Kinh doanh & Thị trường 19/02/2025 15:22

Startup hết thời tiền rẻ và FOMO

Giới startup Việt Nam đang trải qua một "mùa đông gọi vốn", khi cả quy mô và số lượng đều sụt giảm trong những năm qua.

Cách đây khoảng 7-8 năm, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu dậy sóng với làn gió mới từ dòng vốn rẻ và tinh thần FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) len lỏi khắp nơi. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước đổ xô vào các thương vụ công nghệ, startup được khuyến khích tăng trưởng bằng mọi giá, dù đôi khi chưa có dòng tiền dương hay lợi nhuận. Tuy nhiên, bức tranh sáng sủa ấy không còn kéo dài khi bối cảnh vĩ mô dần thay đổi, khiến thị trường đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Ông Phan Minh Tâm - Chủ tịch HĐQT STI Holdings, người đã đồng hành cùng gần 20 công ty khởi nghiệp, trong đó có 24h, 30Shine, M Village… tại sự kiện Scale Up Forum do Endeavor Vietnam tổ chức đã nhìn lại giai đoạn bùng nổ ấy và chỉ ra hai mặt của vấn đề: 

“Ngay từ thời điểm đó tôi đã thấy có gì đấy không ổn, dù mọi người sẽ nghĩ rằng chúng tôi khá bảo thủ. Tuy nhiên, mục đích của các công ty phải là làm ra tiền. Tăng trưởng mà không làm ra tiền là lỗ thủng rất lớn. Thậm chí với nhiều công ty thành công trên thế giới, tương lai có lãi cũng rất mịt mù”.

 Ông Phan Minh Tâm. (Ảnh: Facebook/Phan Minh Tam).

Bài toán “tăng trưởng bằng mọi giá” rốt cục đòi hỏi một sự đánh đổi không hề nhỏ. Khi kinh tế thế giới có dấu hiệu chững lại và mức lãi suất không còn thấp như trước, sự “hào phóng” của các quỹ đầu tư cũng bị thu hẹp. 

Hệ quả là “mùa đông” gọi vốn đến, tạo nên bối cảnh mà ông Tâm diễn giải: “Một trong những điều đầu tiên tôi nhìn ra là bài toán thanh khoản. Khi dòng tiền rẻ và FOMO, có những công ty như Amazon được các nhà đầu tư tạm ứng niềm tin hơn 20 năm để có thể thua lỗ. 

Bây giờ khoảng thời gian đấy ngắn lại. Tôi sợ khi gió đảo chiều, mọi người sẽ phản ứng thái quá, tương lai thậm chí không cho năm nào cả, hoặc yêu cầu một, hai năm phải có lãi, dòng tiền dương”.

Hiện tượng “funding winter” - mùa đông gọi vốn, thể hiện rõ qua những thống kê vừa được công bố. Theo “Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo 2024” của Do Ventures, các startup Việt Nam năm 2023 nhận được tổng số vốn đầu tư 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước đó; số thương vụ giảm 9% xuống còn 122. 

Thị trường cũng ghi nhận xu hướng thận trọng ở góc độ quốc tế. Theo báo cáo của Tracxn Technologies, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam huy động được 35,7 triệu USD trong quý I/2024, giảm 39% so với cùng kỳ 2023.

Không dừng lại ở đó, Quỹ VinVentures do bà Lê Hàn Tuệ Lâm làm CEO, cũng đưa ra bức tranh tương tự. Trong báo cáo vừa xuất bản, quỹ này cho biết giá trị đầu tư vào các startup tại Việt Nam trong năm 2024 giảm mạnh 30% so với năm trước, chỉ còn 308 triệu USD, và số lượng thương vụ duy trì ở mức 75, giảm nhẹ từ 77 thương vụ của năm 2023.

Sự thu hẹp rõ rệt về quy mô dòng vốn, cùng sự cẩn trọng ngày càng tăng, đang là thực trạng chung mà các doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối mặt.

 

“Ngay từ thời điểm đó tôi đã thấy có gì đấy không ổn,” ông Tâm chia sẻ. Quan sát của ông được đúc kết từ chặng đường kinh doanh suốt 30 năm, khởi đầu từ những năm 1990 – 1992, khi môi trường khởi nghiệp còn “hồng hoang”: “Lúc đó không có nhà đầu tư hay các quỹ, phải tự kiếm lợi nhuận. Do đó, mọi người tập trung vào kiếm tiền - tức là nhìn ngắn hạn. Về sau, những người được học hành sẽ có tầm nhìn dài hạn”.

Vị chủ tịch STI Holdings kể lại thời điểm năm 1992, ông đảm nhiệm vị trí trưởng phòng kinh doanh về công nghệ của FPT với vốn giao chỉ 20.000 USD, buộc phải vay ngân hàng để xoay dòng tiền: 

“Hồi đó phải làm ra lãi, không là chết luôn. Bây giờ chúng tôi nhìn vào các startup thế hệ 2015-2016 và sau này thì thấy các bạn không phải kiếm tiền, thậm chí sống rất lâu bằng tiền của nhà đầu tư. Điều này tạo ra một thế hệ doanh nhân thực sự khác. Họ vẽ ra được những bài toán rất lớn, nhưng không phải lo tồn tại”.

Ông Tâm không phủ nhận khả năng phi thường của thế hệ startup thời kỳ vốn rẻ, nhưng đồng thời nhấn mạnh sự khác biệt: “Thế hệ sau này, tôi thấy các bạn đến lúc phát triển được công ty to rồi vẫn không phải con buôn, cái cơ bản nhất như thời chúng tôi là kiếm tiền thì không biết. Đấy là thực tế, vì các bạn được nuôi bằng rất nhiều tiền. Vài chục, vài trăm, thậm chí nghìn tỷ cũng có”.

Một khía cạnh đáng chú ý khác trong bức tranh gọi vốn năm 2024 là tính tập trung cao. Theo VinVentures, chỉ riêng 9 thương vụ hàng đầu đã chiếm tới 59% tổng giá trị đầu tư. Điều này cho thấy nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền lớn cho những startup có “tiềm năng đột phá rõ ràng”, thay vì dàn trải vào nhiều mô hình nhỏ.

Quỹ VinVentures – do tập đoàn Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng tài trợ, đang quản lý tổng tài sản 150 triệu USD, trong đó 100 triệu USD là danh mục kế thừa và 50 triệu USD dự kiến giải ngân trong 3 – 5 năm tới. 

Thông tin này cho thấy các quỹ nội địa có tiềm lực lớn vẫn đang tích cực tìm kiếm cơ hội, nhưng chỉ chọn lọc những ý tưởng, mô hình thật sự nổi bật, có khả năng tạo tác động rõ rệt đến thị trường.

Có thể thấy thời gian qua, đầu tư khởi nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi làn sóng “funding winter” toàn cầu, khiến nhà đầu tư “yêu cầu các startup chứng minh được tính khả thi và tiềm năng lợi nhuận rõ ràng”. 

Điều này tương tự với lo ngại mà ông Phan Minh Tâm từng đề cập: “Cuối cùng, dù công ty như thế nào cũng phải có hai điều. Một là lợi nhuận, hai là có thể bán được công ty, hoặc cả hai”.

Nhiều nhà đầu tư cũng đặt ra các tiêu chuẩn về ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp), đòi hỏi startup bỏ thêm nguồn lực tài chính lẫn chuyên môn. VinVentures đề cập: “ESG, tuy là lĩnh vực còn non trẻ, cũng thu hút sự chú ý nhờ các dự án như Nami Energy – startup năng lượng tái tạo nhận được 10 triệu USD tài trợ”. 

Việc đáp ứng tiêu chuẩn ESG thường mất thời gian để xây dựng hạ tầng, quy trình, nhưng về dài hạn có thể mở ra những cơ hội hợp tác lớn.

Mặc dù dòng vốn đầu tư sụt giảm, nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự bền bỉ. Bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, song Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP vượt 7%, cao hơn dự báo của IMF (6,1%) và Standard Chartered (6,8%). 

“Điều này phần nào củng cố niềm tin của nhà đầu tư, dù thị trường đầu tư khởi nghiệp đang trải qua giai đoạn khó khăn”, theo VinVentures.

Chính phủ đang “nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, giảm bớt rào cản pháp lý và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.” Các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP tiếp tục mở rộng cánh cửa thị trường quốc tế. 

Chính vì vậy, nhìn về dài hạn, ông Tâm cũng giữ niềm tin: “Tôi nghĩ đó là một quá trình. Đến thế hệ tiếp theo, tôi tin rằng chúng ta sẽ cân đối được cả ngắn hạn và dài hạn”.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 31/03/2025 11:25
[Photostory] Cận cảnh dự án NOXH Vĩnh Hưng đang được rao bán rầm rộ

Dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai được xây dựng tại khu đất số 4 - 6 - 8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng hiện chưa GPMB.

Kinh doanh & Thị trường 31/03/2025 10:55
Doanh nhân, nghệ sĩ Bình Minh và GAC All-New M8: Xứng tầm đồng hành thỏa đam mê chơi golf

Đáp ứng trọn bộ tiêu chí về ngoại thất sang trọng – nội thất tiện nghi – động cơ mạnh mẽ, GAC All-New M8 xứng đáng đồng hành cùng doanh nhân, nghệ sĩ Bình Minh, thỏa chí khám phá và chinh phục của golfer.

Kinh doanh & Thị trường 31/03/2025 10:52
Đất Bắc Ninh dậy sóng trước thông tin quy hoạch sân bay và sự đổ bộ của các ông lớn Vingroup, Sun Group, T&T...

Tại Bắc Ninh, thông tin sân bay Gia Bình được mở rộng thành cảng hàng không quốc tế khiến nhiều lô đất xung quanh bị thổi giá cao gấp 2 - 3 lần so với đầu năm 2024. Đất Hoà Long - nơi Vingroup đề xuất làm khu đô thị cũng ghi nhận tăng giá mạnh...

Kinh doanh & Thị trường 31/03/2025 10:37
Cần đa dạng hóa nguồn vốn cho quỹ nhà ở quốc gia

Chuyên gia cho rằng để quỹ nhà ở quốc gia hoạt động bền vững, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO