Vĩ Mô 29/08/2024 17:07

Sửa Luật Điện lực: Giảm độc quyền ngành điện đến đâu?

Theo Bộ Công Thương, EVN chỉ chiếm 38% tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Thời gian tới, Việt Nam  từng bước hình thành các thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo công khai, minh bạch.

Một trong những vấn đề được các đại biểu nêu ra bàn luận tại Chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 29/8 là việc việc chống độc quyền tới đâu trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Cụ thể, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế cho rằng Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã quy định xoá bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Dự thảo cũng đặt mục tiêu thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. 

Giảm độc quyền ngành điện đến đâu?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tuy nhiên, Dự thảo chỉ quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, nhưng chưa nêu cụ thể ở cấp độ nào, ông Minh nêu vấn đề.

Dẫn chứng về ngành viễn thông, đại biểu Minh cho rằng ngành này đã bỏ độc quyền “rất xuất sắc”.  “Cách đây mấy chục năm, gọi một cuộc điện thoại mất mấy ngàn đồng. Một tháng lương dùng điện thoại cũng hết. Còn hiện giờ chúng ta dùng rất thoải mái, rất tốt”, đại biểu Minh nói.

Vì vậy, theo đại biểu, ngành điện nên dần tiến đến giảm độc quyền để các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường nhiều hơn nhưng trên nguyên tắc mọi thứ phải minh bạch.

Đại biểu Tô ái Vang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đại biểu Tô ái Vang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cũng nêu một số tồn tại trong thực hiện chính sách pháp luật về điện lực. 

Đại biểu nhấn mạnh cần thiết quy định trong luật các chính sách phát triển điện tự sản tự tiêu, điện tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, điện ngoài khơi. Tuy vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu quy hoạch của các loại hình điện này như thế nào, đảm bảo nhu cầu, yêu cầu thiết yếu.

Bên cạnh đó, các quy định để đảm bảo phát triển thị trường điện theo hướng cạnh tranh, minh bạch, giá điện theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng đại biểu cho rằng, khi thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, Nhà nước cần có chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho những đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách…

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc sửa đổi luật có chống được độc quyền như hiện nay hay không, Nhà nước độc quyền đến đâu, giao lại cho các ngành kinh tế khác như thế nào?

Tại báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng cho rằng cần rà soát và làm rõ về những chính sách được quy định tại Điều 5 dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nhà đầu tư và quản lý nhà nước hiệu quả hơn.

Cụ thể là Nhà nước không nên độc quyền toàn bộ phần truyền tải mà chỉ nên độc quyền phần truyền tải cao áp và siêu cao áp (từ trên 35 KV trở lên).

EVN chỉ chiếm 38% tổng công suất hệ thống

Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, Điều 5 dự thảo luật đã quy đinh rõ Nhà nước sẽ độc quyền ở khía cạnh nào, khâu nào trong phát triển điện lực. Ông Hoài nêu rõ, Nhà nước sẽ chủ yếu độc quyền trong điều độ hệ thống điện. Còn trong đầu tư, Nhà nước độc quyền với các dự án đa mục tiêu, công trình quan trọng, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện quốc gia, như các nhà máy thủy điện Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu…

Về độc quyền trong truyền tải điện, ông Hoài cho hay Nhà nước chỉ độc quyền các lưới điện cao áp, siêu cao áp (trên 35 kV trở lên), còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa. Để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng theo Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, một số lĩnh vực xương sống sẽ phải độc quyền Nhà nước, còn các lĩnh vực khác sẽ xã hội hóa.

Thứ trưởng Hoài, cũng cho biết trên thực tế nguồn điện EVN chỉ còn 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Việt Nam đang từng bước hình thành các thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo công khai, minh bạch. Từ đầu tháng 8, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chuyển từ EVN về Bộ Công thương. Do đó, EVN và các tập đoàn tham gia thị trường điện như một chủ thể thông thường.

“Mục tiêu của Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) là giảm độc quyền tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng theo định hướng của Đảng và Nhà nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hạ An
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 14/09/2024 10:20
Bị đình chỉ công tác vì không chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ

Không đến UBND xã để chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ, hai chủ tịch xã ở huyện Bát Xát bị đình chỉ công tác 15 ngày.

Vĩ Mô 14/09/2024 07:57
Dự kiến xây thêm nhiều cầu bắc qua kênh dài nhất TP HCM

Nhiều cây cầu bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dự kiến được đầu tư thêm từ năm 2025, tăng kết nối hai bờ khi tuyến kênh này hoàn thành cải tạo.

Vĩ Mô 13/09/2024 23:50
Đồng Nai: Nhanh chóng bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Để triển khai dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cần thu hồi gần 380ha đất với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.450 tỷ đồng.

Vĩ Mô 13/09/2024 20:44
Mặt trận Tổ quốc: 'Sao kê tiền ủng hộ để lan tỏa hành động đẹp'

Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cho biết việc sao kê, công khai danh sách, số tiền ủng hộ người dân chịu bão lũ nhằm minh bạch và lan tỏa hành động đẹp.