Kinh tế Quốc tế 09/05/2025 07:44

Thoả thuận của ông Trump với Anh chưa giải quyết nhiều vấn đề quan trọng

Theo các chuyên gia, thoả thuận thương mại mới giữa Mỹ và Anh không được coi là một "thoả thuận đầy đủ và toàn diện" như những gì Tổng thống Donald Trump hứa hẹn.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Anh Keir Starmer tại cuộc gặp vào cuối tháng 2. (Ảnh: New York Times).

Chưa phải thoả thuận “đầy đủ và toàn diện”

Hôm 8/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thoả thuận thương mại giữa Mỹ và Anh là một thành tựu lịch sử, là bước đầu tiên trong nỗ lực mang tính cách mạng của ông nhằm cải tổ nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khi ông bắt đầu tiết lộ các chi tiết của thoả thuận, rõ ràng đây không phải là một thoả thuận “đầy đủ và toàn diện” như ông hứa hẹn trước đó. Đây cũng không phải là hiệp định thương mại tự do Mỹ - Anh mà ông theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Bloomberg cho hay.

Ông Trump đã hy vọng thông báo này sẽ khơi lại niềm tin vào chương trình nghị sự kinh tế của mình. Ông cẩn thận sắp xếp cuộc họp báo, đưa ra gợi ý lên mạng xã hội và mời Thủ tướng Anh Keir Starmer cùng công bố thoả thuận qua điện thoại.

Khung thoả thuận - theo cách mà Bloomberg gọi - giúp nhiều hàng hoá Mỹ tiếp cận thị trường Anh hơn và quy trình hải quan nhanh hơn. Trong khi đó, Anh sẽ được giảm thuế quan với ô tô, thép và nhôm. Nhiều chi tiết khác sẽ được đàm phán sau.

“Theo quan điểm của thị trường nói chung, cũng như theo những người quan tâm đến nền kinh tế Mỹ, đây là một điều vô nghĩa”, ông Tim Meyer, Giáo sư luật thương mại quốc tế tại Trường Luật Đại học Duke, nhận xét.

“Không có gì đáng chú ý ở đây. Rõ ràng đây là một khung thoả thuận, thực sự không phải một thoả thuận”, ông nói thêm.

Thủ tướng Starmer thừa nhận rằng hai nước cần phải “hoàn thiện một số chi tiết” nhưng ca ngợi sự hiểu biết chung giữa cả hai là “tuyệt vời”.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump đã gạt bỏ câu hỏi rằng liệu ông có thổi phồng quá mức thoả thuận hay không, thay vào đó khen ngợi đây là “một thoả thuận tuyệt vời cho cả hai bên”.

“Mọi quốc gia đều muốn thực hiện thoả thuận”, ông chủ Nhà Trắng nói thêm.

Đối mặt với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm, ông Trump được cho là rất muốn tuyên bố chiến thắng vì chương trình nghị sự thuế quan của ông đã gây bất ổn cho thị trường toàn cầu và làm tăng khả năng suy thoái kinh tế.

Vị tổng thống lập luận rằng những nỗ lực của ông đáng để nước Mỹ phải chịu đau đớn trong ngắn hạn vì dòng vốn đầu tư vào siêu cường kinh tế này sẽ tăng lên. Song, rõ ràng ông đang tìm cách thể hiện tiến triển và xoa dịu nỗi lo kinh tế.

Trên Fox Business, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết ông Trump đang hành động “nhanh nhất có thể mà không làm hỏng mọi thứ”. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ không làm hỏng mọi thứ và bạn sẽ thấy các thoả thuận”.

Các nhà đầu tư đã phản ứng tích cực với khung thoả thuận Mỹ - Anh, hầu hết mọi ngóc ngách của thị trường chứng khoán đều tăng.

 

Thiếu vắng những gì?

Tuy nhiên, thoả thuận đã gạt bỏ một số mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Mỹ. Anh sẽ duy trì thuế dịch vụ kỹ thuật số đánh vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ và London chỉ đưa ra một lời hứa mơ hồ là sẽ hướng tới một thoả thuận thương mại kỹ thuật số trong tương lai.

“Thuế dịch vụ kỹ thuật số của Anh cần được thảo luận và giải quyết để đảm bảo nó được triển khai một cách công bằng với các nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ”, bà Christine Bliss, Chủ tịch Liên minh các ngành dịch vụ Mỹ, cho hay trong một tuyên bố.

Hai bên cũng chưa quyết định hướng xử lý kế hoạch áp thuế dược phẩm của ông Trump. Và, trong khi Anh đã huỷ bỏ thuế quan đối với một số nông sản Mỹ, các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn thực phẩm vẫn được áp dụng.

“Cho đến nay, chúng tôi thấy rất ít dấu hiệu phấn khích trên thị trường tài chính Anh và điều này sẽ cho bạn biết các nhà đầu tư đang nghĩ gì về thoả thuận”, ông Matthew Ryan, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Ebury, bày tỏ trong một tuyên bố qua email.

“Đây cũng không phải là một thoả thuận thương mại hoàn chỉnh. Hai bên có thể sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để hoàn tất và vẫn còn một thời gian nữa trước khi các chi tiết cụ thể được đem ra bàn bạc”, ông nói thêm.

Mỹ và Anh cũng phát đi những thông tin mâu thuẫn nhau về các yếu tố chính của thoả thuận, Bloomberg nhận thấy.

Chính phủ Anh đưa ra một tuyên bố, cho biết thuế quan của Mỹ đối với nhôm và thép nhập khẩu từ nước này sẽ giảm xuống 0%.

Trong khi đó, sau cuộc họp báo gần một tiếng, Nhà Trắng đưa ra một mô tả riêng cho biết hai nước “sẽ đàm phán một thoả thuận thay thế” cho thuế nhôm, thép và khuôn khổ đó sẽ tạo ra “một liên minh thương mại mới” với các kim loại này.

Mặt khác, ông Trump vẫn giữ nguyên mức thuế đối ứng tối thiểu 10% đối với Anh. Vị tổng thống coi đây là một mức thấp vì Anh đã đạt một thoả thuận tốt và ông lưu ý thuế quan với một số nước khác “sẽ cao hơn nhiều vì họ có thặng dư thương mại lớn”. 

 

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 09/05/2025 16:17
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 4 nhờ số đơn hàng sang Đông Nam Á

Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vượt dự báo vào tháng 4 nhờ lượng hàng hoá vận chuyển đến Đông Nam Á nhảy vọt.

Kinh tế Quốc tế 09/05/2025 15:12
Tác động không tưởng của thuế quan: Nhập khẩu của Mỹ giảm đã đành, xuất khẩu cũng lao dốc theo

Không chỉ nhập khẩu hàng hoá của Mỹ, xuất khẩu hàng hoá từ siêu cường kinh tế này ra thị trường toàn cầu cũng lao dốc do ảnh hưởng của thuế quan.

Kinh tế Quốc tế 09/05/2025 11:16
Mỹ kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột.

Kinh tế Quốc tế 09/05/2025 10:46
Châu Á trên bàn đàm phán: Ấn Độ sáng cửa, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ mất nhiều thời gian

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết các thoả thuận thương mại với Hàn Quốc và Nhật Bản có thể mất thời gian hơn so với thoả thuận khung với Anh.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO