Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc giảm mạnh

Việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu đã ảnh hưởng đáng kể đến các nước xuất khẩu chủ lực ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc giảm mạnh

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu sầu riêng của nước này trong quý I năm nay đạt 39.459 tấn, với kim ngạch 208 triệu USD, giảm mạnh 46,5% về lượng và 48,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Hải quan Trung Quốc

Về nguồn cung, Thái Lan tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 26.157 tấn, kim ngạch 145,5 triệu USD, giảm nhẹ 4,1% về lượng và 14,5% về kim ngạch so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị phần của Thái Lan trong tổng kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc vẫn tăng mạnh từ 42,4% lên 69,9%.

Trong khi đó, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Việt Nam, thị trường cung cấp lớn thứ hai, chứng kiến sự lao dốc tới 71,3% về lượng và 74% về kim ngạch, chỉ đạt 12.924 tấn, kim ngạch 58,7 triệu USD. Kết quả này khiến cho thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc giảm từ 56,4% xuống còn 28,2%.

Giá sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan vào Trung Quốc cũng giảm lần lượt 9,5% và 10,8%, xuống còn bình quân 4.538 USD/tấn và 5.561 USD/tấn.

Ngoài hai thị trường kể trên, Trung Quốc nhập khẩu một lượng nhỏ sầu riêng từ Malaysia và Philippines.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu sầu riêng của cả Thái Lan và Việt Nam sang Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi lệnh kiểm tra chất lượng từ phía Trung Quốc.

Từ ngày 10/1/2025, quốc gia này yêu cầu các lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam phải có giấy kiểm định chứng minh không chứa chất vàng O (Basic Yellow 2 - BY2), một hợp chất có nguy cơ gây ung thư. Điều này khiến quy trình thông quan kéo dài, tăng nguy cơ hư hỏng hàng hóa, nên nhiều doanh nghiệp phải đưa hàng về tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Mặc dù vậy, từ số liệu trên có thể thấy ngành sầu riêng Việt Nam đang chịu tác động nặng nề hơn rất nhiều so với đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Hải quan Trung Quốc 

Hiện Thái Lan đang bước vào mùa thu hoạch sầu riêng và chính quyền nước này đang triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc.

Thông tin trên Nationthailand, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan, bà Narumon Pinyosinwat, cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã đồng ý mở cửa các trạm kiểm soát hải quan 24 giờ một ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan.

Bà cho biết đã liên hệ với GACC và nhận được sự đồng thuận về việc kéo dài thời gian hoạt động tại các trạm kiểm soát biên giới.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đã tăng số lượng phòng thí nghiệm ở phía bên kia khu vực biên giới để kiểm tra về khả năng nhiễm chất nhuộm tổng hợp Basic Yellow 2 (BY2) đối với sầu riêng Thái Lan. Trước đó, Trung Quốc đã phát hiện một số lô hàng sầu riêng Thái Lan bị nhiễm phẩm màu này và đã từ chối nhập khẩu.

Với việc Thái Lan đang bước vào mùa thu hoạch sầu riêng cao điểm, Bộ Nông nghiệp Thái Lan sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc và GACC để đảm bảo quá trình vận chuyển sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc diễn ra suôn sẻ, bà Narumon cho biết.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 9 phòng thí nghiệm của Thái Lan được cơ quan chức năng Trung Quốc công nhận để kiểm tra sầu riêng trước khi xuất khẩu sang nước này.

Thái Lan cũng đang trong quá trình đề nghị Trung Quốc công nhận thêm một phòng thí nghiệm nữa tại tỉnh Chachoengsao.

Còn theo Bangkok Post, Bộ Thương mại Thái Lan đã mời Taiyuan Lao Ge - một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội của Trung Quốc tham gia sự kiện bán hàng trực tiếp mà đơn vị này tổ chức vào ngày 11 – 12/5.

Taiyuan đặt mục tiêu phá vỡ kỷ lục mà anh đã lập vào năm ngoái, khi anh bán được gần 1 tỷ baht sầu riêng Thái Lan chỉ trong một ngày.

Theo Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, ông Pichai Naripthaphan, sự hợp tác với những người có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc là rất quan trọng để tăng lượng xuất khẩu trái cây của Thái Lan, đặc biệt trong mùa thu hoạch, khi có rất nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Bộ đã phối hợp với các doanh nghiệp Trung Quốc và các nền tảng trực tuyến nhằm nâng cao mức độ hiện diện của nông sản Thái Lan trên thị trường toàn cầu.

Việt Nam họp khẩn tìm giải pháp

Đối với Việt Nam, đầu ra gặp khó khăn khiến giá sầu riêng tại thị trường nội địa lao dốc, chỉ còn bằng 1/4 so với giá xuất khẩu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nông dân và doanh nghiệp.

Theo Báo điện tử Chính phủ, trước tình hình đó, ngày 8/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp để đánh giá thực trạng xuất khẩu sầu riêng trong bối cảnh thị trường Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chủ lực – đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng trong 4 tháng đầu năm 2025. 

Tại đây, Bộ trưởng đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng.

Về ngắn hạn, Bộ NN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu.

Quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng sẽ được khẩn trương ban hành, làm cơ sở đánh giá lại khả năng xuất khẩu và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn. Đây là bước đi cần thiết để khôi phục niềm tin từ phía đối tác Trung Quốc.

Về dài hạn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, có quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm nghiệm, giám định… Cùng với đó là việc xây dựng chuẩn hóa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu; xác định tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết.

Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam thu về 3,2 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm đến 2,9 tỷ USD, tương đương 91%.

Còn theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Năm 2024, quốc gia này đã chi số tiền kỷ lục 7 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng, chiếm 95,4% tổng nhập khẩu sầu riêng của thế giới.

Hoàng Hiệp
CÙNG CHUYÊN MỤC
Doanh nghiệp với các phương án ứng phó việc điều chỉnh tăng giá điện

Việc tăng giá sẽ giúp mọi người dân sử dụng điện có trách nhiệm hơn. Giá điện tăng, các cơ sở sản xuất ít nhiều sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu các dây chuyền hơn để vận hành tiết kiệm

Giá điện tăng ảnh hưởng thế nào đến giá bán phân bón?

Với việc giá điện tăng từ ngày 10/5, giá thành sản xuất phân bón và giá phân bón bán ra trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các doanh nghiệp phân bón thuộc Vinachem.

'Vì sao kẻ xấu có được hóa đơn tiền điện để lừa đảo người dân?'

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, nhiều người dân không hiểu tại sao kẻ xấu lại nắm rõ số điện thoại, căn cước công dân và hóa đơn tiền điện của gia đình để thực hiện hành vi lừa đảo.

Giá lúa gạo hôm nay 12/5: Gạo tiếp đà tăng, lúa vẫn trong xu hướng giảm

Giá lúa gạo hôm nay (12/5) biến động trái chiều, với gạo và phụ phẩm tăng nhẹ, trong khi giá lúa có xu hướng giảm. Ngân hàng Thế giới dự báo giá gạo quốc tế sẽ tiếp tục giảm trong năm nay nhờ vào nguồn cung toàn cầu dồi dào.