suất lao động, phát triển nền kinh tế số một cách bền vững.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, trong 10 năm qua, doanh thu toàn cầu từ sản phẩm số của chính phủ đã tăng từ 2.500 tỷ USD lên khoảng 16.000 tỷ USD – tức là mức tăng trưởng gấp 6,5 lần. Trong đó, riêng phần đóng góp của AI dự kiến tăng từ 189 tỷ USD lên đến 4.772 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng gần 25 lần.
Theo CEO Viettel IDC, mọi quốc gia, doanh nghiệp, và tập đoàn công nghệ đều cần biết cách khai thác AI để phát triển mô hình kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo CEO Viettel IDC: “Chúng ta cũng thấy rằng khi AI phát triển, nó kéo theo nhu cầu tăng đột biến về tài nguyên tính toán. Có thể nói, Mỹ đang dẫn đầu thế giới trong việc phát triển hạ tầng cho AI, với các khoản đầu tư khổng lồ từ những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Google, Microsoft và Amazon
Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng đầu tư cho AI của nhóm này trong năm 2024 đã vượt qua cả hai ngành công nghiệp truyền thống là viễn thông và dầu khí, cho thấy AI đang hoàn toàn định hình lại toàn bộ chiến lược đầu tư của Big Tech”, ông Tân cho hay.
Ông lưu ý về phần hạ tầng máy chủ AI, giá thành của các máy chủ chuyên dụng cho AI không hề rẻ. Mỗi máy chủ có thể lên đến 8–10 tỷ đồng, được trang bị tới 8 GPU hiệu suất cao, và giá trị có thể gấp 40–50 lần so với một máy chủ thông thường.
Dù vậy, vòng đời công nghệ của các máy chủ AI lại rất ngắn, chỉ khoảng một năm, so với 3–5 năm như các máy chủ truyền thống. Ví dụ, dòng H100 của Nvidia vừa ra mắt chưa lâu đã bị thay thế bởi H200, B200, và mới nhất là kiến trúc B300.
“Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho các nhà đầu tư: Muốn theo kịp AI thì phải sẵn sàng đầu tư nhanh, mạnh, và liên tục để theo kịp tốc độ đổi mới của công nghệ”, ông Tân nhấn mạnh.
Lãnh đạo Viettel IDC cho rằng chính vì vòng đời công nghệ của máy chủ AI ngắn, chi phí đầu tư cao và tốc độ thay đổi quá nhanh, nên các nhà đầu tư – từ những doanh nghiệp lớn như Viettel IDC, VNPT, CMC, hay FPT, cho đến các công ty điện toán đám mây ở Việt Nam và trên thế giới – đều phải vô cùng cẩn trọng trong việc lựa chọn model, phiên bản CPU, GPU, để tránh trượt giá công nghệ, đảm bảo hiệu quả đầu tư và tối ưu hóa lợi nhuận.
Một trong những nghiên cứu chuyên sâu từ công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới – BCG (Boston Consulting Group) – đã chỉ ra sự khác biệt lớn về chi phí giữa hai phương án: Tự xây dựng hạ tầng AI (Build) và thuê hoặc mua dịch vụ AI từ nhà cung cấp (Buy).
Kết quả nghiên cứu cho thấy với các ngôn ngữ hoặc mô hình AI đơn giản, việc tự xây dựng có thể khả thi. Tuy nhiên, khi sử dụng các mô hình ngôn ngữ phức tạp (LLMs) hoặc hệ thống AI nâng cao, chi phí tự build có thể cao gấp 2–3 lần so với thuê dịch vụ AI từ bên ngoài.
Trung bình, việc thuê hạ tầng AI có thể giúp tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí, và tỷ lệ này còn tăng cao hơn khi công nghệ ngày càng phức tạp.
Đây là lý do vì sao BCG khuyến nghị các doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ, và nếu không có năng lực hạ tầng lớn thì nên chọn mô hình thuê – sử dụng dịch vụ AI như một nền tảng (AI Platform-as-a-Service) thay vì đầu tư tự phát, manh mún.
Người lao động sinh sống và làm việc tại TP HCM cần tích lũy trung bình khoảng 34 năm thu nhập mới đủ tài chính mua nhà tại thành phố này, theo Numbeo.
Toàn bộ khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung đã đượcTập đoàn Vicoland thế chấp tại VietABank để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
AI chính là động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất cho nhu cầu hạ tầng trung tâm dữ liệu trong tương lai.
Hằng Du Mục - HANGKAT là một trong ba gian hàng thuộc quản lý của Hằng Du Mục trên Tiktok Shop. Gian hàng này kinh doanh một số sản phẩm như táo đỏ, nho khô, trà thảo mộc, bánh trứng chảy...