Vĩ Mô 22/05/2025 07:55

Tâm điểm vĩ mô tháng 5: Cuộc chiến thuế quan hạ nhiệt, doanh nghiệp tận dụng 90 ngày hoãn thuế

Trong khi PMI giảm mạnh thì chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tháng 4 lại tăng cho thấy trong ngắn hạn, các doanh nghiệp sản xuất đa số đều nỗ lực tận dụng thời gian tạm hoãn 90 ngày để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Trong tháng 5, những bất định về triển vọng đàm phán thuế quan tiếp tục bao trùm tuy đã hạ nhiệt đôi chút, PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam là chỉ báo đầu tiên về tác động của chính sách thuế này đối với các đơn hàng trong tương lai.

Vậy nhà đầu tư cần lưu ý đến những yếu tố vĩ mô gì trong tháng 5 và các tháng tiếp theo?

Cuộc chiến thuế quan có phần hạ nhiệt

Điểm sáng đầu tiên trong chính sách thuế đối ứng của Mỹ là việc nhất trí sẽ tạm ngừng xung đột thương mại trong 90 ngày. Theo một tuyên bố chung, kể từ ngày 14/5, tổng mức thuế quan 145% mà Mỹ áp lên hàng hoá Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 30% (bao gồm mức thuế liên quan đến ma tuý fentanyl). Đồng thời, mức thuế 125% mà Trung Quốc áp đặt với hàng hoá Mỹ sẽ hạ còn 10%.

Ngoài ra, Mỹ cũng đạt được thoả thuận với Anh - quốc gia đầu tiên đàm phán thương mại đối ứng với Mỹ. Dù vậy, Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế quan 10% với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Anh.

Mặc dù cuộc chiến thuế quan đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng theo quan điểm của những nhà nghiên cứu, những quyết sách của Trump đã và sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ .

"Các chỉ số vĩ mô của Mỹ thể hiện những dấu hiện giảm tốc nhưng chưa có dấu hiệu tăng trưởng âm và suy thoái. Dù vậy, tâm lý tiêu dùng đang giảm khá nhanh và kỳ vọng tiêu dùng đã giảm xuống vùng thấp nhất trong 50 năm qua", ông Trần Ngọc Báu CEO Wigroup cho hay.

Hiện tại, lạm phát của Mỹ thì đang giảm nhưng từ tháng 5 - 6 đổ đi, lạm phát của Mỹ nhiều khả năng sẽ bắt đầu quay đầu trở lại. Theo dự báo của các thành viên FOMC, lạm phát cuối năm nay có thể tăng lên mức 2,73% dù hiện tại đã giảm xuống 2,29% sau nhiều nỗ lực của Fed.

Fed không hạ lãi suất trong tháng 5

 

Trong cuộc họp ngày 7/5, Fed giữ nguyên lãi suất như dự đoán, cảnh báo rủi ro đình lạm gia tăng. 4,25 - 4,5% là mức lãi suất màỦy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã giữ nguyên kể từ tháng 12 năm ngoái.

Từ dữ liệu của CME, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 6 vẫn tương đối cao khi có là 80% nhà phân tích đánh giá lãi suất sẽ vẫn giữ mức hiện tại và chỉ có 20% thị trường cho rằng lãi suất sẽ giảm 0,25% trong kỳ họp tháng 6 tới.

Sang kỳ họp tháng 7, gần như trên 50% thị trường cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất và mức độ giảm khoảng 0,25%. Sang kỳ họp tháng 9, có thể thấy sẽ có một lần giảm lãi suất nữa, khoảng 0,25%. Sang tháng 12, sẽ có một lần giảm 0,25% nữa.

Doanh nghiệp tận dụng thời gian tạm hoãn 90 ngày

 

Mặc dù chỉ số PMI giảm mạnh trong tháng 4 song chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tháng 4 lại không quá bi quan.

Dữ liệu PMI tháng 4 cho thấy sự chậm lại đáng chú ý do cú sốc thuế quan, giảm từ 50,5 xuống 45,6, nhưng vẫn tích cực hơn so với thời kỳ COVID19, khi chỉ số PMI sản xuất giảm xuống mức thấp nhất là 32,7 trong thời gian phong tỏa (tháng 4/2020). 

Mức giảm mạnh của chỉ số PMI là do sự sụt giảm của chỉ số thành phần sản lượng và đơn hàng mới. Trong khi đó, đơn đặt hàng xuất khẩu mới chỉ giảm nhẹ, tiếp nối xu hướng giảm từ tháng 11 năm ngoái, phản ánh nhu cầu yếu từ bên ngoài nhiều hơn là tác động rõ rệt của cú sốc thuế quan. 

 

Theo ước tính của Goldman Sachs, chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới giảm 1 điểm sẽ khiến cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 0,5 điểm %. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới của Việt Nam đã giảm 3 điểm so với đầu năm, tương ứng tác động lên tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ là -1,5 điểm %.

Trong khi đó chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tháng 4 lại tăng cho thấy trong ngắn hạn, các doanh nghiệp sản xuất đa số đều nỗ lực tận dụng thời gian tạm hoãn 90 ngày để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Do đó, dữ liệu tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu trong tháng 4/2025 và có thể là cả quý 2/2025 sẽ chưa cho thấy tác động rõ ràng của chính sách thuế quan lên khu vực này.

Theo đánh giá từ các nhà phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), diễn biến thương mại tháng 4/2025 của Việt Nam với hai đối tác thương mại lớn là Mỹ và Trung Quốc có thể là yếu tố bất lợi cho quá trình đàm phán, mặc dù số liệu ngắn hạn chỉ đang phản ánh hiệu ứng dồn đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tạm hoãn thuế đối ứng. 

Bên cạnh đó, hoạt động tiêu dùng và đầu tư nước ngoài tương đối bền bỉ trong tháng 4. Trong đó, tiêu dùng được hỗ trợ bởi lĩnh vực dịch vụ, trong khi vốn giải ngân FDI chỉ giảm nhẹ so với tháng trước và vẫn tăng khá so với cùng kỳ.

Đầu tư công tăng tốc nhưng chưa đạt kỳ vọng. Trước những bất định do chính sách thuế quan gây ra đối với động lực tăng trưởng khu vực sản xuất và xuất khẩu, Chính phủ đang gấp rút đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời có nhiều tín hiệu cho thấy Chính phủ sẵn sàng mở ra cơ hội hợp tác công - tư đối với việc đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng.

Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân

Hội nghị toàn quốc về Triển khai Nghị quyết 68. (Ảnh: VGP).

Một yếu tố vĩ mô đáng chú ý là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân tạo ra hiệu ứng tâm lý tích cực đối với động lực tăng trưởng khu vực kinh tế trong nước.

Ngay sau đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/ QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Triển khai nhiệm vụ Nghị quyết 68 Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139 quy định một loạt ưu đãi, giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó đưa ra hàng loạt ưu đãi cho khu vực này như: Hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp tư nhân; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Những chính sách này được đánh giá là sẽ tạo động lực quan trọng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Hạ An

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 22/05/2025 15:50
Phương Thành Tranconsin đề xuất mở rộng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Phương Thành Tranconsin đề xuất được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và đưa ra hai phương án đầu tư.

Vĩ Mô 22/05/2025 15:22
Kết thúc vòng đàm phán thương mại đối ứng thứ 2, Mỹ đánh giá cao thiện chí, nỗ lực của Việt Nam

Kết thúc vòng đám phán thứ 2 Hiệp định song phương về Thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đánh giá cao những thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề mà Mỹ quan tâm và mong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh trao đổi cấp kỹ thuật.

Vĩ Mô 22/05/2025 15:12
Khôi phục đoàn tàu khách liên vận Việt Nam - Trung Quốc

Tàu khách liên vận quốc tế Việt - Trung chạy qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Trung Quốc) được khôi phục từ cuối tháng 5, sau 5 năm tạm dừng.

Vĩ Mô 22/05/2025 08:11
Đề xuất cơ chế đặc thù để kịp mở rộng sân bay Phú Quốc trước tháng 10/2027

Đây là một trong những nội dung chính của dự thảo Nghị quyết đầu tư mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO