Ngày 25/4, tại kỳ họp thứ 12, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP Cần Thơ đã thống nhất thông qua Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Theo đó, sẽ thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ hiện nay.
TP Cần Thơ sau sắp xếp có diện tích 6.400,83 km2 (đạt 426,722% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 4.061.292 người (đạt 406,12% so với tiêu chuẩn), 103 đơn vị hành chính trực thuộc (31 phường và 72 xã).
Theo UBND TP Cần Thơ, có ba lý do chính để sử dụng tên “TP Cần Thơ” cho đơn vị hành chính mới. Thứ nhất, đây là vùng đất có bề dày lịch sử, đóng vai trò là trung tâm văn hóa lâu đời của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phản ánh chiều sâu truyền thống và bản sắc vùng miền.
Thứ hai, là một trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã được xác định là trung tâm về kinh tế, tài chính và logistics của ĐBSCL. Tên gọi này sẽ giúp duy trì và phát huy thương hiệu, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, gia tăng năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế vùng.
Thứ ba, việc sử dụng một trong ba tên địa danh hiện có trước khi sáp nhập giúp dễ dàng nhận diện, ngắn gọn và dễ nhớ. Điều này còn góp phần giảm chi phí chuyển đổi giấy tờ, hạn chế xáo trộn hành chính và tiết kiệm nguồn lực cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Hiện tại, TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng trong vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Cụ thể, hệ thống giao thông đường thủy (3 cảng có thể tiếp nhận 5.000 - 20.000 DWT), đường bộ (6 quốc lộ đi qua, tuyến cao tốc kết nối thuận tiện với TP HCM và các tỉnh trong vùng); đường hàng không (Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là sân bay cấp 4E theo tiêu chuẩn của ICAO).
Ngoài ra, nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai, như: Tuyến cao tốc theo trục dọc (Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau); trục ngang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.
Tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ (đang nghiên cứu lập Báo cáo tiền khả thi) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đầu tư trước năm 2030… Qua đó, tạo sự kết nối thuận lợi giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong vùng với TP HCM và các vùng khác trong cả nước.
TP Cần Thơ. (Ảnh: Cổng TTĐT TP Cần Thơ)
Với những lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế TP Cần Thơ đa dạng với các ngành chủ đạo như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Trong đó, nổi tiếng với sản xuất lúa gạo, thủy sản, đặc biệt là cá tra và tôm, góp phần quan trọng vào xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, TP Cần Thơ đã phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp và hạ tầng logistics, thúc đẩy công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Ngành dịch vụ cũng đang trên đà phát triển nhanh chóng, nhờ vào sự gia tăng của các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, và các điểm du lịch hấp dẫn như chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều.
Trong quý I, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của địa phương đạt 7,15% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ hạng 6 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Với hơn 72km bờ biển, thông ra biển với 3 cửa sông chính Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng có các cửa sông, rừng ngập mặn ven sông, ven biển được đánh giá có tính đa dạng sinh học, đây là nơi tập trung nhiều giống loài thủy, hải sản nước lợ, nước mặn có giá trị kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, với diện tích bãi bồi rộng và dài chạy dọc theo chiều dài bờ biển, nơi đây còn có tiềm năng phát triển năng lượng sạch tái tạo (năng lượng điện gió) và đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển.
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sóc Trăng sẽ trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với dự án trọng điểm là cảng biển Trần Đề”.
Cụ thể, về dịch vụ, logistics, cảng biển, Sóc Trăng tập trung các ngành kinh tế biển nhằm khai thác lợi thế vị trí cảng biển nước sâu và bờ biển dài của tỉnh. Trần Đề sẽ là cảng được quy hoạch là cảng cửa ngõ của vùng và quốc tế, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.
Về hạ tầng công nghiệp và đô thị, Sóc Trăng đã quy hoạch, phát triển 10 khu công nghiệp với diện tích gần 5ha và 18 cụm công nghiệp với diện tích gần 1.000 ha. Ngoài ra tỉnh Sóc Trăng cũng kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển.
Trong quý I, với mức tăng 4,6%, GRDP Sóc Trăng trong quý I thấp hơn mức trung bình cả nước. Tuy vậy, các chỉ số ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều khởi sắc.
Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: VGP).
Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL (diện tích tự nhiên khoảng 162.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 86%). Với hai mùa mưa nắng, không khí trong lành, điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa phương có điều kiện để phát triển nông nghiệp toàn diện, từ trồng trọt đến nuôi trồng thủy sản nước ngọt, phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, tỉnh xác định 5 loại nông sản chủ lực để tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển, gồm: cây lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn đồng. Từ việc xác định trên sẽ là cơ sở để kêu gọi đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, cũng như xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của từng địa phương trong tỉnh.
Còn xét về tổng thể trong khu vực ĐBSCL, Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố trong khu vực, đặc biệt là thành phố Cần Thơ nên giao thông từ tỉnh vô cùng thuận tiện.
Cùng với đó, Hậu Giang hiện có hai tuyến cao tốc đi qua là Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1. Dự kiến, năm 2025 hoàn thành tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và năm 2026 hoàn thành tuyến còn lại, qua đó mở ra cơ hội đầu tư rất lớn. Mặt khác, dự kiến triển khai cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trước năm 2030. Do đó, Hậu Giang xác định sẽ phát triển 3 vùng công nghiệp dựa theo các tuyến cao tốc này.
Tỉnh Hậu Giang đã xây dựng quy hoạch tỉnh, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển khá của ĐBSCL, đến năm 2050 là tỉnh có công nghiệp phát triển khá của cả nước, nâng cao đời sống người dân. Phát triển của Hậu Giang dựa trên 4 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, tăng trưởng GRDP quý I của địa phương là 9,57%, đứng đầu các tỉnh khu vực ĐBSCL, nằm trong top tăng trưởng cao của cả nước.
Lúa Hậu Giang
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP HCM, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cho biết TP Cần Thơ mới sẽ khai thác và tận dụng lợi thế chung với các tỉnh về tất cả các nguồn lực, điều kiện hạ tầng kinh tế – xã hội để đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng giao thông về đường bộ, đường thủy, đường hàng không, phát triển chuỗi giá trị nông, thủy sản và khai thác du lịch liên tỉnh.
TP Cần Thơ có thế mạnh về công nghiệp chế biến, thương mại và dịch vụ, trong khi Hậu Giang, Sóc Trăng có tiềm năng lớn về nông nghiệp, thủy sản và du lịch sinh thái.
Việc sáp nhập, mở rộng không gian phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mỗi địa phương tập trung khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình, đồng thời bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển, nâng cao chuỗi giá trị…
Với việc không gian phát triển được mở rộng hơn, TP Cần Thơ sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương, đơn vị, tập trung nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể, bao gồm phân vùng chức năng, phát triển hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối các khu vực mới và cũ.
Khai thác tối đa các nguồn lực, phát huy thế mạnh của từng khu vực trong địa bàn mới; đồng thời áp dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo để quản lý hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, tận dụng tối đa cơ hội, lợi thế để phát triển bền vững.
TP Cần Thơ có thể phát triển thành một trung tâm logistics quan trọng, kết nối các cảng biển nước sâu với hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước, thu hút đầu tư.
Đặc biệt, trong các lĩnh vực như cảng biển, phát triển các khu công nghiệp ven biển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Cần Thơ có thể trở thành trung tâm khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản, kết nối với các vùng nuôi trồng và đánh bắt ven biển; giúp thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững, tăng giá trị xuất khẩu.
"Việc mở cửa ngõ ra biển sẽ giúp Cần Thơ phát triển các loại hình du lịch biển, kết hợp với du lịch sinh thái sông nước đa dạng và hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ du lịch…", Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ kỳ vọng.
Hải Phòng đã và đang mở rộng hợp tác, hữu nghị với các tỉnh, địa phương của Trung Quốc, tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển. Sự kết nối này không chỉ mở rộng thị trường, tận dụng nguồn lực quốc tế mà còn đưa Hải Phòng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Các Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM đã ký Kế hoạch chuẩn bị kết nối hệ thống công nghệ thông tin sau khi hợp nhất.
Sau sáp nhập, cấp tỉnh dự kiến giảm 18.440 biên chế cán bộ, công chức và cấp xã giảm 110.780 biên chế so với số lượng được cấp có thẩm quyền giao năm 2022.
Mặc dù đang trong kỳ nghỉ lễ, tuy nhiên với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, trên các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh vẫn nhộn nhịp công nhân và máy móc làm việc ngày đêm bám công trường, đẩy nhanh tiến độ công trình nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội phát triển.