Theo báo cáo của công ty tư vấn GMK Center, trong tháng 6, thị trường thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận sự mất cân đối rõ rệt giữa các khu vực. Tại Mỹ, giá thép nội địa tăng nhờ chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, thị trường tại Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục yếu: nhu cầu tiêu thụ thấp, tồn kho cao và cạnh tranh gay gắt buộc các nhà cung cấp phải hạ giá. Dù cuối tháng có xuất hiện tín hiệu ổn định nhẹ, tâm lý chung trên thị trường vẫn khá thận trọng.
Diễn biến giá thép HRC tại một số khu vực từ năm 2024 đến tháng 6/2025 (Nguồn: GMK Center)
Giá thép cuộn cán nóng tại châu Âu giảm trong suốt tháng 6. Cụ thể, giá chào bán tại Tây Âu giảm 10,2%, còn 575 euro/tấn (giao tại nhà máy); giá nhập khẩu tại Nam Âu giảm còn 475 euro/tấn CIF (-7,8%) và tại Italy là 545 euro/tấn.
Trong tháng 6, thị trường HRC tại EU chịu áp lực từ nhu cầu yếu và sự cạnh tranh quyết liệt từ nguồn hàng nhập khẩu. Các trung tâm dịch vụ và đơn vị tái cán thép hạn chế mua vào do tồn kho cao và hoạt động tiêu thụ các sản phẩm hạ nguồn thấp. Áp lực gia tăng đến từ các lô hàng HRC nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi và châu Á với mức giá từ 460–520 euro/tấn CFR – thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá nội địa trong khối.
Để duy trì sản lượng tiêu thụ, các nhà sản xuất trong nước đã phải hạ giá xuống dưới 570 euro/tấn, dù trên danh nghĩa giá công bố vẫn ở mức cao – lên đến 640 euro/tấn. Tuy nhiên, các giao dịch thực tế được chốt với mức chiết khấu lớn. Các nhà máy tại Italy đặc biệt linh hoạt, tích cực cạnh tranh với hàng nhập để giữ công suất hoạt động.
Theo GMK Center, dù thị trường nhìn chung còn yếu, cuối tháng 6 ghi nhận vài dấu hiệu ổn định: một số người mua bắt đầu quay lại thị trường, tin rằng giá đã chạm đáy. Kỳ vọng tăng giá cũng đang hình thành nhờ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) dự kiến có hiệu lực từ năm 2026. CBAM được cho sẽ làm giảm sức hấp dẫn của thép nhập khẩu từ châu Á, đồng thời củng cố vị thế của các nhà cung cấp trong EU trong nửa cuối năm.
Tại Mỹ, giá thép cuộn cán nóng tăng trong tháng 6. Tính đến ngày 27/6, giá thép tại Bắc Mỹ tăng 1,1% so với cuối tháng 5, đạt 986,6 USD/tấn.
GMK Center cho biết động lực chính giúp giá thép Mỹ tăng là chính sách từ Nhà Trắng – việc chính quyền Trump tuyên bố tăng gấp đôi thuế nhập khẩu thép theo Mục 232 lên 50%. Động thái này đã thay đổi đáng kể tâm lý thị trường: dù nhu cầu vẫn yếu, các nhà sản xuất trong nước bắt đầu tăng giá dần. Riêng Nucor đã ba lần nâng giá chào bán trong tháng 6, đưa giá cơ sở giao ngay lên mức 910 USD/tấn.
Theo hãng tư vấn, một số người tham gia thị trường cho biết nhu cầu mua hàng đang tăng nhẹ, song chưa tạo thành làn sóng mua lớn. Phần lớn khách hàng vẫn thận trọng, do tiêu thụ ở các lĩnh vực chủ chốt vẫn ở mức thấp. Tuy vậy, thời gian giao hàng ngắn và tỷ lệ sử dụng công suất cao cho thấy không có sự thiếu hụt cấu trúc về nguồn cung.
Cùng với xu hướng tăng giá, các chương trình giảm giá trên thị trường giao ngay dần biến mất, cho thấy vị thế của các nhà sản xuất đang được củng cố. Một số nhà máy như Cleveland-Cliffs thậm chí công bố mức giá cao hơn nữa nhằm thiết lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, phần lớn giới phân tích nhận định giá thép chỉ có thể tăng đáng kể sau khi nhu cầu thực sự ổn định – điều này có thể xảy ra sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ (4/7).
Tại Trung Quốc, giá thép cuộn cán nóng giảm 1,6% trong tháng 6, xuống mức 475,5 USD/tấn FOB.
Thị trường HRC Trung Quốc trong tháng 6 chịu áp lực từ nhu cầu nội địa yếu, tồn kho cao và xuất khẩu giảm. Dù thị trường tương lai có lúc biến động nhẹ và xuất hiện một vài giai đoạn ổn định, xu hướng giá nhìn chung vẫn giảm, đặc biệt ở mảng xuất khẩu – nơi các thương nhân buộc phải hạ giá để giữ sản lượng tiêu thụ.
Theo GMK Center, nguyên nhân chính là do các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục yếu: chỉ số PMI tháng 5 cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm, đặc biệt tại các doanh nghiệp quy mô vừa. Đáp lại, các nhà máy lớn như Baosteel đã giữ nguyên giá bán nội địa tháng thứ tư liên tiếp – động thái thể hiện sự thận trọng trước bối cảnh thị trường bất ổn.
Trên thị trường xuất khẩu, cạnh tranh không chỉ gia tăng vì dư cung, mà còn do sự xuất hiện của các nhà giao dịch mới với chính sách linh hoạt chưa từng có – bao gồm cả điều khoản thanh toán chậm 90–120 ngày. Điều này gây lo ngại cho các nhà xuất khẩu truyền thống và tạo áp lực giảm giá sâu hơn nữa. Đồng thời, nhu cầu tại một số khu vực chính như Trung Đông cũng suy giảm do căng thẳng địa chính trị.
GMK Center cho biết nửa cuối tháng 6, thị trường có phần ổn định hơn, giá nội địa thậm chí nhích nhẹ, song nhìn chung vẫn trong trạng thái dư cung. Các bên tham gia thị trường không kỳ vọng có sự cải thiện đáng kể trong tháng 7, bởi đây vốn là thời điểm thấp điểm truyền thống tại Trung Quốc.
Theo dự báo của các chuyên gia, giá heo hơi sẽ tiếp tục điều chỉnh trong sáng mai do thị trường đang có xu hướng đi xuống.
Giá sầu riêng hôm nay (4/7) không có nhiều biến động tại các vùng được thu mua chính trên cả nước. Trong khi đó, sự thống trị của Thái Lan trên thị trường sầu riêng đang gặp phải nhiều rủi ro khi Trung Quốc áp dụng các quy định mới.
Nhiệt độ kỷ lục tại Nhật Bản trong năm nay đã khiến sản lượng trà xanh matcha sụt giảm, làm căng thẳng nguồn cung và đẩy giá lên mức cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đối với loại đồ uống "thời thượng" này đang bùng nổ – Reuters dẫn lời nông dân và các quan chức ngành trà.
Giá lúa gạo hôm nay (4/7) tại thị trường trong nước tiếp tục duy trì ổn định, không có biến động trong ngày thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tiếp tục giảm do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào.