Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/10 cho thấy vào tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2% so với tháng liền trước và 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai đều cao hơn 0,1 điểm % so với dự báo của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát.
Loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước và 3,3% so với cùng kỳ. Cả hai cũng cao hơn 0,1 điểm % so với ước tính của các nhà kinh tế.
Theo bản báo cáo, CPI tăng vượt dự báo chủ yếu là do giá thực phẩm đi lên 0,4% và chi phí nhà ở nhích 0,2% so với tháng trước. Bù lại, giá năng lượng giảm 1,9% đã hạn chế đà tăng của giá cả nói chung.
Các khoản mục cũng đi lên trong tháng 9 bao gồm giá xe đã qua sử dụng (tăng 0,3%) và xe mới (0,2%). Dịch vụ chăm sóc y tế đi lên 0,7% và giá hàng may mặc tăng vọt 1,1%.
Theo nhận định của CNBC, giá cả của nhiều loại thực phẩm tăng cho thấy lạm phát đang tỏ ra khó kiểm soát. Trong tháng 9, giá trứng đã đi lên 8,4% so với tháng 8 và nhảy vọt 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bơ lần lượt tăng 2,8% so với tháng trước và 7,8% so với một năm trước.
Cùng ngày 10/10, chính phủ Mỹ còn công bố thêm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần. Theo đó, số đơn xin trợ cấp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 5/10 đạt 258.000, tăng cao hơn dự báo.
Theo CNBC, đây là con số cao nhất kể từ ngày 5/8/2023, tăng 33.000 so với tuần trước và cao hơn dự báo 230.000 của giới chuyên gia.
Báo cáo CPI được công bố ngay thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa mới bắt đầu hạ lãi suất chính sách. Sau khi giảm 50 điểm cơ bản (bps) vào giữa tháng 9, các quan chức dự kiến sẽ tiếp tục hạ lãi suất.
Tuy nhiên, tốc độ và mức độ nới lỏng chính sách vẫn là một câu hỏi. Các quan chức đã tự tin hơn rằng lạm phát đang trên đà quay trở lại mức mục tiêu 2%, song họ cũng băn khoăn về sức khoẻ của thị trường lao động.
Theo CME Group, các nhà giao dịch trên thị trường tương lai dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất 50 bps vào cuối năm 2024, mỗi lần 25 bps. Và từ giờ đến tháng 10/2025, lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm tổng cộng 150 bps thay vì 200 bps.
Một số nhà kinh tế và nhà đầu tư nổi tiếng, bao gồm hai cái tên gạo cội Stanley Druckenmiller và Mohamed El-Erian, đã lên tiếng cảnh báo ngân hàng trung ương Mỹ nên thận trọng.
Sau khi báo cáo việc làm tháng 9 được công bố vào cuối tuần trước, ông Mohamed El-Erian nhấn mạnh “lạm phát chưa chết” và Fed nên cảnh giác với mục tiêu kép (ổn định giá cả và toàn dụng việc làm) thay vì chỉ tập trung hỗ trợ thị trường lao động.
Một số người thậm chí còn cho rằng báo cáo việc làm có thể là tín hiệu cho thấy Fed không nên hạ chi phí đi vay vào tháng sau. Các quan chức ngân hàng trung ương này sẽ nhóm họp vào ngày 6 - 7/11, ngay sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn tuần trước với Bloomberg, nhà kinh tế Ed Yardeni nói quyết định hạ 50 bps trước đó là không cần thiết và Fed nên ngừng tay. Ông bày tỏ: “Tôi cho rằng một số quan chức Fed đang hối hận vì đã quá tay”.
Với lập trường “diều hâu” hơn, ông George Catrambone - trưởng bộ phận thu nhập cố định tại DWS Americas - gợi ý: “Kịch bản có thể xảy ra là Fed không cắt giảm lãi suất nữa hoặc thực sự phải tăng lãi suất trở lại".
Dự thảo Kế hoạch năng lượng chiến lược của Chính phủ Nhật Bản nêu rõ nước này sẽ sử dụng càng nhiều năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân càng tốt.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Hạ viện Mỹ chiều tối ngày 20/12 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật sửa đổi để không đẩy chính phủ Mỹ rơi vào tình cảnh phải đóng cửa một phần.
Nhờ báo cáo PCEPI thấp hơn dự báo, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng hơn 1%. Tuy nhiên, cả ba vẫn kết thúc tuần với kết quả tích cực do ảnh hưởng từ đợt bán tháo ngày 18/12.
Warren Buffett vừa thực hiện một chuyến mua sắm đặc biệt trước thềm lễ Giáng sinh.