VASEP: Đơn hàng tôm nửa cuối năm có thể chậm lại vì tâm lý chờ đợi chính sách thuế mới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù kết quả tháng 5 rất khả quan, triển vọng nửa cuối năm vẫn còn nhiều biến số. Tâm lý chờ đợi từ phía các nhà nhập khẩu, đặc biệt tại Mỹ, có thể làm chậm tiến độ đơn hàng mới, khi chính sách thuế quan chưa được làm rõ.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 5 ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng cả về sản lượng và giá trị, đặc biệt tại các thị trường chủ lực như Mỹ và Trung Quốc.

Hiệp hội đánh giá đây được xem là tín hiệu tích cực cho ngành tôm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào cao và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu suy giảm.

Cụ thể, sản lượng tôm thẻ chân trắng xuất khẩu đạt 30.089 tấn trong tháng 5, tăng 23% so với tháng 4 và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm xuất khẩu chính gồm tôm luộc không đầu, tôm lột vỏ chừa đuôi đông lạnh, tôm sushi, tôm hấp, tôm tẩm bột chiên kèm xốt…

Dù kết quả tháng 5 rất khả quan, theo Hiệp hội triển vọng nửa cuối năm vẫn còn nhiều biến số. Nhu cầu được dự báo sẽ tăng theo mùa trong giai đoạn hè, nhưng tâm lý chờ đợi từ phía các nhà nhập khẩu, đặc biệt tại Mỹ, có thể làm chậm tiến độ đơn hàng mới, khi chính sách thuế quan chưa được làm rõ.

VASEP cho biết, nếu Mỹ không duy trì cơ chế miễn thuế như kỳ vọng, khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm thẻ lớn nhất gồm STAPIMEX, Minh Phú Hậu Giang, Sao Ta, Minh Phú và Cases.

Về thị trường, Mỹ là quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất với sản lượng nhập khẩu đạt 7.060 tấn tăng 72% so với tháng trước. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2024. Giá xuất khẩu trung bình sang Mỹ đạt 11,60 USD/kg, tăng 0,9%.

Trung Quốc cũng tăng sản lượng nhập khẩu lên 4.500 tấn, dù giá trung bình giảm 3% xuống còn 6,5 USD/kg. Các thị trường khác như Hàn Quốc, EU và Nhật Bản lần lượt tăng 20%, 14% và 3%. Riêng Anh giảm nhẹ 5%.

Giá xuất khẩu trung bình tôm thẻ toàn thị trường đạt 9 USD/kg, tăng nhẹ 1% so với tháng trước. Giá tôm nguyên liệu trong nước cũng tăng 5–7% nhờ nhu cầu từ các nhà chế biến, đặc biệt tại Mỹ, đang đẩy mạnh thu mua để hoàn thành đơn hàng trước khi chính sách miễn thuế đối ứng của chính quyền Trump hết hiệu lực.

Ở phân khúc cao cấp, tôm sú ghi nhận sản lượng xuất khẩu đạt 4.353 tấn trong tháng 5, tăng 8% so với tháng 4 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Các dòng sản phẩm chính gồm tôm bỏ đầu PTO/PDTO, tôm nguyên con, tôm lột vỏ đông lạnh, tôm hấp và tôm HLSO.

Các doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu tôm sú bao gồm Minh Phú, Minh Phú Hậu Giang, Camimex, Minh Cường và Tôm Miền Nam.

Về thị trường, Mỹ cũng tăng nhập khẩu tôm sú từ Việt Nam lên 600 tấn với mức giá cao nhất 17,10 USD/kg. Nhật Bản đạt 886 tấn, giá tăng 6% lên 12,40 USD/kg. EU tăng tháng thứ tư liên tiếp lên 390 tấn, giá giảm nhẹ 6,1% còn 10,7 USD/kg.

Hàn Quốc đạt gần 200 tấn nhưng giá giảm mạnh 30% xuống còn 8,30 USD/kg. Trung Quốc giữ ổn định ở mức 1.300 tấn, giá tiếp tục giảm thêm 3,3% còn 8,9 USD/kg.

Giá xuất khẩu bình quân tôm sú tăng 4% lên 11,82 USD/kg. Tuy nhiên, sản lượng tôm nguyên liệu giảm nhẹ 2% còn 24.000 tấn do sản lượng tăng mạnh trong tháng trước. Nguồn cung tôm cỡ lớn đang dồi dào khiến giá tại trại điều chỉnh: tôm sú cỡ 20–40 con/kg giảm 2%, cỡ 50 con/kg giữ nguyên, còn cỡ 80 con/kg giảm tới 9%.

VASEP cho biết, hiện tôm sú Việt Nam đang chiếm ưu thế ở các thị trường cao cấp như Nhật Bản, EU và Thụy Sĩ, nơi người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm tôm sinh thái, nuôi trong rừng ngập mặn, có thể truy xuất nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn bền vững.

Tuy vậy, ngành đang đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ. Quốc gia này đang đẩy mạnh nuôi tôm sú theo mô hình hai vụ tại bang Andhra Pradesh, nhắm vào các thị trường châu Á với cỡ nhỏ 30–50 con/kg.

 

Anh Tuấn
CÙNG CHUYÊN MỤC
Trung Quốc đẩy mạnh tích trữ nickel

Trung Quốc đang gom lượng lớn nickel khi giá xuống thấp, vừa tận dụng cơ hội thị trường, vừa tăng cường dự trữ chiến lược cho các ngành công nghiệp chủ chốt như thép không gỉ và xe điện.

Doanh nghiệp châu Âu lo ngại CBAM gây đứt gãy chuỗi cung ứng thép

Các nhà phân phối và thương nhân ngành kim loại châu Âu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM). Một số diễn giả cảnh báo nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong quý I/2026, khi CBAM bắt đầu phát huy toàn bộ hiệu lực.

OPEC+ bơm thêm dầu thô: Ai sẽ là người mua và giá sẽ đi về đâu?

Sau quyết định của OPEC+ về việc tăng sản lượng dầu thô từ tháng 8, hai câu hỏi lớn đang được giới phân tích đặt ra: Ai sẽ là người mua lượng dầu bổ sung này và liệu nhóm có thực sự xuất khẩu hết số thùng dầu cam kết sẽ sản xuất?

Giá thịt heo hôm nay 8/7: Duy trì ổn định dù giá heo hơi liên tục biến động

Giá thịt heo được ghi nhận kéo dài xu hướng đi ngang tại hệ thống cửa hàng WinMart và Công ty Thực phẩm Hà Hiền.