Chủ tịch Fed Jerome Powell đang chịu sức ép lớn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).
Trong vài ngày gần đây, thị trường tài chính đã gửi đến Tổng thống Donald Trump một thông điệp đặc biệt quan trọng và có phần cấp bách: đừng gây sự với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Những lời chỉ trích mới nhất của ông Trump đối với Fed đang khiến các nhà đầu tư ngày càng mất niềm tin vào đồng USD và vai trò thống trị của Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu.
Đơn cử như trong phiên giao dịch ngày 21/4, những lo ngại về tính độc lập của Fed đã khiến ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ bốc hơi hơn 2%, trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo và đồng USD chạm mức yếu nhất trong ba năm.
Đồng thời, giá vàng thế giới vọt lên mức cao kỷ lục hơn 3.400 USD/ounce, nới dài đà tăng trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong cơn bão thương chiến mà ông Trump khơi mào.
Xu hướng bán tháo các tài sản Mỹ diễn ra sau một bài đăng của ông Trump trên nền tảng Truth Social. Trong đó, ông chủ Nhà Trắng gọi Chủ tịch Fed Jerome Powell là “kẻ thất bại thảm hại” và đòi ngân hàng trung ương (NHTW) phải hạ lãi suất “NGAY BÂY GIỜ” vì số liệu lạm phát giảm.
Chỉ mới tuần trước, ông Trump còn phàn nàn “cần phải nhanh chóng sa thải” ông Powell, làm dấy lên lo ngại rằng vị tổng thống sẽ tìm cách loại bỏ người đứng đầu NHTW Mỹ. Không lâu sau, cố vấn kinh tế Kevin Hassett cho biết Nhà Trắng đang đánh giá xem họ có thể sa thải ông Powell hay không.
“Tính độc lập của Fed đang gặp nguy... Đây là một sự kiện đính kèm những rủi ro rất lớn không chỉ đối với đồng bạc xanh mà còn đối với cả hệ thống tài chính toàn cầu”, chiến lược gia cấp cao Themistoklis Fiotakis của ngân hàng Barclays bày tỏ trong một lưu ý gửi khách hàng.
May thay, đến ngày 22/4, ông Trump dường như đã lắng nghe thông điệp của thị trường. Phát biểu trước báo giới, nhà lãnh đạo 78 tuổi cho hay ông không có ý định sa thải Chủ tịch Powell. Song, khó mà biết trong tương lai ông Trump có tiếp tục đòi hỏi Fed cắt giảm lãi suất hay không.
Kể từ khi công bố đợt giảm lãi suất gần đây nhất vào tháng 12 năm ngoái, ủy ban hoạch định chính sách của Fed đã bày tỏ sự thận trọng về việc hạ lãi suất trong thời gian tới do lo ngại chính sách thuế quan của ông Trump sẽ gây ra lạm phát.
Chủ tịch Powell cảnh báo trong bài phát biểu trước Câu lạc bộ kinh tế Chicago vào tuần trước rằng thuế quan có thể khiến nền kinh tế Mỹ phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng thấp, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao cùng một lúc.
“Chúng tôi có thể rơi vào kịch bản thách thức là hai đầu của nhiệm vụ kép trở nên mâu thuẫn với nhau. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ xem xét nền kinh tế đang cách từng mục tiêu bao xa và ước tính thời gian cần thiết để thu hẹp khoảng cách đó”, người đứng đầu Fed lưu ý.
Fed được thành lập theo Đạo luật Dự trữ Liên bang vào năm 1913 sau cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 1907. Kể từ năm 1977, các quan chức được giao nhiệm vụ kép là thúc đẩy trạng thái toàn dụng việc làm và ổn định giá cả trong nền kinh tế.
Về định nghĩa, tính độc lập của Fed được hiểu là các quan chức có thể thiết lập lãi suất mà Quốc hội hay Nhà Trắng không thể can thiệp, ngay cả khi giới chính trị gia bất mãn với chính sách của NHTW.
Tất nhiên, Quốc hội có thể thay đổi luật để tác động đến Fed nhưng cho đến nay chưa dự luật nào có thể đi quá xa. Đó là vì đa phần các nhà lập pháp hiểu rằng nếu Quốc hội hoặc tổng thống có thể can thiệp trực tiếp đến công việc thiết lập lãi suất, đất nước thường phải đối mặt với một hậu quả thảm khốc: lạm phát cao.
Ông Ben Bernanke, Chủ tịch Fed trong giai đoạn 2006 - 2014, từng trình bày vắn tắt về tính độc lập của NHTW trong một bài phát biểu hồi năm 2010 như sau:
“Các nhà hoạch định chính sách tại một NHTW thường chịu áp lực chính trị ngắn hạn. Họ có thể phải đối mặt với áp lực kích thích quá mức nền kinh tế để thúc đẩy sản lượng và tăng trưởng việc làm ngắn hạn, vượt quá tiềm năng cơ bản của nền kinh tế.
Các kết quả như vậy có thể được ưa chuộng lúc đầu và do đó thường hữu ích trong chiến dịch tranh cử, nhưng chúng không bền vững và sẽ sớm tan biến, chỉ để lại áp lực lạm phát làm xấu triển vọng dài hạn của nền kinh tế.
Vì vậy, sự can thiệp của chính trị vào chính sách tiền tệ có thể tạo ra các chu kỳ bùng nổ - suy thoái không mong muốn, cuối cùng khiến nền kinh tế trở nên kém ổn định hơn và lạm phát cao hơn...”
Chủ tịch Fed Jerome Powell trò chuyện cùng cựu Chủ tịch Ben Bernanke. (Ảnh: Getty Images).
Tuy nhiên, ông Bernanke không ủng hộ sự độc lập vô điều kiện. Thay vào đó, ông nhấn mạnh NHTW phải chịu trách nhiệm trước công chúng về hành động của mình; mục tiêu chính sách tiền tệ phải do chính phủ đặt ra; và NHTW phải thường xuyên chứng minh họ có thể theo đuổi các mục tiêu được giao phó một cách phù hợp.
Trên thực tế, một tổng thống có thể tác động đến chính sách của Fed thông qua đề cử các thành viên của Hội đồng Thống đốc và chờ đợi Thượng viện xác nhận. Nhiệm kỳ của ông Powell với tư cách Chủ tịch Fed sẽ kết thúc vào tháng 5/2026, nhưng ông vẫn là thành viên của Hội đồng Thống đốc đến tháng 1/2028.
Đạo luật Dự trữ Liên bang quy định rằng các thống đốc Fed có thể bị tổng thống bãi nhiệm trước khi hết nhiệm kỳ chỉ vì “lý do chính đáng”. Chủ tịch Powell từng nhấn mạnh Tổng thống Trump không thể sa thải ông theo luật và ông sẽ không từ chức nếu ông Trump yêu cầu.
“Dũng sĩ diệt lạm phát”, cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker. (Ảnh: Getty Images).
Một khi tính độc lập và kéo theo đó là uy tín của NHTW bị đe doạ, vận mệnh của nền kinh tế sẽ lâm nguy. Lần gần nhất tính độc lập của Fed bị xâm phạm, Mỹ đã phải trả giá rất đắt.
Giai thoại về cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker gắn liền với một giai đoạn đau thương của nền kinh tế Mỹ: Đại Lạm phát. Chuỗi khủng hoảng bắt đầu vào cuối năm 1972 và kéo dài đến đầu những năm 1980.
Câu chuyện về “dũng sĩ diệt lạm phát” ấy còn gắn liền với sai lầm tai hại của người tiền nhiệm Arthur Burns dưới sự ảnh hưởng và thao túng của cựu Tổng thống Richard Nixon.
Khi nhậm chức lần đầu vào năm 1969, ông Nixon phải “thừa hưởng” một cuộc suy thoái từ người tiền nhiệm Lyndon Johnson. Khi thâm hụt ngân sách và áp lực lạm phát bắt đầu hình thành vào đầu thập niên 1970, ông không thực sự quan tâm.
Tuy nhiên, càng gần đến giai đoạn tái tranh cử, Nixon lại càng muốn một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Điều ông lo sợ là một cuộc suy thoái khác có thể xảy ra. Và theo lý lẽ của vị tổng thống Đảng Cộng hoà, gây áp lực để Fed hạ lãi suất là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng.
Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon (người ngồi dưới ghế, bên phải) trò chuyện cùng cựu Chủ tịch Fed Arthur Burns (người ngậm tẩu thuốc, bên trái) và các quan chức cấp cao khác. (Ảnh: AP).
Nixon đã sai thải Chủ tịch Fed William McChesney Martin và bổ nhiệm cố vấn Arthur Burns làm người kế nhiệm. “Tôi không muốn rời Nhà Trắng quá sớm”, Nixon bày tỏ với ông Burns trong cuộc trò chuyện vào ngày 10/10/1971.
Ông chủ Nhà Trắng lúc bấy giờ muốn tiền rẻ, hay nói cách khác là duy trì lãi suất ở mức thấp để củng cố tăng trưởng trong ngắn hạn và khiến cử tri tin rằng nền kinh tế đang rất vững mạnh.
Dưới thời ông Burns, chỉ tính riêng trong giai đoạn tháng 12/1971 - 12/1972, cung tiền M1 đã tăng mạnh từ 228 tỷ USD lên 249 tỷ USD. Cung tiền M2 thậm chí còn phình to hơn, từ 710 tỷ USD lên 802 tỷ USD, theo Fed chi nhánh St. Louis.
Trong khi đó, vào năm cuối cùng của ông Martin trên cương vị Chủ tịch Fed, cung tiền M1 chỉ tăng khiêm tốn từ 198 tỷ USD lên 206 tỷ USD, còn cung tiền M2 đi từ 569 tỷ USD lên 589 tỷ USD.
Việc bơm tiền đã có tác dụng trong ngắn hạn. Nixon tái đắc cử năm 1972 khi giành chiến thắng tại 49 trong tổng 50 tiểu bang. Lạm phát khi đó ở mức thấp một con số. Song, Mỹ đã phải trả giá đắt khi mùa bầu cử khép lại.
Đến đầu năm 1973, ông Burns bắt đầu lo về lạm phát, đặc biệt là khi bất ổn địa chính trị tại Trung Đông kích thích giá xăng đi lên. Lạm phát tăng gấp đôi lên 8,8% vào năm 1973, sau đó leo dần lên 12% và đến năm 1980 thì đạt đỉnh hơn 14%.
Áp lực giá cả trong thời kỳ Đại Lạm phát đè nặng lên đời sống người dân Mỹ. Sức mua của người tiêu dùng xuống thấp, tiền tiết kiệm của người dân còn có nguy cơ cạn kiệt. Họ cảm thấy khó khăn chồng chất và kiệt quệ tinh thần.
Các hộ gia đình cân đo đong đếm để mua hàng hoá, một số vật phẩm bỗng nằm ngoài tầm với của nhiều người. Nhìn chung, lạm phát làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế và sự lãnh đạo của chính phủ.
Bàn về chính sách tiền tệ giai đoạn này, ông Bernanke đánh giá vào năm 2003: “Uy tín của Fed với tư cách người chống lạm phát đã biến mất”. Theo Bernanke, Burns đã hành động “như một thành viên của chính quyền Nixon... khi thảo luận các sáng kiến chính sách không liên quan đến trách nhiệm của Fed”.
Tuy nhiên, may mắn thay, Đại Lạm phát cuối cùng đã chấm dứt dưới bàn tay lèo lái của Chủ tịch Fed Paul Volcker.
Năm 1979, khi Tổng thống Jimmy Carter tìm kiếm một người cầm cương mới cho ngân hàng trung ương Mỹ, cái tên Paul Volcker đã được chọn. Quyết định của ông Carter được hậu thế đánh giá là một nước đi sáng suốt.
Một đêm tháng 10/1979, hai tháng sau khi nhậm chức, Volcker đã tập hợp đồng nghiệp từ khắp đất nước để tổ chức một cuộc họp chính sách khẩn và bí mật. Sau hàng giờ tranh luận, ông đã thuyết phục Fed thay đổi toàn bộ khuôn khổ chính sách tiền tệ tại Mỹ.
Sau đó, Volcker tăng mạnh lãi suất chuẩn lên gần 20% - một mức chưa từng có trong lịch sử; đồng thời, thu hẹp nguồn cung tiền và tín dụng đang chảy vào nền kinh tế Mỹ. Volcker ý thức được thiệt hại tiềm tàng của việc này đến tăng trưởng.
Quả thực, hành động của Volcker đã gây ra cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc nhất kể từ Đại Khủng hoảng những năm 1930, đẩy hàng nghìn doanh nghiệp và trang trại vào cảnh phá sản, cũng như kéo tỷ lệ thất nghiệp lên mức 10%.
Ông bị hàng loạt doanh nghiệp, liên đoàn lao động và nhà lập pháp chỉ trích công khai. Song, ông chấp nhận bị chỉ trích, thậm chí suýt bị tấn công bởi một người đàn ông có súng tại trụ sở của Fed.
Cuối cùng, nền kinh tế cũng phục hồi, bước đi trên con đường trải hoa hồng vào giai đoạn “Đại Ổn định". Trong gần ba thập kỷ kể từ chu kỳ thắt chặt chính sách của Volcker, lạm phát tại siêu cường lớn nhất thế giới duy trì ở mức rất thấp, ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào năm 2012, Giáo sư William Silber của Đại học New York từng nhận xét: “Tại thời điểm sự tín nhiệm dành cho Fed đã suy giảm đáng kể, Volcker đã vực lại niềm tin của công chúng. Ông là hình mẫu cho các chủ tịch ngân hàng trung ương tương lai”.
Theo các nguồn tin của Wall Street Journal, Nhà Trắng đang cân nhắc giảm mạnh thuế quan với Trung Quốc để hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường này.
Phố Wall có thể trở thành mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng động thái nhượng bộ mới nhất của ông Trump là dấu hiệu cho thấy vị tổng thống đang hoảng loạn vì biến động trên thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent lạc quan rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới, nhưng dự đoán hai nước có thể mất hai đến ba năm để đạt một thỏa thuận toàn diện.