Vĩ Mô 06/05/2025 12:28

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tốt việc đàm phán với Mỹ

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong bối cảnh nền kinh tế còn những bất cập và khó khăn, cần chuẩn bị tốt việc đàm phán với Mỹ và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên.

Sáng 6/5, phát biểu khai mạc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường; nguy cơ rủi ro, bất ổn tăng cao. Các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025.

Ở trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tính chung 4 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều phát triển tích cực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Nguồn: VGP).

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý nền kinh tế còn những bất cập và khó khăn, thách thức, nổi bật là sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực khó khăn, thủ tục hành chính có nơi còn rườm rà, phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn cản trở phát triển, các vấn đề hàng giả, thuốc giả, sữa giả, an ninh mạng… còn nhiều thách thức.

"Các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về bối cảnh tình hình, nhất là những điểm mới, khác so với trước đây. Trong đó, cần chuẩn bị tốt việc đàm phán với Mỹ và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm", Thủ tướng đề nghị.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát; Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; Đời sống của một bộ phận người dân, người lao động còn khó khăn.

Bộ Tài chính dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bên ngoài, trong khi các động lực nội tại về tiêu dùng, đầu tư, đầu tư công…chưa được thúc đẩy hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội, động lực để tập trung cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. (Nguồn: VGP) .

Theo Bộ trưởng, phạm vi công việc trong tháng 5 và Quý II là rất lớn, nhiều việc mang tính cách mạng, chưa có tiền lệ, phải triển khai đồng thời, nhanh chóng, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung làm ngay.

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, chuẩn bị tốt nội dung tiếp thu, giải trình việc sửa đổi Hiến pháp, các dự án Luật, Nghị quyết, báo cáo, bảo đảm đồng thuận cao khi Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, nhất là các nội dung Chính phủ dự kiến trình Quốc hội bổ sung tại kỳ họp.

Các bộ, ngành khẩn trương ban hành, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Thứ hai, bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo Quyết định số 758/QĐ-TTg, 759/QĐ-TTg, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, thúc đẩy đàm phán với Mỹ, đồng thời chống hàng giả, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước. Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cuối cùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 06/05/2025 16:00
Hơn 96.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 4 tháng đầu năm

Trong 4 tháng đầu năm có gần 90.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có tới 96.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Vĩ Mô 06/05/2025 15:25
[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm: Vốn FDI tăng mạnh, thu NSNN tăng 26%

Dù chịu tác động không nhỏ từ chính sách thuế quan của Mỹ, nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sức bứt phá mạnh mẽ với nhiều chỉ tiêu đạt tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm như: thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 39,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4%; tổng thu ngân sách tăng 26,3%...

Vĩ Mô 06/05/2025 14:21
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam 4 tháng cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái

Trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 309,3 triệu USD, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vĩ Mô 06/05/2025 14:20
Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng gần 10%

Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân tăng trong các kỳ nghỉ lễ.