Cục Thống kê TP HCM dẫn thông tin từ Cục Thống kê các tỉnh, thành cho biết ước tính tăng trưởng GRDP quý II/2023 của 63 địa phương.
Hậu Giang, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất, trên 10%.
Bắc Ninh tiếp tục là địa phương tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước (-13,84%), sau đó lần lượt đến Lai Châu, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là 4 địa phương tăng trưởng âm trong quý II.
Trước đó trong quý I/2023, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng trong nhóm tăng trưởng thấp nhất, lần lượt sụt giảm 11,85%, 10,88% và 4,75%.
Trong quý II, cả nước có 26 địa phương tăng trưởng trên 6,5% (chiếm 41,2%).
Trong 26 tỉnh, thành sản xuất công nghiệp lớn và có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước, có 10 tỉnh, thành tăng trưởng GRDP quý II thấp hơn quý I.
Sụt giảm mạnh nhất là Đà Nẵng khi tăng trưởng GRDP quý II ước đạt 0,21%, trong khi quý I đầu năm đạt 7,12%.
Hai tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An từng tăng trưởng trên 6,5% trong quý I, trong quý II ước giảm xuống chỉ còn trên 4%.
Ba tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tăng trưởng âm trong quý II.
Tăng trưởng ấn tượng nhất là TP HCM với mức 5,87%, "đầu tàu" kinh tế của cả nước từng tăng trưởng chưa đến 1% trong quý đầu năm.
Tại phiên thảo luận tại tổ hôm 30/5, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết tăng trưởng quý II của TP HCM là 5,87%, do quý đầu năm thành phố ghi nhận mức tăng trưởng 0,7%, nên tính chung 6 tháng ước tăng 3,55%.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng dự kiến tăng 4,77% quý II. Tuy nhiên, do quý trước, khu vực này giảm sâu nên tính chung nửa đầu năm chỉ tăng 0,8%. Dịch vụ là khu vực có mức tăng cao nhất trong các nhóm, lĩnh vực, với dự báo 7,6%, tính chung 6 tháng là 4,96%.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, sản xuất công nghiệp của thành phố đang khởi sắc, sức mua hàng hóa cải thiện, hoạt động lưu trú, du lịch tăng. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 1,5% so với tháng 4 và tăng 5,5% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 5 tháng, IIP tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng tăng trưởng cao nhất, Đà Nẵng thấp nhất. Trong quý I đầu năm, Hải Phòng cũng dẫn đầu với mức tăng 9,65%.
Theo báo cáo kinh tế 5 tháng đầu năm do Cục Thống kê TP Hải Phòng vừa công bố, tháng 5 là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với tháng trước và có mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ước giảm 10,04% so với tháng 4.
Cơ quan thống kê đánh giá chủ yếu do sụt giảm sản xuất một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ do nhu cầu thị trường giảm sâu, không có đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Các doanh nghiệp công nghiệp đang đứng trước nhiều áp lực, từ việc duy trì sản xuất ổn định đến tìm kiếm khách hàng cũng như nhà cung cấp.
Dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn duy trì mức tăng, ước tăng 12,16% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng GRDP của thành phố là bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Ước tính 5 tháng/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 79.539,1 tỷ đồng, tăng 13,69% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Thống kê TP Hải Phòng cho biết tháng 5 là tháng khởi đầu mùa du lịch biển và cũng là tháng có nhiều ngày lễ hội khi nhu cầu liên hoan, du lịch, vui chơi giải trí và đi lại của người dân tăng cao đã tác động tích cực đến doanh thu các hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ của thành phố.
Bên cạnh các chỉ số tích cực, thu ngân sách của Hải Phòng 5 tháng đầu năm ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 5/2023 ước đạt 6.798,3 tỷ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ước 5 tháng/2023 thu ngân sách Nhà nước của thành phố đạt 38.630,2 tỷ đồng, đạt 33,18% dự toán và giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm lần lượt là 22,61% và 8,02%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính khẩn trương bố trí đủ kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời có hướng dẫn ứng trước kinh phí của các bộ, ngành, địa phương để chi trả sớm, tránh ách tắc.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định việc sử dụng định danh cá nhân có thể thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ hai nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt nam (ACV) đang hoàn tất thủ tục để khởi công đường băng số 2 sân bay Long Thành vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Trong tháng 4, PMI ngành sản xuất của Việt Nam thấp hơn mức trung bình ASEAN là 48,7 điểm và thấp hơn hầu hết các quốc gia trong ASEAN-6, gồm: Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.