Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2025. Tuy nhiên, trước những thách thức từ cuộc chiến thuế quan và xung đột tại một số khu vực, lĩnh vực nào sẽ là động lực tăng trưởng cho nửa cuối năm?
Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2012 đến nay. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ Cục Thống kê).
Trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm, động lực chính của tăng trưởng vẫn đến từ những trụ cột truyền thống, đáng kể nhất là tổng vốn đầu tư toàn xã hội gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ khu vực nhà nước. Trong đó, đầu tư công tiếp tục được xem là “đầu tàu” kéo theo các dòng vốn khác.
Ngoài ra, sự gia tăng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện nhất định.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có chuyển biến rõ rệt. Theo TS. Bình, không chỉ tăng về lượng mà còn nâng chất lượng, thể hiện ở việc hướng vào các lĩnh vực có sử dụng công nghệ cao, sử dụng nguyên liệu trong nước, và có mức độ liên kết với nền kinh tế nội địa tốt hơn. Nhiều dự án tập trung vào công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và đổi mới sáng tạo.
Ở góc độ ngành, các lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp và nhiều địa phương duy trì được mức tăng trưởng trên 10%, tạo lực đẩy quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước. Trong khi đó, khu vực tiêu dùng nội địa, một trong những trụ cột tăng trưởng trong những năm gần đây cũng đang dần phục hồi, tiệm cận mức hai con số.
"Xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, với mức xuất siêu trên 7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, kết quả này vẫn là điểm tựa lớn trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu chưa hạ nhiệt", ông Bình nêu rõ.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Còn theo TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong nửa đầu năm 2025, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt từ quý II khi các bất ổn địa chính trị leo thang. Điển hình như xung đột tại Trung Đông hay các chính sách thuế quan mới từ Mỹ đã khiến môi trường kinh doanh thế giới trở nên kém thuận lợi. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đầy biến động đó, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực, thậm chí "ngược dòng" so với xu hướng suy giảm chung. Kết quả này có được là nhờ nhiều yếu tố, trong đó là việc kích hoạt mạnh mẽ các dòng đầu tư – đặc biệt từ khu vực đầu tư công thông qua các biện pháp điều hành quyết liệt và hiệu quả. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng phục hồi khá tốt, góp phần tạo nên bức tranh đầu tư tích cực.
“Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt chính sách tài khóa tiền tệ như giữ mặt bằng lãi suất ổn định, miễn giảm thuế phí cho cả phía cung và cầu cũng góp phần hỗ trợ đà phục hồi của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế”, ông Việt nhìn nhận.
Tuy vậy, ông Việt cũng lưu ý, các tổ chức quốc tế đều cảnh báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cầu tiêu dùng bên ngoài của Việt Nam. Cụ thể, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tại nhiều nền kinh tế lớn đều dưới 50 điểm, trong đó có Việt Nam suốt ba tháng qua là tín hiệu cần quan tâm. Lạm phát và tỷ giá cũng tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, các căng thẳng địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn là rủi ro hiện hữu.
TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Do đó, để thích ứng với các yếu tố quốc tế và đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, ông Việt cho rằng Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong đàm phán, thúc đẩy thương mại hài hòa với các đối tác lớn, đồng thời đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính.
Những dư địa từng được khai thác tốt cần được tiếp tục phát huy. Đặc biệt, cần thúc đẩy giải ngân hiệu quả nguồn vốn đầu tư công là cú hích lan tỏa sang các khu vực khác của nền kinh tế.
Riêng với khu vực đầu tư tư nhân, dù đã phục hồi đáng kể trong 6 tháng đầu năm, nhưng để phát huy vai trò động lực chính, cần tăng cường các cơ chế hỗ trợ tiếp cận nguồn lực và kết nối thị trường cho doanh nghiệp.
Về tiêu dùng, vẫn còn nhiều dư địa để kích cầu. Bên cạnh chương trình giảm thuế VAT, cần có thêm các chính sách khuyến khích du khách quốc tế tiêu dùng tại chỗ như miễn thuế ngay tại điểm bán hàng, đồng thời thúc đẩy quảng bá và tiêu dùng các sản phẩm địa phương.
Bên cạnh thúc đẩy những trụ cột truyền thống, ông Bình cũng cho biết 6 tháng đầu năm cũng chứng kiến sự xuất hiện của các động lực tăng trưởng mới. Nhiều doanh nghiệp tư nhân bắt đầu chuyển dịch đầu tư vào các ngành sử dụng công nghệ, có hàm lượng trí tuệ cao, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy một quá trình chuyển đổi cơ cấu đầu tư đang bắt đầu diễn ra.
Đối với dòng vốn FDI, cũng có sự dịch chuyển rõ nét sang các dự án sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và tận dụng tốt nguồn lực nội địa.
Ngoài ra, một điểm nhấn quan trọng là chiến lược phát triển không gian địa lý mới, với hàng loạt dự án được triển khai ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP HCM.
“Việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kết nối, logistics và đô thị vệ tinh đã và đang mở ra các “cực tăng trưởng mới”, góp phần giảm áp lực cho các trung tâm kinh tế lớn và tạo nên một mạng lưới phát triển hài hòa hơn trên toàn quốc”, ông Bình kỳ vọng.
Về dài hạn, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động, thay vì phụ thuộc vào vốn và lao động giá rẻ như trước.
“Tiêu dùng trong nước phải trở thành động lực tăng trưởng quan trọng và lâu dài, chứ không thể chỉ trông chờ vào xuất khẩu. Đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước cũng cần vươn lên làm chủ lực, hướng tới một nền kinh tế tự chủ, tự cường và bền vững hơn”, TS. Bình nhấn mạnh.
Số thuế thu qua kênh thương mại điện tử trong nửa đầu năm gần chạm mức 100.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chính sách và pháp luật về đất đai vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong đó, tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá, thao túng giá làm nhiễu loạn thị trường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi…
Việc sáp nhập ba tỉnh nằm trong top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước là Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hoà Bình đã tạo động lực để nền kinh tế tỉnh Phú Thọ mới đạt nhiều kết quả kinh tế tích cực trong nửa đầu năm nay.
Với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng tới hơn 45%, Phú Thọ tiếp tục dẫn đầu cả nước. Theo sau đó là các tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi...