Chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác giảm xuống mức 106,93 theo ghi nhận lúc 7h00 (giờ Việt Nam).
So với phiên trước đó, tỷ giá euro so với USD tăng 0,53%, đạt 1,0482. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,01% lên 1,2596. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,54% ở mức 153,92.
Theo Reuters, USD đã giảm một chút mức tăng gần đây khi các nhà đầu tư cho rằng việc lựa chọn Bộ trưởng Tài chính sẽ trấn an thị trường trái phiếu và kéo lợi suất xuống thấp hơn, làm mất đi một phần lợi thế về lãi suất của đồng bạc xanh.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống 4,351%, từ mức 4,412% vào cuối ngày thứ 6, khi sự lựa chọn nhà quản lý quỹ Scott Bessent của Donald Trump được thị trường trái phiếu hoan nghênh vì ông là một chuyên gia kỳ cựu của Phố Wall và là người bảo thủ về mặt tài chính.
Tuy nhiên, Bessent cũng công khai ủng hộ đồng USD mạnh và áp dụng thuế quan, cho rằng bất kỳ sự suy yếu nào của đồng tiền này có thể chỉ là thoáng qua.
Đồng USD có khả năng sẽ có sự điều chỉnh sau khi tăng trong tám tuần liên tiếp và nhiều chỉ báo kỹ thuật đang báo hiệu tình trạng mua quá mức.
Cuối tuần trước, USD đã tăng giá sau khi các chỉ số hoạt động kinh doanh được công bố. S&P Global cho biết chỉ số đầu ra PMI tổng hợp của Mỹ - theo dõi các ngành sản xuất và dịch vụ, đã tăng lên 55,3 trong tháng này, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, sau mức 54,1 vào tháng 10, trong đó ngành dịch vụ chứng kiến mức tăng lớn nhất.
Ông Brian Jacobsen, kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management, cho biết các thông tin này đang làm nổi bật nước Mỹ và phần còn lại của thế giới, ngay cả trong nước Mỹ thì vẫn là dịch vụ đối đầu với sản xuất.
Chỉ số DXY đã tăng đáng kể lên mốc 107,50, chứng kiến đà tăng trưởng trong tuần thứ ba liên tiếp.
Gần đây, các nhà đầu tư đã giảm bớt kỳ vọng về lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Theo công cụ FedWatch của CME, hiện thị trường đang định giá 52,7% khả năng Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp tháng 12, giảm so với mức 69,5% của một tháng trước khi họ đánh giá tác động của các chính sách lập pháp của chính quyền Trump như thuế quan đối với nền kinh tế.
Các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh được cho là có khả năng sẽ quyết liệt hơn trong việc cắt giảm lãi suất để củng cố nền kinh tế của họ. Một số nhà hoạch định chính sách có ảnh hưởng nhất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã thúc giục Liên minh Châu Âu khôi phục lại tiến trình hội nhập kinh tế bị đình trệ từ lâu để bảo vệ mô hình thịnh vượng của mình trước cuộc chiến thương mại đang rình rập với Mỹ sắp tới.