Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 7/11, chỉ số S&P 500 đã bật tăng 0,74% và đóng cửa ở mức kỷ lục mới là 5.973 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,51% lên 19,269 điểm, lần đầu tiên vượt mốc 19.000.
Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm chưa đầy một điểm, xuống 43.729 điểm.
Trước đó chỉ một ngày, cả ba chỉ số chính đều bật tăng mạnh sau chiến thắng áp đảo của ông Donald Trump. Dow Jones vọt lên thêm 1.500 điểm còn S&P 500 tăng 2,53%, đánh dấu phiên giao dịch hậu bầu cử tốt nhất trong lịch sử.
Trong phiên 7/11, cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) tiếp tục thăng hoa, giúp nâng đỡ thị trường khi nhóm tài chính quay đầu giảm. Cổ phiếu của những ông lớn như Apple và Nvidia lần lượt đi lên 2,1% và 2,3%, trong khi Meta (Facebook) tiến thêm 3,4%.
Trong khi đó, cổ phiếu của JPMorgan Chase tụt 4,3% và American Express giảm 2,8%, gây sức ép lên Dow Jones.
Lợi suất trái phiếu đã giảm đáng kể sau khi chạm đỉnh ba tháng vào ngày 6/11. Cuối phiên 7/11, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã xuống còn 4,326%, giảm hơn 0,1 điểm %.
Lợi suất hạ nhiệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa hạ lãi suất lần thứ hai kể từ giai đoạn COVID, với quy mô 25 điểm cơ ban (bps). Lãi suất quỹ liên bang hiện nằm trong phạm vi 4,5 - 4,75%. Trước đó vào tháng 9, các nhà hoạch định chính sách từng bất ngờ cắt giảm tới 50 bps.
Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed “cảm thấy tốt” về tình hình kinh tế và có vẻ sẽ tiếp tục duy trì những động thái hạ lãi suất nhỏ trong tương lai.
“Sự cân bằng giữa các yếu tố rủi ro đem lại cho Fed nhiều dư địa để hạ lãi suất cho tới năm 2025. Thị trường không nên kỳ vọng Fed sẽ giảm mạnh lãi suất trừ khi nền kinh tế suy thoái và [kịch bản này] có vẻ khó xảy ra trong tương lai gần”, ông Jamie Cox, đối tác quản lý của Harris Financial Group, nhận định.
Phố Wall nhìn chung đang kỳ vọng rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ hỗ trợ những tài sản rủi ro như cổ phiếu, một phần nhờ đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, viễn cảnh thâm hụt ngân sách và thuế nhập khẩu cao hơn đã làm dấy lên một số lo ngại về thâm hụt ngân sách.
Ông Tony Roth, Giám đốc đầu tư tại Wilmington Trust, cho biết đến khi phạm vi và tác động của chương trình nghị sự dưới thời ông Trump trở nên rõ ràng, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm thế rằng biến động sẽ cao hơn và thị trường chứng khoán nói chung cũng đi lên.
“Tại một thời điểm nào đó, với mức định giá cao của cổ phiếu và thu nhập tốt hơn từ trái phiếu, chúng ta có thể chứng kiến phần bù rủi ro của cổ phiếu (ERP) xuống rất thấp và cơ hội không còn nhiều”, ông Roth cho biết thêm.
“Hiện thị trường vẫn chưa đạt đến ngưỡng đó. Tôi cho rằng chúng ta còn 6 tháng nữa trước khi phải xem xét lại về tỷ suất sinh lời của cổ phiếu và trái phiếu", vị chuyên gia nhận định.
Vai trò của đồng USD vẫn sẽ khá quan trọng trong tương lai, mặc dù một số quốc gia và khối thương mại đã bắt đầu không coi đây là một phương tiện thanh toán cho xuất nhập khẩu.
Kết thúc cuộc họp chính sách mới nhất, Fed đã hạ lãi suất thêm 25 bps và đưa chi phí đi vay liên ngân hàng xuống phạm vi 4,5 - 4,75%.
Ông Donald Trump, người vừa đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai, đe doạ sẽ áp thuế quan tới 60% lên hàng hoá Trung Quốc.
Kết thúc cuộc họp chính sách mới nhất, các quan chức Fed đã nhất trí cắt giảm lãi suất chuẩn thêm 25 bps.