Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2025 tăng cao nhất trong 15 năm, tín dụng tăng trưởng 9,9% cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là những con số tích cực trong bức tranh kinh tế vĩ mô nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn quan ngại về kinh tế nửa cuối năm khi chưa rõ rủi ro về thuế đối ứng có làm các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khó khăn hay không?
Nửa đầu năm nay, mặc dù thuế giá trị gia tăng được giảm 2%, chi tiêu của gia đình chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn không tăng, chị vẫn thực hiện chính sách tiết kiệm, tập trung vào lương thực, thực phẩm thiết yếu, hạn chế mua sắm những hàng hoá không cần thiết.
"Thu nhập chưa có dấu hiệu tăng lên trong khi còn nhiều thứ phải lo: Giá thịt heo tăng cao, thuế đối ứng có thể sẽ khiến công việc của hai vợ chồng khó khăn,... khiến gia đình tôi không dám lãng phí", chị Vân Anh cho biết.
Những rủi ro ở bên ngoài khiến nhiều người lo lắng nền kinh tế có thể gặp khó khăn trong nửa cuối năm dẫn đến tâm lý phòng thủ, cắt giảm chi tiêu để chuẩn bị ứng phó với những tác động tiêu cực từ thuế đối ứng,..Tâm lý lo ngại cùng với việc GDP tăng mạnh nhưng không tác động nhiều đến thu nhập là lý do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nửa đầu năm chỉ tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng GDP quý II ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2025. GDP sáu tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2025.
Tuy nhiên, đi sâu vào những động lực tăng trưởng của GDP nửa đầu năm, dễ thấy kết quả kinh tế vĩ mô 6 tháng rất tích cực nhưng chưa phản ánh hết những khó khăn của thị trường, đặc biệt là sức mua của thị trường nội địa.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. (Ảnh: H.A).
Phân tích tại "Hội thảo Đầu tư thông minh cùng AI - Từ dữ liệu đến quyết định" diễn ra ngày 8/7, Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công & Quản lý Fulbright cho biết, có được những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm đến từ hai động lực lớn.
Thứ nhất là vì lo ngại thuế quan nên các doanh nghiệp Mỹ lại tăng cường nhập khẩu từ đó dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Và thứ hai là, đầu tư công tăng trưởng rất tốt.
Trong nửa đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9%. Đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ tăng tốt để tranh thủ tránh thuế đối ứng. Tuy nhiên, mặc dù tăng trưởng tốt nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lại không thể lạc quan bởi rủi ro thuế đối ứng vẫn còn đó.
Kết quả đàm phán thuế đối ứng có thể tích cực nhưng chắc chắn một mặt bằng thuế quan mới cao hơn mức cũ sẽ được Mỹ thiết lập.
Giải ngân vốn đầu tư công rất tích cực trong quý II/2025. (Nguồn: VCBF).
Yếu tố thứ hai tác động vào tăng trưởng GDP là giải ngân đầu tư công. "Nửa đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công so với năm ngoái tăng tới 25%. Chưa bao giờ giải ngân vốn đầu tư công tăng cao như vậy", ông Thành cho biết.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, những năm trước, giải ngân đầu tư công cao nhưng thu ngân sách còn cao hơn chi ngân sách. Năm nay, có điểm đặc biệt là chi ngân sách tăng cao hơn thu. Điều này cho thấy cả về tiền tệ lẫn tài khoá đều đang hỗ trợ tăng trưởng.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Thành dự báo, các yếu tố hỗ trợ từ chính sach tiền tệ và tài khoá vẫn được tiếp tục. Bởi ngay kể cả với mức tăng trưởng cao của nhiều chỉ số về tiền tệ, tài khoá trong nửa đầu năm, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, không chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức cao (8,3%) mà cung tiền cũng tăng 7,1%, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái cung tiền chỉ tăng 2,1%.
"Áp lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao rất lớn và đòi hỏi cả chính sách tài khoá và tiền tệ Việt Nam đều hướng hỗ trợ. Mặc dù việc giữ mặt bằng lãi suất thấp sẽ tạo sức ép rất lớn cho tiền đồng và tỷ giá nhưng thanh khoản cho nền kinh tế đến cả tiền tệ", chuyên gia phân tích.
Chia sẻ tại talkshow "Macro Insight: Kinh tế nửa đầu năm 2025 và câu hỏi tiền đang đi về đâu?", ông Trần Ngọc Báu – CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế đang có những tín hiệu tích cực thực sự nhưng có sự phân mảnh rất rõ khi các tín hiệu này vẫn chủ yếu đến từ khu vực FDI, đầu tư công, còn tiêu dùng và đầu tư tư nhân vẫn tăng trưởng chậm và thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Trong nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng đều “bùng nổ”. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn như tại sao kinh tế tăng trưởng tốt nhưng tiêu dùng của người dân không tăng lên hay tín dụng tăng trưởng tương đối mạnh nhưng các doanh nghiệp đi vay vẫn không dễ.
Nếu nhìn sâu vào cấu phần tăng trưởng kinh tế, ta có thể thấy rằng trong 4 quý vừa qua, đặc biệt là quý gần nhất, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực công nghiệp FDI và khu vực công (chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên).
Trong đó, chi thường xuyên tập trung vào hoạt động hành chính, giáo dục, tổ chức chính trị… như tăng lương, tái cấu trúc bộ máy chính trị, hỗ trợ ngành nghề, cũng tác động tích cực đến tăng trưởng. Điều đó cũng góp phần khiến chi thường xuyên, tác động trực tiếp đến nền kinh tế, gia tăng đáng kể.
"Chúng ta đang chứng kiến mức tăng kỷ lục, chưa từng thấy sự tăng trưởng nào của khu vực hành chính lại cao đến vậy. Rõ ràng tăng trưởng kinh tế đã được hỗ trợ rất nhiều bởi khu vực công trong quý II vừa qua", ông Báu nói.
Một yếu tố khác cũng góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là việc thời gian vừa qua có nhiều sự kiện văn hoá, giải trí – đặc biệt là trong dịp lễ 30/4 và 1/5, cùng với hệ thống đường cao tốc mới được đưa vào vận hành đã kích hoạt đáng kể các hoạt động vui chơi, giải trí và dịch vụ ăn uống, góp phần thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn còn mang tính phân mảnh.
Bên cạnh đó, dù tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, thay vì duy trì mức âm như cách đây khoảng 2 – 3 năm. Mặc dù mức tăng trưởng hiện tại là 4,5%, vẫn còn thấp so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng đã có sự phục hồi.
"Rõ ràng sự phục hồi của khu vực xây dựng, bất động sản, khu vực xây dựng khu vực công và xây dựng dân dụng đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II vừa qua", ông Báu nói và cho biết trong khi phần còn lại của nền kinh tế, bao gồm hộ gia đình và khu vực tư nhân, sự tích cực vẫn chưa diễn ra.
Đây cũng là lý do vì sao nhiều người dân chưa thực sự cảm nhận được mối liên hệ giữa các số liệu tăng trưởng kinh kết nối tốt với tăng trưởng thu nhập của người lao động hay tiêu dùng hộ gia đình, ông Báu cho hay.
(Nguồn: NielsenIQ).
Một khảo sát gần đây của NielsenIQ – tổ chức nghiên cứu tiêu dùng hàng đầu, cho thấy trong 70 mặt hàng chủ lực trong nền kinh tế về FMCG, tổng giá trị tiêu dùng trong các tháng của nửa đầu năm 2025 gần như không tăng (0%), trong khi trung bình các tháng của các năm trước là 2%.
Đáng lo hơn, tăng trưởng chủ yếu đến từ giá, còn sản lượng thì giảm, cho thấy sức cầu đang giảm. Chỉ số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng do Cục Thống kê công bố tháng 6 cũng chỉ tăng hơn 8%, thấp hơn mức bình thường 9 – 12% và tiếp tục có xu hướng giảm.
Điều này cho thấy sức khoẻ nền kinh tế ở khu vực tiêu dùng còn tương đối yếu và đang tiếp tục trong xu hướng suy giảm.Người dân chưa cảm nhận được rằng tăng trưởng kinh tế thẩm thấu vào tài sản của họ để họ có thể mở rộng chi tiêu hơn, ông Báu nhận định.
Ông Trần Ngọc Báu – CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup. (Ảnh: H.A).
Một vấn đề lo ngại nữa là vừa rồi có rất nhiều câu hỏi về việc tăng trưởng tín dụng như vậy thì dòng tiền đi về đâu khi người dân không tăng chi tiêu, sản xuất cũng không có dấu hiệu mở rộng tích cực?
Phân tích về vấn đề này, ông Báu cho biết, trong vòng từ đầu năm 2024 đến nay, tốc độ tăng trưởng của tín dụng đổ vào khu vực sản xuất gần như đứng yên và tăng trưởng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng của tín dụng đổ vào khu vực sản xuất gần như là đang chững lại trong khi tăng trưởng tín dụng vào khu vực thương mại, vận tải và viễn thông đi ngang trong khoảng 18 - 19%.
Tín dụng đẩy vào khu vực khác, chủ yếu là tiêu dùng và bất động sản, tăng trưởng rất mạnh, chạm mốc kỷ lục trong nhiều năm qua. Có thể thấy tiêu dùng trong bối cảnh hiện tại đang khó khăn, suy ra tín dụng tiêu dùng không thể tăng trưởng mạnh và thậm chí có thể tăng trưởng rất yếu nhưng dòng chảy tín dụng chung vẫn tăng rất mạnh, chứng tỏ đến từ tín dụng bất động sản.
Như vậy, tín dụng tăng trưởng mạnh trong gần hai năm vừa qua, đặc biệt trong 6 tháng vừa qua, gần như toàn bộ đều được dẫn dắt bởi khu vực bất động sản và xây dựng. Những khu vực công nghiệp và những khu vực khác nhìn chung tăng trưởng khá chậm. Thậm chí khu vực công nghiệp đã giữ tốc độ tăng trưởng chậm trong vòng cả năm vừa qua. Đó là sự lệch pha giữa dòng tín dụng đang chảy vào các kênh.
Ông Báu cũng cho biết thêm, về bản chất của tín dụng, có thể thấy cấu trúc nguồn vốn vay nợ của các công ty bất động sản tổng hợp trên sàn chứng khoán Việt Nam ngày trước 60% đến từ huy động trái phiếu nhưng hiện giờ chỉ còn chiếm khoảng 30 - 40%.
Xét về giá trị tuyệt đối, tổng giá trị trái phiếu lưu hành của ngành bất động sản đã giảm từ khoảng gần 600.000 tỷ xuống còn khoảng hơn 100.000 tỷ. Vậy thì khi họ giảm bớt vay trái phiếu đồng nghĩa với việc họ phải vay ngân hàng để đảo lại phần đó.
"Trong thời gian tới, xu hướng này sẽ có tiếp tục diễn ra vì, mỗi quý, trái phiếu bất động sản vẫn có áp lực đáo hạn khoảng 35.000 - 40.000 tỷ đồng trong vòng hai năm tới. Còn với khu vực sản xuất, hiện tại tiêu dùng yếu, sản xuất chỉ có thể phục vụ xuất khẩu còn trong nước thì tương đối khó. Vì vậy rõ ràng tín dụng kể cả ở đầu cung và đầu cầu đều dồn khá nhiều cho bất động sản", ông Báu cho hay.
Để sửa khe co giãn trên cầu Long Thành và hệ thống ITS, nhiều vị trí trên cao tốc dài 55 km nối TP HCM - Đồng Nai bị rào chắn một tháng, xe phải hạn chế tốc độ.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,3 - 8,5% trong năm 2025 là "không thể không làm" và cũng không phải là "mục tiêu bất khả thi".
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), dù bức tranh kinh tế quý II/2025 ghi nhận những con số tích cực nhưng vẫn xuất hiện một số điểm đáng lo ngại đối với nền kinh tế trong thời gian tới như tăng tưởng ngành sản xuất có thể chậm lại trước tác động của thuế quan và tăng trưởng bán lẻ cũng đang có dấu hiệu giảm tốc.
Dù Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, song Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn với kịch bản tăng trưởng 8,3–8,5% trong năm 2025. Để đạt được mức này, tăng trưởng quý III và IV cần bứt phá, vượt mốc 9%, đòi hỏi nỗ lực vượt chỉ tiêu ở tất cả các cấp, ngành, địa phương.